Ai đang hậu thuẫn cho các startup Việt Nam?

Việt Hưng - 17:12, 26/03/2019

TheLEADERTại Trung Quốc, để cán mốc 1 tỷ USD, hầu hết các startup kỳ lân đều cần tới sự hậu thuẫn lớn của các đại gia như Alibaba, Tencent hay Baidu. Trong khi ở Việt Nam, những cái bắt tay như vậy là điều rất khó bắt gặp thường xuyên.

Cách Trung Quốc sản sinh 1 startup tỷ USD trong 4 ngày

Theo hãng nghiên cứu thị trường Hurun, năm 2018, Trung Quốc xuất hiện 97 "unicorn" hay "kỳ lân công nghệ" - các startup có giá trị ít nhất 1 tỷ USD bất chấp kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại với Mỹ. Như vậy, trung bình cứ gần 4 ngày, Trung Quốc lại sản sinh một startup tỷ USD.

Theo bảng xếp hạng Hurun Greater China Unicorn Index 2018, Ant Financial Services, công ty điều hành Alipay dẫn đầu tất cả "kỳ lân công nghệ" Trung Quốc với giá trị khoảng hơn 1 nghìn tỷ NDT.

Bytedance, công ty đứng sau ứng dụng Douyin tại Trung Quốc, hay còn được biết đến với cái tên Tik Tok trên thị trường quốc tế, là unicorn lớn thứ hai của nước này, khi được định giá 500 tỷ NDT. Didi Chuxing, dịch vụ taxi công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ ba với giá trị khoảng 300 tỷ NDT.

Trong đó, điểm chung của các kỳ lân Trung Quốc như Ant Financial Services, hay Didi Chuxing đó là đều nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các đại gia hàng đầu như Alibaba, Tencent hay Baidu. Ant Financial Services là một thành viên trực thuộc tập đoàn Alibaba. Didi Chuxing thì được hậu thuẫn bởi cả Alibaba và Tencent. 

Ai đang hậu thuẫn cho các startup Việt Nam?
Các startup kỳ lân tại Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn lớn của các đại gia như Alibaba, Tencent

Có thể xem đây là công thức chung của đại đa số startup kỳ lân Trung Quốc. Nhờ có những kinh nghiệm quý báu của các bậc đàn anh đi trước, sự hậu thuẫn về vấn đề tài chính, khả năng sự cộng hưởng trong hệ sinh thái, những mối quan hệ làm ăn, hợp tác, các startup này đã nhanh chóng xác lập mốc 1 tỷ USD trên bản đồ thế giới.

Meituan Dianping là một ví dụ. Startup này hoạt động trong lĩnh vực đặt nhà hàng, giao thực phẩm. Tính đến hết năm 2018, Meituan Dianping được định giá 30 tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg. Trong đó, Tencent sở hữu 20% cổ phần công ty này. Để giúp Meituan Dianping vươn lên mạnh mẽ, Tencent cho phép Meituan Dianping dùng ứng dụng nhắn tin của Tencent để thu hút sự chú ý đến các dịch vụ của startup.

Startup Việt Nam đang thiếu vắng sự dẫn dắt của các "đàn anh"

Ở Việt Nam, những cái bắt tay như giữa startup Meituan Dianping và tập đoàn Tencent là điều khó bắt gặp thường xuyên. Thực tế, không dễ để các startup Việt Nam lọt vào mắt xanh của các ông lớn như câu chuyện tại Trung Quốc.

Một trong những lý do giải thích cho thực trạng này, đó là quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ lớn để giúp startup tăng tốc. Mặc dù nền kinh tế Internet Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa thể top 4 hấp dẫn nhất Đông Nam Á, theo số liệu từ Google và Temasek.

Một lý do khác là các startup trong trận đánh tại thị trường Việt Nam vốn đã mất nhiều công sức, tiền bạc. Trong khi đó, để đạt tới mục tiêu định giá 1 tỷ USD, startup cần một cuộc chơi đường dài, liên tục mở rộng ra các thị trường khác. Như vậy, nếu chỉ xác định cuộc chơi tại Việt Nam, khả năng cán mốc 1 tỷ USD là gần như không thể.

Trong các thương vụ gần đây, hiếm hoi xuất hiện hợp tác giữa Grab và Moca từng được công bố vào tháng 9/2018 là một dạng hình thức "bắt tay" như startup Meituan Dianping và tập đoàn Tencent tại Trung Quốc. 

