'Doanh nghiệp tư nhân Việt đang có cơ hội đột phá'

Quỳnh Chi - 09:24, 17/03/2022

TheLEADERLãnh đạo Deloitte cho rằng, hiện là thời điểm vàng để doanh nghiệp nhìn nhận lại nội tại bên trong thông qua bốn trụ cột: chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp, quản trị và tài chính.

'Doanh nghiệp tư nhân Việt đang có cơ hội đột phá'
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân (Deloitte Private), Deloitte Việt Nam.

Trải qua hai năm đầy khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò trụ cột trong sự phục hồi và tái thiết của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế còn rất nhiều dư địa, không gian và cơ hội kinh doanh để các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng lực, kiến tạo những đột phá trong giai đoạn bình thường mới.

Liên quan đến chủ đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân (Deloitte Private), Deloitte Việt Nam.

Từ quan điểm của ông, “thời” và “thế” của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã thay đổi ra sao trong hai năm qua?

Ông Bùi Tuấn Minh: Đại dịch có thể coi là một phép thử đối với tất cả cộng đồng doanh nghiệp. Những “chiến binh sống sót” chắc chắn là những tổ chức có “sức chống chịu” cao và nhiều tiềm lực hơn so với những doanh nghiệp khác. 

Nhiều doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển hưng thịnh đã thử nghiệm các cách thức hoạt động mới, tạo ra những thay đổi cơ bản trong chiến lược kinh doanh để thích ứng với những thay đổi. Từ thế bị động trong việc đối phó với những tình huống chưa từng có tiền lệ trước đây, các doanh nghiệp Việt giờ đây đã giữ được thế chủ động và sẵn sàng. Nói một cách ngắn gọn, doanh nghiệp Việt đã “lớn”, đã “trưởng thành” hơn rất nhiều nhờ cú hích của đại dịch.

Các doanh nghiệp đứng vững là minh chứng rõ nhất cho sự phát huy tác dụng của nội lực khi doanh nghiệp phải đối mặt với một trong những khủng hoảng tồi tệ, dai dẳng nhất từ trước đến nay. Các chiến lược kinh doanh, các kịch bản đối phó khủng hoảng hay những sáng kiến trong hoạt động kinh doanh được thống nhất xuyên suốt và là một phần trong hoạt động kinh doanh của tất cả các cấp trong doanh nghiệp chứ không còn chỉ là những thứ chỉ tồn tại trên giấy và chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao.

Đối với nhiều doanh nghiệp gia đình, họ thậm chí còn vững mạnh hơn và tìm ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn dựa trên năng lực quản trị tài chính vững chắc và sự đoàn kết của các thành viên trong gia đình. Một doanh nghiệp gia đình “khỏe mạnh” dựa trên nền tảng một gia đình “khỏe mạnh”. 

Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, mục đích hoạt động thấm nhuần và lan tỏa qua từng thế hệ trong gia đình, nhân viên và cuối cùng là chạm tới khách hàng. Hay giá trị của sự tín nhiệm giúp các doanh nghiệp gia đình vươn lên dẫn dắt sự phục hồi, tự định vị mình để phát triển lớn mạnh hơn và đảm bảo các mục tiêu từ tăng trưởng kinh tế, tăng lợi ích cổ đông tới giúp ổn định cộng đồng.

Tại thời điểm hiện nay, cách thức nào sẽ giúp tăng khả năng phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Minh: Để có thể phục hồi và bứt phá, doanh nghiệp cần thật sự “khỏe”, với một nền tảng vững chắc trong chính nội tại của doanh nghiệp. Theo tôi, có bốn yếu tố cốt lõi được coi là bộ khung quản trị, cho bất kỳ doanh nghiệp nào để trở nên khỏe mạnh hơn, bao gồm: chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp, quản trị và tài chính.

Về chiến lược, doanh nghiệp luôn biết cách xác định hành trình chuyển đổi, những tham vọng lớn và khác biệt. Doanh nghiệp coi trọng việc chuyển đổi và hiện đại hóa quy trình vận hành, rà soát để thay đổi và nâng cấp mô hình quy trình quản lý hoạt động.

Về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện qua tư duy “dám nghĩ, dám làm”, không ngại áp dụng những sáng kiến mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây thường được coi là một “bí quyết gia truyền” của những doanh nghiệp “sống sót”, khiến họ trở nên khác biệt trên thị trường.

Để vận hành một doanh nghiệp không thể chỉ với một số nhỏ người sáng lập/người đứng đầu, mà cần có bộ máy với những nhân tài cùng chung chí hướng, mục đích, khát vọng. Muốn được như vậy, trước hết doanh nghiệp cần phải xây dựng được một nền tảng văn hóa bền vững, có tính cam kết cao với khách hàng và các đối tác.

Quản trị công ty và tài chính là yếu tố thứ tư trong bộ khung quản trị và không thể thiếu được để duy trì hoạt động công ty dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Khi doanh nghiệp biết cách kết hợp thuần thục bốn yếu tố trên, họ sở hữu một “sức đề kháng” tốt để đối mặt với bất kỳ khủng hoảng nào.

Chắc chắn sẽ không có “công thức thành công” chung cho mọi doanh nghiệp. Theo ông, với bối cảnh kinh tế hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt cần tận dụng thời cơ để đột phá như thế nào?

Ông Bùi Tuấn Minh: Đúng là không có “một công thức thành công chung” nào. Đơn cử, từ một hàng café mở năm 1941, Caffenio - một doanh nghiệp gia đình Mexico hiện đã mở rộng ra 120 chuỗi cửa hàng trên toàn Mexico. Thứ khiến thương hiệu của Caffenio được khách hàng nhớ tới bên cạnh chất lượng café, là văn hóa không chỉ hướng đến khách hàng mà còn là cách họ xây dựng đội nhóm trong nội bộ doanh nghiệp, khiến người lao động gắn kết với công ty. 

Nếu như con người cần có một bộ xương vững chắc nâng đỡ cơ thể thì doanh nghiệp cần có một bộ khung quản trị vững vàng và giúp bộ máy doanh nghiệp hoạt động trơn tru.
Ông Bùi Tuấn Minh
Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam

CEO của doanh nghiệp gia đình này cho biết, sứ mệnh hoạt động của họ là “hiểu rõ về khách hàng từ tên, thói quen đặt hàng và sở thích của họ”. Họ luôn khuyến khích nhân viên thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo mới, dù những ý tưởng này có thể không thành công.

Hay tập đoàn CO-RO tại Đan Mạch chuyên cung cấp nước ép hoa quả và kẹo hoa quả đến các thị trường tại 80 quốc gia trên toàn cầu. Cách họ kinh doanh thành công là đổi mới sáng tạo thông qua việc điều chỉnh công thức pha chế phù hợp với thị hiếu từng thị trường. CO-RO đã xây dựng đội ngũ sáng tạo ý tưởng tại từng thị trường, khu vực địa lý, thường xuyên trao đổi ý tưởng giữa những nhóm này và từ đó đưa ra các sản phẩm mới phù hợp với khẩu vị khách hàng từng địa bàn họ cung cấp sản phẩm.

Đại dịch mang tới thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp làm mới để có thể đủ lực đương đầu với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Nếu như con người cần có một bộ xương vững chắc nâng đỡ cơ thể thì doanh nghiệp cần có một bộ khung quản trị vững vàng và giúp bộ máy doanh nghiệp hoạt động trơn tru. Đây được coi là thời điểm vàng để doanh nghiệp nhìn nhận lại nội tại bên trong doanh nghiệp thông qua bốn trụ cột đã nêu trên.

Đứng từ góc độ công ty tư vấn, Deloitte đã và đang đồng hành cùng khối doanh nghiệp tư nhân Việt như thế nào?

Ông Bùi Tuấn Minh: Bên cạnh các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức, Deloitte liên tục tổ chức các chương trình chuyên biệt nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp khối kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là chương trình Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất - Best Managed Companies. Chương trình này đã được triển khai gần 30 năm trên thế giới với mạng lưới cộng đồng hơn 1.000 doanh nghiệp được quản trị tốt nhất đến từ hơn 40 quốc gia.

Thông qua chương trình, Deloitte cung cấp công cụ để doanh nghiệp tự đánh giá năng lực nội tại. Ngoài việc tự soi chiếu trên bốn trụ cột, các lãnh đạo doanh nghiệp khi tham gia chương trình nhận được những tư vấn giá trị từ các chuyên gia Deloitte mà không cần trả phí.

Các doanh nghiệp đạt danh hiệu sẽ tham gia, kết nối với các lãnh đạo và doanh nghiệp được quản trị tốt nhất trên thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp Việt có thể tiếp thu thêm những giải pháp thực tiễn tối ưu từ các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn chương trình này sẽ tới được nhiều các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!