Âm nhạc AI có thể thay đổi tương lai nghệ thuật?

Hường Hoàng - 14:35, 01/12/2022

TheLEADERTrong tháng này, nhà soạn nhạc kiêm nhạc sĩ người Mỹ Holly Herndon đã phát hành bản cover bài hát Jolene của Dolly Parton trên kênh YouTube của mình. Tuy nhiên, người thể hiện ca khúc này không phải Herndon, mà là Holly+, một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI).

Âm nhạc AI có thể thay đổi tương lai nghệ thuật?
Nhóm nhạc nữ Eternity có toàn bộ thành viên là ca sĩ ảo (Ảnh: Naver)

Herndon đã đào tạo Holly+ bằng chính giọng ca của mình, nhằm mục đích phá bỏ tất cả những giới hạn đối với giọng hát của mình, từ khả năng hát bằng nhiều ngôn ngữ cho đến khả năng thể hiện những phong cách thanh nhạc phức tạp, ngoài phạm vi thể chất của cô.

Với việc phát hành ca khúc Jolene do Holly+ thể hiện, Herndon đã báo hiệu một làn sóng sử dụng AI trong âm nhạc.

Sử dụng AI trong âm nhạc, Herndon đang thể hiện những ước vọng của nhiều nghệ sĩ trong hành trình theo đuổi nghệ thuật – phá bỏ những giới hạn mà bản thân nghệ sĩ không thể vượt qua.

Trong khi đó, làn sóng phản đối AI dữ dội có thể dẫn đến việc các tác phẩm nghệ thuật được bảo vệ một cách chặt chẽ không cần thiết, khiến cho việc tiếp cận nghệ thuật trở nên khó khăn hơn.

Việc sử dụng AI trong nghệ thuật đã đem đến những lo ngại về vấn đề đạo đức và pháp lý, cụ thể: mặc dù không có sự đồng ý của nghệ sĩ, người dùng AI có thể sử dụng những kỹ năng của nghệ sĩ để tạo ra các tác phẩm vượt xa cả khả năng nghệ thuật của chính họ.

Lo ngại này đã khiến cho các nghệ sĩ phải đau đầu và tranh cãi về nghệ thuật do AI tạo ra trong một khoảng thời gian dài.

Như tờ The New York Times đã đưa tin, “Một số nhà phê bình tin rằng, điều làm cho những dòng AI mới trở nên khác biệt không phải chỉ bởi khả năng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trong thời gian ngắn; mà còn là ở cách chúng hoạt động.

Cụ thể, những dòng AI này hoạt động bằng cách thu thập hàng triệu hình ảnh, âm thanh từ các trang web mở, sau đó sử dụng những hình ảnh này để dạy các thuật toán nhận ra các mẫu cũng như mối quan hệ trong những hình ảnh đó, và cuối cùng tạo ra những hình ảnh mới theo cùng một phong cách. Điều đó có nghĩa là khi các nghệ sĩ tải tác phẩm của họ lên internet có thể sẽ vô tình giúp cho những đối thủ của họ đào tạo các AI.”

Chúng ta đã sớm nhận ra những nguy cơ này với mã nguồn mở (các phần mềm mà code của chúng được công khai sử dụng, do đó bất cứ ai cũng có thể dùng miễn phí, tải xuống, chỉnh sửa, tùy biến và đóng góp thêm vào cộng đồng chung của phần mềm đó). Và nhiều người cho rằng việc sử dụng các dữ liệu công khai để dạy AI một cách phi đạo đức có thể thúc đẩy việc bảo vệ bản quyền.

Trên thực tế, có nhiều luồng ý kiến đối với việc sử dụng AI trong nghệ thuât. Ví dụ, vào tháng 9 vừa qua ở Colorado, nhiều nghệ sĩ đã rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi một tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra đã trở thành “người” chiến thắng trong một cuộc thi nghệ thuật.

Mặc dù phần lớn công chúng đã chấp nhận những AI nghệ thuật như Dall-E Mini và Midjourney, nhiều nghệ sĩ và nhà sáng tạo vẫn không thoải mái với sự phổ biến của AI trong nghệ thuật. Họ cho rằng điều này sẽ khiến cho các nghệ sĩ “thực thụ” mất việc và phải làm việc với những dòng lệnh máy tính.