Theo đó, hai lãnh đạo của Grab Việt Nam đã xuất hiện trong HĐQT của Moca. Đăng ký kinh doanh của Công ty Công nghệ và Dịch vụ Moca cho thấy, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch và ông Lim Yen Hock - Tổng giám đốc của Công ty Grab Việt Nam đã trở thành nhân sự trong HĐQT của Moca, cùng với CEO Trần Thanh Nam.

Cùng động thái này, theo DealstreetAsia, Grab Việt Nam cũng trở thành cổ đông của Moca khi mua lại cổ phần từ quỹ Access Venture SPV. Tỷ lệ sở hữu của ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm CEO Moca giảm từ 41,055% xuống 30,34% trong một thông báo từ cuối tháng 5/2018, thời điểm lãnh đạo Grab tham gia vào ban điều hành Moca.

Nhờ có sự cộng hưởng với Grab Việt Nam, Moca từ một ứng dụng chỉ có gần 100.000 lượt tải và gần 4.000 điểm chấp nhận trên toàn quốc vào cuối năm 2017, chỉ sau 12 tháng đã có thêm gần 200.000 điểm chấp nhận thanh toán là các đối tác tài xế của Grab. Số lượng người dùng ví điện tử Moca tăng lên khoảng 1 triệu người và khoảng 5 triệu người dùng các giải pháp thanh toán di động Moca nói chung.

Trước đó, cuối tháng 9/2017, một nguồn tin cho biết SEA (tên cũ Garena) - một trong những startup kỳ lân của Đông Nam Á cũng đang hậu thuẫn cho Foody bằng cách sở hữu 82% cổ phần của startup này. Đồng thời, SEA cũng trở thành cổ đông của VNPay - một trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tháng 10/2015.

Hay gần đây nhất là cái bắt tay giữa startup gọi xe "be" thuộc BE Group và Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, hai bên đã kí hợp tác chiến lược cho việc hỗ trợ vốn và tài chính sau này, nếu be có nhu cầu để phát triển hoạt động kinh doanh.

Có được sự ủng hộ của VPBank, startup này đang rất tự tin trên thị trường gọi xe, khi công bố đã hoàn thành 5 triệu chuyến xe sau 3 tháng ra mắt.

Công ty cho biết, "be" hiện đã được tải xuống hơn 1,4 triệu thiết bị di động với khoảng 10.000 đối tác tài xế tại TP. HCM, Hà Nội. Được VPBank hậu thuẫn, công ty tự tin đặt mục tiêu phát triển dịch vụ đến 20 tỉnh thành tại Việt Nam trong năm nay.

Ai sẽ hậu thuẫn cho các startup Việt Nam?

Thực tế, ngoài những mạnh thường quân đã nêu trên, rất nhiều các tập đoàn lớn tại Việt Nam đã chủ động lập ra các quỹ sáng tạo khởi nghiệp như: FPT Ventures, Viettel Ventures, CMC Innovative, hay gần đây là Vingroup Ventures - quan tâm chủ yếu tới các startup trong lĩnh vực viễn thông, CNTT.

Tuy nhiên, dường như vì nhiều lý do liên quan tới quy mô thị trường, thời điểm đầu tư, cũng như tham vọng của startup chưa đạt tới mục tiêu mà các ông lớn đặt ra, nên việc "xuống tiền" gần như rất khó.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành ESP Capital trong một cuộc phỏng vấn gần đây từng cho biết, có 4 lý do khiến các startup Việt Nam chưa thể hóa kỳ lân, đó là hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp, vấn đề xây dựng, vận hành sản phẩm chưa thực sự tốt, và cuối cùng là thiếu sự bứt phá.

Chưa kể, nhiều chuyên gia cho rằng, rào cản đối với các startup Việt Nam còn là nguồn vốn đầu tư. Ông Phạm Kim Hùng - CEO & nhà sáng lập Base.vn cho hay: "Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư chưa nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số".

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ và chính sách cho startup ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi. Nhiều trường hợp startup Việt chọn Singapore hay Silicon Valley là nơi đặt trụ sở. Chẳng hạn, các startup thành công như Kyber Network của CEO Lợi Lưu, hay Abivin của Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đều đặt trụ sở ở Singapore, Got It! Của Trần Việt Hùng đặt ở Silicon Valley, Mỹ.