9 giải pháp duy trì tăng trưởng ngành công thương cuối năm 2021

An Chi - 12:16, 05/09/2021

TheLEADERBộ Công thương cho rằng, ưu tiên cao nhất của Chính phủ hiện nay là phải sớm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian còn lại của quý III để từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

9 giải pháp duy trì tăng trưởng ngành công thương cuối năm 2021
Việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng chống dịch.

Nền tinh tế toàn cầu và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn do tác động của các biến chủng virus Covid-19.

Báo cáo của Bộ Công thương mới đây cho thấy, trong tháng 8, ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 4,5%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 5,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 1,9%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,65 tỷ USD, giảm 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,85 tỷ USD, giảm 5,4%.

Để tránh những tác động dài hạn của đại dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, Bộ Công thương cho rằng, ưu tiên cao nhất của Chính phủ hiện nay là phải sớm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian còn lại của quý III.

Đây là yêu cầu cấp thiết đối với cả nước, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, để từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Công thương, việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề; yêu cầu phải sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định lại sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Qua đó, tạo dư địa, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, đời sống của người dân, người lao động trong những tháng cuối năm.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương đề ra 9 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo duy trì tăng trưởng.

Thứ nhất, Bộ Công thương sẽ thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm hiệu quả, thông suốt, đồng bộ giữa phòng, chống dịch với nhiệm vụ ổn định sản xuất, kinh doanh, quán triệt quan điểm chỉ đạo “bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa, kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi”.

Thứ hai, bộ sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho ngành Công thương trong năm 2021.

Thứ ba, hoạt động phân phối hàng hóa giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch sẽ được đảm bảo nhằm ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Đối với mặt hàng xăng dầu, trước diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh, bộ sẽ tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước (bảo đảm tính thị trường), giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ tư, Bộ Công thương sẽ tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương sẽ được tăng cường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đang triển khai Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến cho người dân.

Thứ sáu, Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Thứ bảy, hoạt động xuất khẩu sẽ từng bước được thúc đẩy trở lại, đồng thời kiềm chế nhập siêu. Bộ sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Trước mắt, Bộ Công thương cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và Châu âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.

Mặt khác, bộ cũng tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ, kết nối, vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi để tạo thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu.

Thứ tám, Bộ Công thương bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Đối với nhóm ngành ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử, bộ đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng. Trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực Châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ chín, các đơn vị thuộc bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.