Leader talk
Sản phẩm điện tử 'Made in Vietnam': Giấc mơ còn xa?
Kỳ vọng tạo ra sản phẩm Made in Vietnam là hợp lý nhưng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nội trong giá trị sản xuất toàn ngành cũng như vị trí trong chuỗi giá trị thế giới mới chính là yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử có những bước tăng trưởng ấn tượng về cả tốc độ tăng chỉ số sản xuất, tiêu thụ, thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và tỷ lệ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Sản phẩm điện thoại và linh kiện hiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu, tạo ra thay đổi lớn đối với danh mục các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm gần đây khi đã xuất hiện các sản phẩm công nghệ cao với tỷ trọng lớn.
Ngành công nghiệp điện tử cũng trở thành một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với hơn 10 tỷ USD đã được đầu tư từ các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Intel, Panasonic… Những doanh nghiệp này không chỉ góp phần tạo ra việc làm mà còn là động lực tạo ra doanh thu và giúp ngành điện tử Việt Nam phát triển.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nội địa trong ngành lại có vẻ như đang tụt lại khá xa khi đóng góp không đáng kể vào sự phát triển chung cũng như không tận dụng được những lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại. Ngay cả các doanh nghiệp điện tử trước đây có liên doanh với các doanh nghiệp ngoại trên cũng rơi vào khó khăn khi không thể tham gia được vào chuỗi vật tư, linh kiện phụ trợ theo chân các hãng này.
Để làm rõ hơn mối liên kết này cũng như tìm kiếm những giải pháp cho doanh nghiệp nội, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Bà đánh giá như thế nào về việc liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thời gian qua?
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Việc liên kết hiện nay đã có sự khởi sắc hơn so với những năm trước đây nhờ vào sự nỗ lực của cả hai phía.
Các doanh nghiệp nội ngày càng tự nâng cao năng lực về công nghệ, quản trị cũng như năng lực tài chính. Ngoài ra còn tăng cường marketing, xuất khẩu; mạnh dạn đầu tư thiết bị mới và tích cực tham gia vào các triển lãm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Tôi cũng đánh giá cao các doanh nghiệp FDI như Samsung hay Canon đã có những chương trình triển lãm, tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội để họ đủ khả năng trở thành nhà cung cấp. Và những hỗ trợ này thật sự thiết thực đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà, việc liên kết tốt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong chuỗi sản xuất sẽ tạo ra những lợi ích như thế nào?
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Theo tôi, có ba lợi ích chủ yếu doanh nghiệp nội có thể đạt được khi sở hữu mối liên kết tốt với các doanh nghiệp ngoại.
Thứ nhất là việc tận dụng được lợi thế so sánh về nhóm nhân tố tự nhiên. Doanh nghiệp Việt chủ yếu sẽ tạo ra công ăn việc làm, kiếm lợi nhuận từ việc khai thác và bán tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù vậy, giá trị gia tăng hình thành từ đây không cao.
Thứ hai là việc tận dụng được nhóm nhân tố tích lũy, bao gồm năng lực công nghệ quốc gia, giáo dục đào tạo, trình độ phát triển… Khi tham gia vào chuỗi cung ứng tốt, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ được hưởng lợi về công ăn việc làm mà còn được chia sẻ công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất tiên tiến.
Thứ ba là lợi ích từ nhóm nhân tố thể chế, chính sách. Theo đó Chính phủ sẽ có những hành động cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư không chỉ cho doanh nghiệp FDI mà còn cho cả doanh nghiệp nội. Những cải thiện về môi trường chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với những trình độ sản xuất công nghiệp đa dạng và có giá trị cao.
Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng hiện tại số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị chưa nhiều, theo bà đâu là nguyên nhân?
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy khó có thể đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhất là nếu có đầu tư thì khó có thể hiệu quả cao nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ đầu tư công nghệ.
Ngoài ra, so với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam lại hầu như không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ như đất đai, thuế… Trong khi các tập đoàn điện tử như Samsung, LG, Intel được mang theo một số lượng lớn thiết bị công nghệ cũ thì các doanh nghiệp trong nước lại không được khuyến khích làm điều này.
Với chi phí bỏ ra quá lớn trong khi vốn, lãi vay, khả năng làm chủ thiết bị công nghệ lại hạn chế khiến doanh nghiệp Việt khó lòng tham gia vào chuỗi cung ứng cho các hãng.
Theo bà, để tăng cường được mối liên kết trên và đưa ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như tạo ra các sản phẩm Made in Vietnam, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược và chính sách như thế nào?
Th.s. Đỗ Thị Thúy Hương: Như tôi đã có trao đổi với Samsung và Canon – hai doanh nghiệp nước ngoài có số lượng nhà cung ứng lớn nhất tại Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thì điều họ cho là quan trọng nhất đối với doanh nghiệp chính là đầu óc mong muốn đổi mới và cải tiến của những người giám đốc điều hành. Ngoài ra bản thân doanh nghiệp cũng phải muốn mong muốn thay đổi công tác quản lý sao cho phù hợp với yêu cầu từ đối tác.
Về kì vọng tạo ra sản phẩm Made in Vietnam, tôi cho rằng là hợp lý. Chúng ta cố gắng có được sản phẩm Made in Vietnam nhưng trong quá trình thực hiện chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi là liệu điều này có thật sự cần thiết hay không.
Chúng ta có thể xem xét đến tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nội trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp điện tử cũng như giá trị đóng góp trong chuỗi giá trị thế giới và xem chúng ta đang ở vị trí nào. Đó mới là yếu tố quyết định chứ không phải cứ sản xuất được sản phẩm Made in Vietnam là chúng ta thành công.
Các chính sách quy định công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp điện tử đã có và đang tiếp tục hoàn thiện và doanh nghiệp đều đánh giá cao sự hỗ trợ này từ Chính phủ.
Tuy nhiên, để những chính sách này đi vào thực tế thì cần sự nỗ lực rất lớn trong việc thực thi của các bộ, ngành cũng như sự bố trí đủ nguồn lực về mặt tài chính và con người.
Xin cám ơn bà!
Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam: Tỷ lệ nội địa hóa không thể nhảy vọt được
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?