Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế

Phương Thu - 09:00, 09/02/2024

TheLEADERNgôi sao hy vọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 nằm ở đầu tư công, tăng trưởng xuất khẩu và khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, du lịch.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế
Kinh tế năm 2024 sẽ cải thiện theo hướng tích cực hơn năm 2023. Ảnh: Hoàng Anh.

Bối cảnh đầy biến động

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, nền kinh tế đang phải đối diện với “hoạ vô đơn chí” đầy bất thường từ chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai của thế giới. Những khó khăn, thách thức này đang ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu và sẽ còn tiếp tục kéo dài, nghiêm trọng hơn trong năm 2024.

Chính vì vậy, theo ông Lực, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% được Quốc hội đặt ra cho năm 2024 là rất thách thức. Ba thách thức lớn mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt được ông Lực chỉ ra trước hết là tình hình địa chính trị phức tạp khiến rủi ro về an ninh năng lượng, giá nguyên liệu, lương thực neo cao, khó giảm nhanh. 

Thứ hai là sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ công và nợ tư tăng cao; rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu khiến nợ xấu và nguy cơ vỡ nợ gia tăng. Thứ ba là giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao khiến tiến trình phục hồi kinh tế trở nên mong manh hơn.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Hoàng Anh.

Hệ quả là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, thậm chí suy thoái cục bộ. Theo nhận định từ Ngân hàng Thế giới (WB), đây là “thập niên mất mát” của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2022 - 2030 chỉ ở mức 1,8%. Điều này đã ngay lập tức ảnh hưởng đến trong nước do Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, hoạt động sản xuất, các đơn hàng xuất khẩu trong nước giảm mạnh.

Ngoài chiến tranh và dịch bệnh, ở một góc nhìn khác, GS. Phan Văn Trường cho rằng, xu hướng “toàn cầu hóa” dần thoái trào cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Thay vì phát động “thế giới đại đồng” cùng nhau làm việc trong sân chơi chung, giờ đây, các quốc gia đang chủ trương quay về “tự chủ sản xuất”. 

Nhiều quốc gia đã nhận thấy tính rủi ro cao trong sự hợp tác nhất là sau đại dịch, nên không còn muốn trao cho nhau cơ hội cùng tham gia sản xuất, tạo chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với năng suất lao động phải định nghĩa lại, giá thành sẽ tăng cao, từ đó, hiện tượng lạm phát sẽ mang những cá tính khác với trước.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không chỉ có một mà còn có nhiều cuộc khủng hoảng khác đan xen nhau, giống như những cơn sóng biển liên tiếp vùi dập, ảnh hưởng của nó đến kinh tế thế giới sẽ dài lâu và khó đoán định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa phải gồng mình chống chọi với những biến động từ thế giới, vừa phải tập trung xử lý những tồn đọng từ tình hình trong nước đầy rẫy những khó khăn sau đại dịch.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế 1
Du khách tại phố cổ Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế trong nước đang gặp phải rất nhiều thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất đã yếu đi rất nhiều sau Covid-19, số doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động tăng mạnh. Khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn; cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hiện đại; hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng trầm lắng. Bất động sản gần như đóng băng từ cuối năm 2022 do vướng mắc pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp đã khiến tăng trưởng kinh tế chung bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước bối cảnh đầy thách thức của trong nước và thế giới, mức tăng trưởng GDP năm 2024 được Quốc hội quyết nghị đạt khoảng 6-6,5% được đánh giá một mục tiêu đầy tham vọng.

Khi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã cho rằng, mục tiêu này là khá cao. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế chỉ nên đặt ở mức 5-6%, nhất là trong bối cảnh GDP năm 2023 chỉ đạt trên 5%.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo nhiều chuyên gia kinh tế, điều này không phải bất khả thi. Mặc dù nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, song nếu khơi thông được các động lực tăng trưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Đặt cược vào xuất khẩu

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam tin tưởng, kinh tế năm 2024 sẽ cải thiện theo hướng tích cực hơn năm 2023. Mặc dù hiện tại kinh tế đang suy giảm mạnh nhưng ông Du cho rằng, xuất khẩu gắn với sản xuất công nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi cùng với đà tích cực của đầu tư công trở thành điểm sáng của kinh tế 2024. 

