14 hiệp hội đề nghị xem xét lại chi phí tái chế

Phạm Sơn - 17:18, 22/08/2023

TheLEADERĐịnh mức tái chế (Fs) được quy định cho một số loại bao bì, sản phẩm còn cao hơn mức trung bình ở 14 quốc gia Tây Âu là điều khiến cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy bất cập.

14 hiệp hội đề nghị xem xét lại chi phí tái chế
Nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Bắc Ninh. Ảnh: Hoàng Anh

Theo văn bản gửi tới 9 bộ trưởng cùng Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, định mức chi phí tái chế (Fs) trong dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7 vừa qua, dù có điều chỉnh so với các dự thảo trước nhưng vẫn ở mức rất cao.

Trong đó, Fs là định mức chi phí để tái chế một khối lượng sản phẩm nhất định, bao gồm cả chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế. Fs được sử dụng để xác định mức phí đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Bảo vệ môi trường theo quy định của công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), dự kiến được áp dụng kể từ năm 2024.

Nhóm các hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề như chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, sản xuất ô tô - xe máy ... cho biết, định mức tái chế một số sản phẩm, bao bì còn cao hơn cả trung bình chung của các nước Tây Âu, vốn là những quốc gia phát triển và có chi phí đắt đỏ. 

Đơn cử, Fs cho bao bì nhôm cao gấp 1,26 lần so với Tây Âu, Fs của thủy tinh cao gấp hơn 2 lần.

Nguyên nhân được cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra là do ban soạn thảo thông tư quy định về Fs “chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn” do chưa trừ đi giá trị thu hồi được. Ví dụ, việc tái chế một số loại vật liệu như kim loại, bìa giấy carton… đang có lãi khá lớn nên không cần thiết phải tính toán chi phí tái chế nhằm hỗ trợ cho nhà tái chế.

Nếu áp dụng cách tính hiện tại, chỉ tính riêng 3 loại bao bì là giấy, nhựa và kim loại, tổng chi phí tái chế mà các doanh nghiệp phải đóng ước tính lên đến hơn 6 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đây là khoản phí rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải sống lay lắt, hoạt động cầm chừng như hiện nay.

Vì vậy, 14 hiệp hội kiến nghị áp dụng cách tính toán Fs như phương pháp so sánh thị trường của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Với cách tính này, tổng chi phí tái chế cho giấy, nhựa và kim loại chỉ bằng một nửa so với cách tính của ban soạn thảo.

EPR là một công cụ mới được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, hướng đến kéo dài vòng đời sản phẩm, vật liệu, tăng vòng quay vật liệu và thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

Công cụ này phát huy rất hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên thường được áp dụng ở các nước phát triển, hầu như chưa có quốc gia đang phát triển nào triển khai. Do đó, công đoạn thiết lập cơ chế thực hiện hiệu quả EPR tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp lãnh đạo về một số quy định liên quan tới thực thi EPR. Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết cơ quan này sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để xây dựng các quy định vận hành EPR một cách hiệu quả nhất.