Leader talk
Từ Vinschool nhìn về cơn sốt giáo dục tư nhân ở Việt Nam
Ở Việt Nam cha mẹ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để con của họ được học tập trong môi trường tốt hơn.
Gần đây, TheLEADER đã đăng tải bài viết về việc Vinschool tăng học phí. Vấn đề này có lẽ đã được nhiều độc giả chú ý, kể cả khi họ không có con em đi học ở Vinschool. Sẽ chẳng sai lầm khi cho rằng học phí cao và đang tăng rất nhanh của giáo dục dân lập đang trở thành một nỗi lo lớn ở Việt Nam.
Những người nước ngoài như tôi phiền não vì chi phí đắt đỏ khi cho con em đi học các trường học quốc tế ở đây. Ví dụ, học phí K-12 tại Trường quốc tế Anh (BIS) hoặc Trường quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) là hơn 20.000 đô la (tương đương 454 triệu đồng) mỗi năm.
Còn ở nước nhà, nhiều gia đình không phải trả một đồng học phí cho đến khi con em họ tốt nghiệp trung học và tiếp tục học lên cao đẳng, đại học hay đi học nghề.
Có học lên cao thì học phí nói chung vẫn khá phải chăng. Là một công dân Hoa Kỳ cư trú tại California, học phí đại học bốn năm của tôi trong hệ thống Đại học Nhà nước chưa đến 5.000 đô la (tương đương 114 triệu đồng) một năm.
Sau đó, tôi theo học Đại học George Washington, một trường đại học dân lập nổi tiếng. Khi đó, học phí một năm của chương trình thạc sĩ khá lớn, nhưng cũng chỉ bằng gửi một đứa trẻ năm tuổi vào lớp mẫu giáo trường Quốc tế Nam Sài Gòn vào năm 2017.
Ta hay đổ lỗi cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư đã đặt gánh nặng học phí lên vai phụ huynh học sinh, nhưng xét đến cùng, họ cũng chỉ đáp ứng nhu cầu từ xã hội. Người Việt thường nói, cha mẹ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để con của họ được hưởng môi trường học tập tốt hơn, có tấm bằng tốt nghiệp uy tín hơn và có nhiều cơ hội học tập ở nước ngoài hơn.
Cách nghĩ như vậy đã dấy lên “cơn sốt giáo dục" ở các nước Châu Á, nơi văn hoá Nho giáo đã bám rễ lâu đời. Giáo dục ở đây rất được coi trọng, và trẻ con được mong đợi sẽ “báo đáp” khi bố mẹ về già.
Nhà lãnh đạo chiến lược toàn cầu của Morgan Stanley, Ruchir Sharma, đã hài hước nhận xét rằng “chịu chi” cho giáo dục giờ đây đã được coi là một phẩm chất cơ bản của cá nhân và toàn xã hội. Nói ra nói vào về việc này là cấm kị. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học và chính trị gia hàng đầu cuối cùng cũng có cái nhìn khách quan hơn.
Chẳng hạn, ông Sharma đã bác bỏ ý kiến mức chi tiêu giáo dục cao sẽ giúp các nước nghèo tiến lên trên bậc thang phát triển kinh tế. Trong cuốn sách “The Rise and Fall of Nations”, ông chỉ ra rằng Hàn Quốc thường được coi là ví dụ kiểu mẫu của một đất nước Châu Á ám ảnh về giáo dục.
Công nghiệp Hàn Quốc “cất cánh” một cách đáng kinh ngạc vào những năm 1960 - 1970 khi tỷ lệ biết chữ cơ bản tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, phải đến gần đây, các tầng lớp xã hội Hàn Quốc mới sẵn sàng dành tiền tiết kiệm cả đời để cho con đi học ở những “lò” ôn thi đắt đỏ, gia sư kèm riêng và các chương trình du học.
Ngày nay, giới trẻ Hàn Quốc ngày càng ngại đi làm để tiếp tục học lên cao hơn. Tuy nhiên, lượng việc làm đòi hỏi bằng đại học rất hạn chế, ngay cả ở các nền kinh tế tiên tiến.
Thực tế này đã tạo ra sự không tương xứng trong thị trường lao động Hàn Quốc, nơi mà số sinh viên mới tốt nghiệp vượt quá số lượng việc làm phù hợp.
Thậm chí một tấm bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài cũng không thể đảm bảo họ có được công việc như mong muốn, và nhiều sinh viên tốt nghiệp chọn cách thất nghiệp thay vì đi làm cùng những người có trình độ thấp trong những công việc không đòi hỏi kỹ năng đặc biệt.
Tóm lại, giáo dục bậc cao có thể đem lại những thành tựu kinh tế, nhất là khi nền tảng giáo dục ban đầu rất thấp. Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế hữu hình của giáo dục không nhiều như người ta vẫn nghĩ.
Ngay cả Hàn Quốc, quốc gia thường đứng đầu bảng xếp hạng thế giới về thành tích toán học và khoa học, mức năng suất lao động ở nước này vẫn thấp hơn hầu hết các nền kinh tế OECD, và chỉ đạt 50% so với Hoa Kỳ.
Nhìn xa hơn những khái niệm trừu tượng về tăng trưởng GDP và năng suất lao động, "ám ảnh về giáo dục" cũng có thể dẫn đến các hậu quả trong xã hội và với các cá nhân.
Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo và các học giả Hàn Quốc cho biết sự ám ảnh này là nguyên nhân của một số chỉ số “nhất thế giới” của đất nước này – Hàn Quốc xếp hạng nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến về tỉ lệ tự tử ở giới trẻ và gần thấp nhất về mức sinh của phụ nữ.
Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, chi tiêu cho chương trình giáo dục tư đắt đỏ đã lan ra ngoài tầng lớp thượng lưu; nhiều gia đình đã vay rất nhiều tiền để chi trả cho dịch vụ ấy.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Samsung, hiện nay chi tiêu giáo dục chiếm khoảng 70% thu nhập của các hộ gia đình Hàn Quốc. Nợ hộ gia đình Hàn Quốc đã đứng thứ 7 trong các nước OECD, nhưng mức nợ có tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2000 (từ 50% GDP năm 2000 lên 90% năm 2016).
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế của LG, 28% số hộ gia đình Hàn Quốc không thể trả được nợ vay hàng tháng và sinh hoạt rất khó khăn với thu nhập hiện tại.
Vấn đề ở đây không phải là hạ thấp xã hội Hàn Quốc hay thành tựu giáo dục của họ, nhưng chúng ta thực sự nên có cái nhìn thực tế hơn về những gì mà giáo dục có thể mang lại cho cá nhân và xã hội.
Việc vội vã đầu tư vào giáo dục rõ ràng đang trở thành xu hướng tại Việt Nam. Các cha mẹ nên cân nhắc những lợi ích tiềm năng mà những khoản đầu tư này mang lại với những rủi ro mà gia đình phải đối mặt dựa trên mức thu nhập hiện tại.
Tác giả là Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) tại thành phố Hồ Chí Minh.
Vingroup bỏ 300 tỷ đồng hỗ trợ tăng học phí
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?