Nguyên nhân của sự suy giảm ngành xuất khẩu năm vừa qua là do suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị và các nước tập trung chống lạm phát, thắt chặt chi tiêu khiến số lượng các đơn hàng của Việt Nam giảm mạnh.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế 2
TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2024, khi nền kinh tế thế giới phục hồi, Mỹ và các nước Châu Âu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trở lại. Nhiều chuyên gia và tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế đều có chung dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng từ 6 - 11% vào năm 2024, thay vì mức giảm như 2023.

Trong đó, xét theo cấu phần cho tăng trưởng nhìn từ các ngành, suốt nhiều năm liền và cả đến hiện tại, công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Trong khi đó, nông nghiệp đang có xu hướng thị phần ngày càng giảm và đóng góp của ngành dịch vụ luôn giữ ở mức ổn định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, trước khi đại dịch diễn ra, nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 4,6%; công nghiệp và xây dựng góp 50,4%; dịch vụ góp 45%. Có thể thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới hơn một nửa trong mức tăng chung. Đây cũng chính là lý do khiến năm 2023, tăng trưởng của ngành công nghiệp giảm mạnh đã khiến nền kinh tế gặp khó.

Sang năm 2024, khi sản xuất công nghiệp phục hồi, việc xuất khẩu các nhóm mặt hàng như linh kiện máy tính, điện tử trở lại đường đua tăng trưởng dương sau thời gian dài tăng trưởng âm, đây là những dấu hiệu cho thấy ngành xuất khẩu đang ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản cũng dự kiến sẽ tăng mạnh. Theo ông Thọ, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế với mức tăng đều qua các năm. Năm 2023, trong bức tranh khó khăn chung của xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng đáng ghi nhận khi giá trị kim ngạch đạt trên 53 tỷ USD với sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh như gạo và rau quả.

Trong ba ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, duy chỉ có nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt không bị suy giảm trong và sau đại dịch. Từ mức tăng 3,05% trước Covid-19, đến năm 2022, ngành nông nghiệp đã tiếp tục tăng 3,36% và năm 2023 là khoảng 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Kỳ vọng vào sự phục hồi của bất động sản, du lịch

Bên cạnh xuất khẩu, một trong những lĩnh vực dự kiến sẽ có sự hồi phục trong năm 2024, qua đó đóng góp vào tăng trưởng, được nhiều chuyên gia dự báo là bất động sản và du lịch.

Thị trường bất động sản được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế, giúp tập trung các nguồn lực, tạo ra tài sản cố định cho quốc gia. Sự phát triển của thị trường bất động sản tạo ra động lực tăng trưởng cho hàng chục ngành nghề liên quan như thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động..., đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và phát triển đô thị, du lịch.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế 3
Ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản vào tổng GDP cả nước các năm gần đây chiếm khoảng 10%. Trong đó, ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 3,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5% vào tăng trưởng GDP. Ước tính, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản tăng 1 tỷ đồng, thì giá trị sản xuất của các ngành còn lại sẽ tăng gần 0,8 tỷ đồng. 

Mặc dù từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã rơi vào trầm lắng, kéo theo tăng trưởng kinh tế của nhiều ngành, lĩnh vực suy giảm, song theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường đang có cơ hội rất lớn để vực dậy trong năm 2024 nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn về pháp lý và nguồn vốn của Chính phủ, dự báo từ quý III/2024 có thể là thời điểm thị trường đảo chiều.

Cùng chung nhận định, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục hồi phục tích cực trong năm tới, góp phần tạo đà cho nền kinh tế. Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2024.

Cùng với bất động sản, du lịch cũng là ngành được dự báo khả quan về triển vọng phục hồi. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, nếu không có các cú sốc quá lớn, nhiều khả năng ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024. Trong đó, việc tăng trưởng trở lại của khách quốc tế được ví như “xuất khẩu” du lịch tại chỗ” sẽ mang đến nguồn doanh thu và lợi nhuận rất lớn cho ngành du lịch.

Sức mạnh từ đầu tư công

Nhận định khả quan về tăng trưởng kinh tế năm 2024, song ông Hiếu cho rằng, những tín hiệu tích cực sẽ chỉ xuất hiện vào nửa cuối năm 2024. Trong nửa đầu năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài những khó khăn từ năm cũ.

