Khi nói đến bằng sáng chế, phần lớn mọi người đều sẽ nghĩ ngay đến bằng sáng chế tiện ích, nhằm bảo hộ cho một loại máy móc, quy trình, sản phẩm hay một thành phần vật chất. Tuy nhiên, như bài viết "Bằng dáng chế thiết kế - Hiểu thế nào cho đúng" đã đề cập, còn tồn tại một loại hình bằng sáng chế khác là bằng sáng chế thiết kế vốn rất có giá trị khi được sử dụng trong những tình huống phù hợp.
Trong bài viết kỳ này – mà bạn có thể coi là “bản mở rộng” của bài viết ở trên – chúng ta sẽ tiếp tục đi sâu vào phân tích chi tiết hơn nữa về đặc điểm của bằng sáng chế thiết kế trong sự so sánh với bằng sáng chế tiện ích, cũng như xác định xem đâu là thời điểm thích hợp nhất để bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ của bạn bằng loại bằng sáng chế này.
Bằng sáng chế tiện ích vs Bằng sáng chế thiết kế
Bằng sáng chế tiện ích trình bày chi tiết về mặt kỹ thuật cùng với các bản vẽ (nếu thích hợp), cùng với một hoặc nhiều yêu cầu bảo hộ liệt kê các thành phần của phát minh và xác định ranh giới bảo hộ của bằng sáng chế. Ngược lại, bằng sáng chế thiết kế diễn giải phạm vi bảo hộ của mình thông qua các bản vẽ. Thay vì liệt kê kết cấu hay mô tả thiết kế bằng từ ngữ, bằng sáng chế thiết kế thường sử dụng các bản vẽ để thể hiện phạm vi bảo hộ của nó.
Trong khi bằng sáng chế tiện ích thường được đăng ký cho các sáng chế mới lạ, hữu ích và chưa từng được biết đến, bằng sáng chế thiết kế lại không tập trung vào yếu tố tiện ích mà nó hướng đến thiết kế trang trí của một sản phẩm thương mại. Theo Văn Phòng Sáng Chế Và Nhãn Hiệu Hoa Kỳ, thiết kế của một đồ vật là những đặc trưng hoặc yếu tố trực quan mà đồ vật đó hiển thị.
Mặc dù bạn có thể đăng ký bằng sáng chế thiết kế cho một sản phẩm tiện ích, bằng sáng chế này chỉ có thể được chấp thuận nếu tính năng trang trí nổi bật hơn hẳn so với tính tiện ích. Nếu một thiết kế có bản chất mang lại tiện ích, thì nó sẽ không được đăng ký bằng sáng chế thiết kế tại Hoa Kỳ.
Bằng sáng chế thiết kế có thể được cấp cho cấu hình hoa văn, cách trang trí bề mặt hay cả hai, nhưng cần lưu ý rằng bạn chỉ có thể đăng ký bằng sáng chế này cho một loại sản phẩm và thiết kế phải lặp lại được. Ví dụ: trong trường hợp một công ty phát minh ra một phương pháp độc đáo để phủ lớp trang trí lên giấy dán tường để tạo diện mạo như mây mù, họ sẽ không thể đăng ký bằng sáng chế thiết kế. Lý do là vì thiết kế đó không lặp lại được. Về cơ bản, bảo hộ tất cả những thiết kế tạo ra bởi quy trình này chính là bảo hộ chính phương pháp trang trí đó. Và bảo hộ phương pháp lại là “phần việc” của bằng sáng chế tiện ích.
Nhìn chung, bằng sáng chế thiết kế áp dụng cho những đặc điểm cuốn hút về mặt mỹ thuật của một sản phẩm. Cũng cần phải nói rằng đối tượng bảo hộ phải là một sản phẩm thể hiện được kỹ năng mỹ thuật và con mắt thