15 năm gia nhập WTO: Doanh nghiệp Việt còn rất yếu cả về nội lực và quản trị

Phương Linh - 09:07, 11/07/2022

TheLEADERKhông chỉ yếu kém về năng lực quản trị, sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn rất yếu.

15 năm gia nhập WTO: Doanh nghiệp Việt còn rất yếu cả về nội lực và quản trị
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Nhìn lại chặng đường 15 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) – cũng chính là bối cảnh Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) được thành lập nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp vì một nền quản trị tốt hơn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt đã có những bước tiến dài trong phát triển. Tuy nhiên, sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp vẫn còn rất yếu và chậm thay đổi.

Doanh nghiệp tư nhân đã tiến xa hơn nhiều so với trước, song vẫn chưa đủ để đóng “tròn vai” sứ mệnh của mình, ông Thiên nhấn mạnh và cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, dẫn dắt cả nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, nhất là thời điểm khủng hoảng sau dịch bệnh. 

Sau 15 năm là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi như thế nào, thưa ông?

TS. Trần Đình Thiên: Không thể phủ nhận, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trên chặng đường phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Song cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, bước tiến đó còn rất chậm. Sự thay đổi của các doanh nghiệp Việt không nhanh như kỳ vọng.

Cả nước hiện có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp. So với các quốc gia khác trên thế giới, đây là con số rất khiêm tốn, nhất là khi so sánh trong tương quan tại một đất nước có dân số 100 triệu dân như Việt Nam.

Nếu đặt trên bàn cân với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thực trạng của các doanh nghiệp tư nhân trong nước lại càng đáng buồn hơn khi chỉ đóng góp khoảng 9-10% trong GDP. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI dù số lượng ít hơn nhiều nhưng đóng góp lên tới 20-22%.

Ngay cả đối với trong nước, đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân đối với tăng trưởng cũng thấp hơn rất nhiều so với khu vực hộ gia đình. Khu vực hộ gia đình đang đóng góp 25 - 27% trong GDP.

Chính vì doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé như vậy, nên khi xét về các chỉ số năng lực cạnh tranh cũng rất yếu. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước càng ngày càng giảm, lợi nhuận thực tế mang lại cho các doanh nghiệp rất ít.

Những số liệu này cho thấy, bức tranh doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang rất yếu. Chúng ta có những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp tỷ đô, lớn mạnh thực sự như Vingroup, Sun Group, Trường Hải, Hoà Phát nhưng con số đó quá ít ỏi.

Sau bao nhiêu năm hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam có “tiến lên” phía trước nhưng chỉ "một chút ít" như vậy cho thấy rõ ràng đang tồn tại một vấn đề lớn ở bên trong nền kinh tế khiến sức mạnh nội tại, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng.

Theo ông, đâu là những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Trần Đình Thiên: Câu hỏi cần đặt ra là sức mạnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có gì?

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể bám vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Thứ hai, cấu trúc ngành nghề của các doanh nghiệp chưa được định hình rõ các chuỗi, mảng, tuyến rõ ràng…

Nhìn vào đó để thấy rằng, thực chất, các doanh nghiệp Việt Nam không mạnh. Mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng sự lớn lên của doanh nghiệp còn quá chậm so với các khu vực doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn với thế giới. Trong khi đó, bức tranh các doanh nghiệp trong nước rõ ràng đang cho thấy một màu sắc không mấy tươi sáng. Trong bối cảnh thành tích tăng trưởng vẫn tốt, có nghĩa chúng ta đang có một cái nhìn lệch về vai trò, lực lượng chính của nền kinh tế thị trường.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này nằm ở đâu, thưa ông?

TS. Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất yếu, thế nhưng sự quan tâm chăm sóc của Chính phủ hiện nay lại chưa đủ.

Mỗi nền kinh tế đều có cấu trúc riêng của nó. Trong kinh tế thị trường, có hai yếu tố cốt lõi là quyền sở hữu độc lập và tư cách chủ thể kinh tế bình đẳng phải được thừa nhận. Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường nhưng dường như chưa muốn chấp nhận đầy đủ các nguyên lý cơ bản của nó; cũng chưa quan tâm phát triển các thị trường đúng kiểu, điều hành vẫn dựa nhiều vào cơ chế xin - cho khiến nền kinh tế thị trường “méo mó”.

Chính phủ cần “cởi trói” cho tư nhân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không “phân biệt đối xử”, không cấm đoán, kìm hãm, không tạo điều kiện để cơ chế “xin – cho” phát huy tác dụng, đừng chỉ ưu ái khu vực doanh nghiệp này, chỉ khu vực này được hưởng lợi, còn khu vực khác chịu thòi.

Đơn cử như hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI được ưu đãi rất nhiều về thuế, thủ tục hành chính, tiền sử dụng đất, thuê đất. Trong khi đó, với doanh nghiệp tư nhân, các điều kiện về thuế, thủ tục, lãi suất vay vốn ngân hàng chặt chẽ hơn rất nhiều.

Điều này khiến các doanh nghiệp tư nhân không thể cạnh tranh được với các khu vực doanh nghiệp khác. Đây là điều rất không nên nếu muốn phát triển nội lực của nền kinh tế lớn mạnh.

Thay vì phân biệt theo khu vực doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nên phân biệt theo chức năng, nhiệm vụ của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước được hưởng các quyền nào đó là vì chức năng của họ khác biệt. Đối với doanh nghiệp tư nhân, nếu được làm chức năng đó thì họ cũng được hưởng những ưu đãi tương tự chứ không phân biệt đối xử theo thành phần như hiện nay.

Sự phân biệt giữa các doanh nghiệp về mặt chức năng cũng là cách để Chính phủ có cơ chế chính sách cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Đơn cử như hiện nay, cả nước đang thiếu điện nghiêm trọng. Muốn thu hút doanh nghiệp vào sản xuất điện, khuyến khích vào năng lượng tái tạo, nhà nước phải có chính sách để doanh nghiệp nào vào đầu tư ở lĩnh vực này cũng được ưu đãi như nhau để giúp nhà nước giải quyết điểm "nghẽn" chứ không phải những ưu đãi riêng cho một khu vực doanh nghiệp nào.

Theo ông, cần làm gì để giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, khơi dậy năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế?

TS. Trần Đình Thiên: Điểm mấu chốt là sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế. Trên cơ sở đó, Chính phủ có các sửa đổi chính sách, thay đổi quy trình thủ tục một cách tổng thể, đồng bộ giúp các doanh nghiệp phát triển chứ không phải là "dò" để sửa đổi, gỡ vướng từng quy định, thủ tục một như hiện nay

Nếu chỉ gỡ từng thủ tục, rất dễ sẽ xảy ra xung đột với các quy định, thủ tục khác, tạo môi trường kinh doanh không xuyên suốt.

Do đó, cần cái nhìn tổng thể về môi trường kinh doanh để có những thay đổi, điều chỉnh lớn, đồng bộ. Những thay đổi không phải lúc nào cũng tốt mà phải có hệ thống, khu vực kinh tế tư nhân phải đặt trong tương quan với khu vực nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Có như vậy, doanh nghiệp tư nhân nói riêng và đội ngũ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung mới có thể phát triển lớn mạnh, giúp nền kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, một điều rất quan trọng khác là việc thực thi chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh, mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch bệnh.

Hiện nay, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ đang thực hiện rất chậm. Việc giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai được, việc mở cửa hàng không, du lịch với thế giới còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, bây giờ là thời điểm doanh nghiệp đang "kiệt sức" sau khủng hoảng, cùng với đó là bất ổn thế giới, giá nguyên liệu tăng cao, nếu không kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp lúc này, sẽ rất khó để các doanh nghiệp phục hồi.

Xin cảm ơn ông!