Giá dầu tăng phi mã phủ bóng đen lên Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways

Trần Dũng - 09:00, 10/05/2018

TheLEADERGần một nửa chi phí vận hành của các hãng hàng không là chi phí nhiên liệu, mặt hàng này đã tăng 41% từ đầu năm và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá dầu thế giới thời gian qua đã tăng mạnh sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nỗi lo ngại về một lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung đã đẩy giá dầu lên mức 71 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2015.

Giá dầu phá đỉnh ngay lập tức tác động tới các doanh nghiệp vận tải, những đơn vị có đặc thù tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên chi phí hoạt động rất lớn. Lần lượt những hãng taxi như Vinasun, Mai Linh và đặc biệt là những hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air.

Riêng với ngành hàng không Việt Nam, giá Jet A1 - loại xăng được dùng cho tất cả các chuyến bay đã tăng 41,3% từ đầu năm, đạt 85 USD/thùng trong tháng 4. Với tình hình giá dầu hiện tại, con số này dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 5.

Chiếm khoảng 46% chi phí vận hành, giá nhiên liệu được theo dõi chặt chẽ đến mức, các doanh nghiệp trong ngành phải lên kịch bản cho từng ngưỡng giá. Chẳng hạn, ban lãnh đạo Vietjet Air cho biết, kế hoạch kinh doanh của hãng được xây dựng dựa trên giá dầu ở ngưỡng 70 USD/thùng. Nay giá dầu đã vượt qua mức này, Vietjet Air sẽ có những kịch bản mới dựa trên giá dầu ở ngưỡng 80, 90 hay thậm chí là 100 USD/thùng.

Không chỉ Vietjet Air, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đặt giá nhiên liệu là thách thức hàng đầu trong hoạt động năm 2018. 

Vietnam Airlines ước tính, giá nhiên liệu dự kiến tăng mạnh và duy trì ở mức cao, từ 75-80 USD/thùng, tương đương tăng 15- 20% so năm 2017. Dự đoán của Vietnam Airlines vẫn tỏ ra khá lạc quan khi giá đã tăng vọt tới 85 USD/thùng chỉ sau 4 tháng đầu năm.

Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways chao cánh vì giá dầu

Chi phí nhiên liệu tăng nhanh khiến lợi nhuận dự kiến của Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng. Hãng hàng không này ước tính, doanh thu từ vận tải hàng không tăng 6.000 tỷ đồng, tương đương 9,4%, đạt 69,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, lãi trước thuế công ty mẹ chỉ tăng vỏn vẹn 48 tỷ đồng, tương đương 2,5%. Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận không đuổi kịp doanh thu phần nào phản ánh tác động của giá dầu tới hoạt động của Vietnam Airlines.

Giá nhiên liệu tăng mạnh cũng ảnh hưởng đến Bamboo Airways, một hãng hàng không đang chờ cấp phép của Tập đoàn FLC. Bamboo Airways tỏ ra kém may mắn khi phải đối mặt với nhiều vấn đề từ khi ra mắt: chưa xin được giấy phép sau gần 1 năm nộp hồ sơ, phải thuê máy bay để chuẩn bị kịp thời điểm cất cánh và nay là bài toán chi phí nhiên liệu tăng cao.

Trước diễn biến giá dầu phức tạp, các hãng hàng không đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát giá. Vietnam Airlines cho biết, doanh nghiệp này sẽ triển khai giai đoạn 2 chương trình tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hóa đường bay, phương thức bay.

Một số khác thì bổ sung thêm phương án là mua các hợp đồng bảo hộ (hedging – mua trước với mức giá cố định để khống chế rủi ro). Viejet Air cho biết, hãng hàng không này đã sử dụng hợp đồng hedging từ giữa tháng 3 khi giá dầu thô đạt 65 USD/thùng. 

Về lý thuyết, hợp đồng hedging giống như một loại bảo hiểm, giúp các hãng hàng không bị tổn thương ít hơn khi giá nhiên liệu tăng trong tương lai. Mặc dù vậy, hedging cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi khi doanh nghiệp không dự báo đúng nhu cầu nhiên liệu.

Hãng hàng không Jetstar Pacific là một ví dụ điển hình của việc áp dụng hợp đồng hedging thất bại. Truyền thông đưa tin, năm 2009, hãng hàng không này thua lỗ 31 triệu USD (khoảng 600 tỷ đồng) khi dự trữ xăng vào thời điểm giá thế giới tăng cao.

Với Vietjet Air, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, hãng hàng không này vẫn sẽ kiểm soát tốt vấn đề chi phí nhiên liệu. Cụ thể, ACBS ước tính biên lợi nhuận gộp của Vietjet Air chỉ giảm 0,2 điểm, đạt 15,3% bởi khoản chi phí tăng thêm do giá nhiên liệu tăng sẽ được bù đắp bởi mức lợi nhuận cao từ các hoạt động phụ trợ. Ngoài ra, Vietjet Air có thể chuyển một phần chi phí tăng thêm vào giá vé.

Đưa ra nhiều phương án, nhưng nếu giá dầu vẫn giữ đà tăng như hiện tại, lợi nhuận của các hãng hàng không vẫn sẽ tiếp tục bị bào mỏng, thậm chí là thua lỗ. Thống kê của Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy năm 2008, khi giá dầu đạt đỉnh gần 150 USD/thùng, giá xăng máy bay cũng tăng mạn và khiến các hàng hàng không thua lỗ.

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, trong trung hạn triển vọng giá dầu là tiếp tục tăng. Nguy cơ cấm vận Iran, khủng hoảng tại Venezuela, cùng với cam kết cắt giảm sản lượng từ các nước xuất khẩu dầu trong và ngoài OPEC có thể đẩy thế giới vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ 1 - 1,2 triệu thùng dầu/ngày ngay trong quý 3 này.