Trong bối cảnh các động lực của tăng trưởng chưa thực sự hồi phục, theo ông Hiếu, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Khi nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn “vốn mồi” kích thích nhiều nguồn vốn khác tham gia vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng, góp phần tạo ra tác động lan tỏa cho phát triển bền vững.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế 4
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo tính toán, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thực tế, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trung bình 83,4% kế hoạch hàng năm, đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân 6,01%. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 93,5% đóng góp vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng 2,5%.

Đặc biệt, năm 2022 vốn giải ngân đạt 93,5% đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%. Trong năm 2023, đầu tư công cũng là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng, khi tốc độ giải ngân luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức. Năm 2023, Việt Nam phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng. Điều này đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ, nhất là khi tổng vốn đầu tư công năm 2023 tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021, năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay trong những ngày cuối tháng 12 này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng vừa ký Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2024, cả nước phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt đối thiểu 95% kế hoạch được giao nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khơi thông “động lực của các động lực”

Tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tốt hơn nhờ các động lực từ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ được hồi phục, song ông Hiếu vẫn không khỏi trăn trở về bối cảnh nội tại của các doanh nghiệp trong nước.

Ánh sáng cuối đường hầm cho tăng trưởng kinh tế 5
TS. Nguyễn Trí Hiếu.

“Khi nói đến việc triển vọng kinh tế tốt hơn, tôi đang đặt các giả thiết đó gắn với năng lực sản xuất trong nước phải theo kịp nhu cầu của thế giới. Trái lại, nếu năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng tiếp nối từ những khó khăn của 2023, chắc chắn, chúng ta sẽ không thể nắm bắt được những tín hiệu của sự hồi phục”, ông Hiếu nhận định. 

Điều này không phải không có cơ sở khi các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế đang rơi vào bối cảnh hết sức khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa hoạt động tăng mạnh.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 cũng cho thấy, chỉ 1/3 số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới. 

Trong khi đó, vấn đề đặt ra là nếu thị trường thế giới hồi phục nhưng doanh nghiệp trong nước không nắm bắt được cơ hội để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, sẽ là điều rất đáng tiếc, ông Hiếu chia sẻ. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này là Việt Nam phải củng cố vững chắc nội lực của nền kinh tế trong nước, vực dậy sức khoẻ của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ngoài động lực từ xuất khẩu, tiêu dùng, dịch vụ, nền kinh tế cần khơi thông được “động lực của các động lực tăng trưởng” chính là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đang rất cần được tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, nghị định, thủ tục đầu tư kinh doanh phức tạp, kéo dài và về nguồn vốn hiện đang tắc nghẽn. Các ngân hàng đang thừa thanh khoản nhưng “không cho vay được, có tiền không tiêu được”, trong khi đó, các doanh nghiệp lại đang rất khó khăn về dòng tiền. 

Để giải quyết vấn đề này, cải cách thể chế là vấn đề quan trọng, ông Lộc nhấn mạnh và cho rằng, làm được điều đó sẽ giúp khơi thông nguồn lực cho cả xã hội, không chỉ là dòng tiền mà là cả trí tuệ, tâm sức của người dân, doanh nghiệp vì sự phát triển kinh tế chung.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khơi thông, giải phóng các nguồn lực chính là vấn đề mấu chốt của phát triển kinh tế, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng. Tình trạng “ách tắc” lưu thông các nguồn lực là căn nguyên làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn tới “cơ thể” kinh tế bị suy yếu, tổn thương và bất ổn. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh để các doanh nghiệp phát triển, thoát khỏi tình trạng “chậm lớn, khó trưởng thành”, bảo đảm nội lực của nền kinh tế.

Khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chưa thể hồi phục hoàn toàn sau dịch bệnh, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng, những sự trợ lực từ Chính phủ là hết sức cần thiết. Từ trước đến nay, Việt Nam luôn theo chính sách “nghịch chu kỳ”, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Khi tăng trưởng kinh tế không tốt, Chính phủ cần thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khoá cho người dân và doanh nghiệp, từ đó sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về dòng vốn, kích thích tiêu dùng, đầu tư, giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi.

Theo ông Du, sự trợ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi. 

Quan trọng hơn, ngay trong thời điểm đầy thách thức này, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần sự ủng hộ về tinh thần, sự củng cố niềm tin rằng họ luôn được Chính phủ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông suốt cho phát triển. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc.