Hai chữ quyết định thành bại của đặc khu hành chính – kinh tế

Giang Linh - 10:55, 09/11/2017

TheLEADERNhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào cơ chế chính sách đột phát và vượt trội trong phát triển đặc khu dựa trên Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội bàn thảo và thông qua trong kỳ họp này.

Ba đặc khu hành chính - kinh tế dự kiến sẽ được thành lập là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mặc dù đặc khu là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã phát triển từ lâu và đã hình thành hàng nghìn đặc khu kinh tế.

Xuất phát chậm nên theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần phải thể hiện tinh thần “đi sau càng cần và có thể vượt lên trước”.

Có những đặc khu kinh tế ở Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc hoạt động đặc biệt hiệu quả, chứng tỏ nếu biết làm có thể tạo ra sự “thần kỳ” phát triển bằng cách tạo ra “đột phá điểm”, tạo bứt phá, tiến vượt, từ đó lan toả phát triển mạnh cho cả đặc khu lẫn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho biết, không phải tất cả các đặc khu kinh tế đều thành công, kể cả những trường hợp đi sau. Trong đó, đa số các đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á như ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia tuy xây dựng sau năm đặc khu kinh tế của Trung Quốc khá lâu nhưng cho đến nay đều không chứng tỏ sự thành công vượt bậc.

Nhấn mạnh đặc khu sinh ra không phải để cạnh tranh thu hút nguồn lực với các địa phương khác trong cả nước, ông Thiên cho rằng, chức năng của đặc khu là cạnh tranh và liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Vì thế, phải xây dựng năng lực cạnh tranh “vượt trội” cho đặc khu theo chuẩn mực quốc tế ở đẳng cấp cao nhất.

Dòng vốn đầu tư đang đổ vào Phú Quốc đón đầu cơ chế đặc khu

Chia sẻ quan điểm này của ông Thiên, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group, cho rằng, vì Việt Nam đang đi sau rất xa so với các nước trong phát triển đặc khu, nên để có thể cạnh tranh được với các đặc khu đã thành công thì phải có cơ chế chính sách vượt trội.

“Cơ chế chính sách vượt trội hay không nằm ở hai chữ: open (mở) và free (tự do)”, ông Bình khẳng định.

Mở ở đây là chính sách thông thoáng đến đâu, ví dụ như không chỉ cho người nước ngoài mua nhà mà còn mua cả bất động sản nghỉ dưỡng được không? Tự do là có cho phép tiêu ngoại tệ mạnh trong đặc khu hay không, hoặc có mở hết ưu đãi thuế (free tax) và thị thực (free visa) hay không?

“Chúng ta đều phải tính toán kỹ hai chữ này nhằm tạo nên sức hút vượt trội cho các đặc khu thì mới có thể cạnh tranh với những đặc khu đã thành công trên thế giới để có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Bình khuyến nghị.

Trong một cuộc hội thảo về cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức cho Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, một thị trường ngoại hối tự do là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút các luồng vốn cho thị trường tài chính, bất động sản và các thị trường khác.

Vì thế, nhóm nghiên cứu này khẳng định, chính sách tài chính, tiền tệ và ngân hàng đối với Phú Quốc cho phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi bên cạnh tiền Đồng Việt Nam là đồng tiền lưu hành chủ yếu sẽ là chính sách đặc biệt quan trọng cho sự phát triển thành công của đặc khu Phú Quốc.

Ngoài ra còn có đề xuất cho phép ngân hàng tại đặc khu Phú Quốc hoạt động tự do với các điều kiện thuận lợi hơn, ít bị ràng buộc bởi các quy định liên quan đến an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dư nợ như các ngân hàng trên các vùng lãnh thổ khác của Việt Nam.

Bên cạnh cơ chế chính sách vượt trội, ông Bình cho rằng, để các chính sách, quyết định trong đặc khu có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả thì vấn đề giải quyết tiếp theo là mô hình tổ chức chính quyền đặc khu.

Hiện nay có hai mô hình tổ chức chính quyền đặc khu. Thứ nhất là tổ chức theo mô hình "chính quyền một người" là Trưởng đặc khu. Thứ hai là tổ chức chính quyền một cấp, có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bình nghiêng về cơ chế Trưởng đặc khu, bởi phương án tổ chức có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân không có nhiều sự khác biệt so với tổ chức chính quyền hiện nay nên khó có thể tạo ra bước phát triển đột phá.

Ông Bình đánh giá, Trưởng đặc khu là cơ chế đột phá vì Trưởng đặc khu có thể được trao rất nhiều quyền, bao gồm cả quyền của Chủ tịch tỉnh và quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Bình, cũng không nên lo ngại nếu trao quá nhiều quyền thì sẽ bị lạm quyền bởi khi trao quyền đồng nghĩa cá nhân đó phải chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước như Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Là doanh nghiệp đang có những dự án đầu tư lớn ở những đặc khu tương lai là Vân Đồn và Phú Quốc, ông Bình tin rằng, nếu triển khai thành công mô hình đặc khu hành chính – kinh tế sẽ có tác động lan toả đến sự phát triển kinh tế đất nước.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể cầu toàn. Muốn đưa ra cơ chế chính sách để đặc khu phát triển ngay mà không phải thay đổi thì rất khó. Thực tiễn sẽ có nhiều thay đổi, nên thực tiễn đến đâu thay đổi đến đó. Ngay cả các đặc khu ở Trung Quốc cũng thay đổi rất nhiều và hiện nay đã phát triển đến phiên bản 4.0,” ông Bình nhấn mạnh.