Lo 3 đặc khu kinh tế cạnh tranh lẫn nhau

An Chi - 06:42, 11/11/2017

TheLEADERỦy ban Pháp luật cho rằng sự trùng lặp ngành, nghề ưu tiên có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Lo 3 đặc khu kinh tế cạnh tranh lẫn nhau
Một góc Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.

Bổ sung tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của Ủy ban Pháp luật trình trước Quốc hội chiều 10/11 cho biết, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt quy định tiêu chí để xác định nhà đầu tư chiến lược chủ yếu dựa vào các tiêu chí liên quan tới ngành, nghề đầu tư, kinh doanh và quy mô vốn đầu tư tối thiểu.

Theo Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo Luật còn thiên về đánh giá theo khả năng về vốn đầu tư. Vốn thì có thể là vốn vay, trong khi đó, rất nhiều tiêu chí khác chưa được quan tâm như năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm môi trường kinh doanh, quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm tính toàn diện. Bởi việc xác định tiêu chí và lựa chọn đúng đắn nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo ra thế mạnh, tính lan tỏa và quyết định sự thành công của mỗi đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Pháp luật, các chính sách thu hút đầu tư vào đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, không ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường và thiên nhiên. 

Việc xem xét, đánh giá về tác động của chính sách được đề xuất cần được tiến hành một cách toàn diện đối với các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp hiện hữu, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở và tác động đối với cư dân địa phương.

Nguy cơ rủi ro đối với trật tự, an toàn xã hội

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, Khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong những ngành, nghề ưu tiên phát triển không phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế có liên quan.

Ủy ban Pháp luật tán thành về nguyên tắc cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư vào những ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. 

Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật đồng nghĩa với việc gỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động kinh doanh, đối tác đầu tư... đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, có thể tiềm ẩn những bất lợi, rủi ro đối với trật tự, an toàn xã hội và môi trường kinh doanh của các địa bàn ngoài đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. 

Chẳng hạn, đối với một số ngành, nghề thuộc công nghiệp văn hóa như điện ảnh, xuất bản, truyền hình, phát thanh (là các ngành, nghề được ưu tiên phát triển tại Vân Đồn theo, nếu không áp dụng điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế có liên quan thì cũng cần phải đáp ứng những điều kiện tối thiểu nhất định về phạm vi hoạt động kinh doanh để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước. 

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, cân nhắc kỹ để quy định vấn đề này cho phù hợp.

Tiềm ẩn khả năng cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đặc khu

Về danh mục ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc xây dựng các danh mục này đã tính đến lợi thế đặc thù của mỗi địa phương. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc thêm một số vấn đề sau:

Theo kinh nghiệm của một số nước thì sự phát triển của các đặc khu kinh tế thường gắn với một số nhóm ngành nhất định có sự liên kết, hỗ trợ và lan tỏa lẫn nhau. Sự phát triển của từng đặc khu cũng cần có sự kết nối, tương hỗ với các khu vực kinh tế khác để bảo đảm liên kết và phát triển vùng.

 Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về tính liên kết, lan tỏa giữa các ngành, nghề ưu tiên phát triển trong từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với nhau, với các khu vực kinh tế lân cận cũng như với toàn bộ nền kinh tế của đất nước.

Cụ thể, theo các danh mục thì du lịch là một trong những ngành, nghề được ưu tiên phát triển ở cả 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trong đó, cả 3 đơn vị đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng. 

Ủy ban Pháp luật cho rằng sự trùng lặp ngành, nghề ưu tiên có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. 

Do đó, cần xác định rõ các ngành, nghề chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, tránh trùng lặp, tránh áp dụng dàn trải các chính sách dẫn đến cạnh tranh giữa chính những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với nhau, phải xác định cạnh tranh chủ yếu là với các nước trong khu vực và quốc tế.

Mặt khác, hiện nay nhiều nước trong khu vực có vị trí địa lý gần với nước ta đã khá thành công với loại hình này, việc ưu tiên ngành, nghề này cần phải tạo nên thế mạnh riêng và đủ khả năng cạnh tranh với các nước.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền quyết định điều chỉnh ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. 

Tuy nhiên, vấn đề này liên quan tới chủ trương, định hướng phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và danh mục ngành, nghề ưu tiên được Quốc hội quy định tại Luật này. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.