Trong khi đó, đối với Allen, người đã tạo ra bức tranh giành giải nhất nhờ AI, đó chỉ là một cách để kiểm tra các giới hạn trong nghệ thuật mà AI có thể vượt qua. Tương tự, Herndon cũng có ý tưởng như vậy khi tạo ra Holly+.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Wired, Herndon cho biết: “Có rất nhiều câu chuyện kể về AI, cho rằng trí thông minh nhân tạo là một thứ gì đó thật đáng sợ. Tuy nhiên, tôi đang cố gắng đem đến cho mọi người một góc nhìn khác về AI: Đây là một cơ hội với ngành nghệ thuật.”

Herndon đã để AI Holly+ ở chế độ công khai để mọi người có thể sử dụng. Cô cũng vô cùng hào hứng trước viễn cảnh các kỹ năng và những sáng tạo của mình có thể đạt đến những đỉnh cao nghệ thuật mà bản thân cô không thể tự mình tạo ra.

Herndon cũng lo ngại về những hệ quả tiêu cực có thể xảy ra trong trường hợp các nghệ sĩ cố gắng bảo vệ tác phẩm của mình khỏi bị sử dụng bởi AI.

Trả lời Wired, Herndon cho biết: “Trong thế kỷ trước, chúng ta đã có nhiều thông lệ trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các nghệ sĩ một cách quá đà, và điều này đã làm cho mọi việc rối tung lên”.

Cô cho biết thêm: “Trong điều kiện quyền sở hữu trí tuệ bị siết chặt hơn, tôi có thể thấy rằng những nghệ sĩ đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu các tác phẩm sẽ gặp nhiều bất lợi trong tương lai". 

Bởi thông thường, quyền sở hữu trí tuệ không thuộc về những người sáng tạo độc lập mà thuộc về các công ty — hãng thu âm, nhà xuất bản, công ty sản xuất — mà các nghệ sĩ làm việc. Điều này thậm chí ngăn các nghệ sĩ truy cập và sử dụng tác phẩm của chính mình.

Trên thực tế, tất cả tác phẩm nghệ thuật đều là phái sinh. Vì vậy, nếu luật sở hữu trí tuệ được áp dụng quá đà sẽ làm hạn chế khả năng sáng tác, giới hạn nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ, đồng thời ngăn các nghệ sĩ học hỏi những kiến thức, kĩ năng của những nghệ sĩ trước đây.

Nina Paley, một nghệ sĩ đa phương tiện (multimedia artist), đồng thời là một trong những người phản đối mạnh mẽ luật bản quyền và luật sở hữu trí tuệ.

Cô cho biết: “Những ý tưởng có thể đến và đi với một người nghệ sĩ, và trên đường đi qua, người nghệ sĩ làm chúng thay đổi ít nhiều. Và những thay đổi đó được gọi là sự đổi mới hoặc tiến bộ. Nhưng “nhờ” có luật bản quyền…, tôi thường phải nghe những người làm công việc sáng tạo hỏi rằng 'Tôi có được phép sử dụng cái này không? Tôi có được làm cái kia không? Tôi không muốn gặp rắc rối.' Và chính những nguy cơ rắc rối này đã khiến cho chúng tôi từ bỏ việc tạo ra những tác phẩm mà chúng tôi mong muốn.”

Khi đó, việc các nghệ sĩ sử dụng luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ các tác phẩm của họ khỏi AI có thể hạn chế quyền tiếp cận nghệ thuật trên quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ như Herndon và Allen đều tin rằng vấn đề không nằm ở bản thân AI mà là ở những công ty xây dựng AI.

Như Allen đã nói với tờ The New York Times, “Chúng ta không nên phán xét công nghệ. Đạo đức không nằm ở công nghệ mà nằm ở trong con người.”

Trả lời tờ Wired, Herndon cũng ủng hộ quan điểm tương tự. “Các nghệ sĩ thường phản đối AI như thể họ đang đối đầu với những thế lực độc ác. Tuy nhiên, trên thực tế họ muốn vấn đề này được giải quyết, họ muốn có sự đồng thuận rõ ràng giữa các bên trong việc sử dụng AI".