4 trụ cột của doanh nghiệp được quản trị tốt nhất

Quỳnh Chi - 09:23, 08/06/2021

TheLEADERCác doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cần có một thước đo mới và so sánh mình với các doanh nghiệp trong khu vực và toàn cầu về năng lực quản trị.

4 trụ cột của doanh nghiệp được quản trị tốt nhất
Văn hoá doanh nghiệp và cam kết là một trong bốn trụ cột của một doanh nghiệp được quản trị tốt

Với kinh nghiệm gần ba mươi năm triển khai chương trình doanh nghiệp được quản trị tốt nhất tại 25 quốc gia trên thế giới, Deloitte đã xây dựng khung đánh giá một doanh nghiệp được quản trị tốt nhất bao gồm bốn trụ cột: chiến lược kinh doanh; năng lực cạnh tranh và sự đổi mới; quản trị công ty và tài chính; văn hóa doanh nghiệp và cam kết.

Dựa theo khung đánh giá của chương trình, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhìn nhận, phần lớn doanh nghiệp tham gia quan tâm và tập trung nhiều vào yếu tố tài chính, tiếp đó là văn hóa doanh nghiệp. Còn phần chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự đổi mới thì sẽ còn rất nhiều cơ hội để họ có thể nâng cấp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, tài chính là khía cạnh thiết thực mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quan tâm nhất vì các đối tác hầu như đều ưu tiên đánh giá hệ thống báo cáo, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước.

“Việc có được bản báo cáo tài chính lành mạnh chưa có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt công việc quản trị tài chính, khi thực tế, quản trị tài chính còn nhiều vấn đề đòi hỏi rộng hơn”, bà Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tập trung vào tài chính, doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu được sự cần thiết của ba khía cạnh còn lại về chiến lược kinh doanh; năng lực cạnh tranh và sự đổi mới; văn hóa doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, bản thân nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, chưa xác định được rõ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mục tiêu muốn đạt được, phương thức xây dựng và quản trị chuyên nghiệp và phù hợp.

Theo bà Lan, trình độ quản trị của các doanh nghiệp tư nhân Việt nhìn chung hiện còn có khoảng cách không nhỏ so với những chuẩn mực của các doanh nghiệp tốt trên thế giới.

Dù vậy, cũng có những bức tranh khá đẹp là điểm tựa, giữ niềm tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới được những trình độ quản trị càng ngày càng tốt hơn nếu như biết cách học hỏi, đưa ra được chiến lược đúng và có những người lãnh đạo tốt.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc chương trình MSM khoa quản lý công nghiệp (đại học Bách Khoa TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có hết bốn trụ cột này nhưng chưa mạnh và các trụ cột chưa được kết nối lại thành hệ thống.

Bà Hiền cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện có hai thế mạnh. Thứ nhất là khát khao của người lãnh đạo. Cụ thể, họ muốn doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, bên cạnh yếu tố văn hóa cam kết và quyết tâm của tập thể – điều đã giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá khứ. Thứ hai là năng lực và tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều cơ hội tăng trưởng và đầu tư trong và ngoài nước.

“Doanh nghiệp mạnh, có năng lực và tiềm năng, nhưng lại loay hoay và lúng túng trong những giá trị mà họ đang có. Nếu những giá trị được khai thác hiệu quả hơn ở góc độ chiến lược thì tiềm năng của doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhiều”, bà Hiền nói.

Nhìn chung, trình độ quản trị của các doanh nghiệp tư nhân Việt hiện còn có khoảng cách không nhỏ so với những chuẩn mực của các doanh nghiệp tốt trên thế giới.
Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế

Hướng tới tương lai, để thực sự phát triển thành công và bền vững, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển được xây dựng rõ ràng, được triển khai cụ thể, và cần có chiến lược phát triển nhân sự kế cận. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp nhận các tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược độc lập từ các thành viên hội đồng quản trị độc lập, hoặc các tư vấn độc lập có thể giúp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.

Chương trình Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất của Deloitte được đánh giá là sân chơi mới cho doanh nghiệp tư nhân Việt. Chương trình đưa tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc tế để các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có một thước đo mới và so sánh mình với các doanh nghiệp trong khu vực và toàn cầu.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là động lực quan trọng và tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 55% vào năm 2025, và đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP của nền kinh tế.

Theo Deloitte, mặc dù vai trò quan trọng khu vực kinh tế tư nhân là điều không thể phủ nhận, nhưng chưa có nhiều chương trình hướng đến thúc đẩy phát triển khu vực này. Các giải thưởng, chương trình chủ yếu đến từ các đơn vị tổ chức độc lập chủ động lựa chọn doanh nghiệp xứng đáng, các doanh nghiệp dự thi ít khi được tham gia vào quá trình xét duyệt để hiểu rõ các tiêu chí giúp doanh nghiệp mình vượt trội hơn các doanh nghiệp khác ra sao.

Khác với các chương trình và giải thưởng đã diễn ra, chương trình doanh nghiệp được quản trị tốt nhất nhằm mục đích ghi nhận các doanh nghiệp tư nhân thông qua việc đánh giá thành công và phát triển trên phương diện quản trị, quy trình vận hành tổ chức.

Chương trình không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp niêm yết, có quy mô lớn, mà mở rộng ra cả các doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng phát triển, hướng đến việc quản trị chuyên nghiệp.