3 nhóm vấn đề của ngành ô tô Việt Nam

Quang Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERCó 3 nhóm vấn đề của ngành ô tô Việt Nam, liên quan đến Cung, Cầu và những vấn đề khác, theo Nhóm Công tác Công nghiệp ô tô và xe máy - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017.

3 nhóm vấn đề của ngành ô tô Việt Nam
Ngành công nghiêp ô tô Việt Nam thiếu sự tham gia của các công ty ngoài ngành

Vấn đề về “Cầu” - Thị trường không đủ lớn

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thiếu sự gia nhập của các công ty toàn cầu vào thị trường. Phần lớn các nhà cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu không thâm nhập vào thị trường do nhu cầu quá nhỏ. Các nhà cung cấp toàn cầu không thể đầu tư mà không có bảo đảm rằng các nhà sản xuất lắp ráp ô tô sẽ duy trì và/ hoặc tăng sản xuất.

Thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp chế xuất. Vì yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu khác với sản phẩm cho thị trường nội địa, nên nếu nhu cầu trong nước không đủ lớn, không thể đầu tư lớn.

Thiếu sự tham gia của các công ty không thuộc ngành ô tô. Không thể đầu tư trừ khi có đủ nhu cầu vì họ cần đầu tư các máy móc khác nhau để sản xuất các linh kiện cho xe ô tô.

Vấn đề về “Cung” - Năng lực yếu của nhà cung cấp linh kiện trong nước

Rất ít các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu về Chất lượng/ Chi phí/ Giao hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà cung cấp cấp 1 cần phải có năng lực tự thiết kế và phát triển các cụm linh kiện. Nếu không có khả năng tự thiết kế và phát triển cụm chi tiết, các nhà cung cấp trong nước cần phải có sự cho phép về bản quyền và/ hoặc chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng li xăng từ nhà cung cấp linh kiện chính hãng để nội địa hóa ở Việt Nam.

Gia nhập vào thị trường không hề dễ dàng cho các công ty chưa có kinh nghiệp cung ứng linh kiện cho xe ô tô vì việc này đòi hỏi các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng rất cao.

Các vấn đề khác

Cơ sở dữ liệu thông tin về các nhà cung ứng linh kiện ô tô trong nước chưa được cập nhật thường xuyên và đầy đủ và/ hoặc chưa sẵn có để tiện cho liên hệ.

Thiếu các biện pháp và chính sách thích đáng của Chính phủ: Doanh nghiệp không thể chủ động do cơ chế và thủ tục phức tạp, vì các giấy phép cho cung nội địa và cho xuất khẩu là khác nhau.

Chưa tận dụng được các công ty trong nước: mất nhiều thời gian và công sức để tìm được một công ty có khả năng cung cấp được sản phẩm theo yêu cầu trong số rất nhiều các công ty trong nước có trình độ năng lực khác nhau.

Các nhà sản xuất trong nước mặc dù có công nghệ nhưng thiếu khả năng cung ứng sản phẩm kịp thời và liên tục; khó có thể chuyển giao cho các nhà sản xuất trong nước đối với các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như các linh kiện cơ khí đòi hỏi công nghệ tiên tiến.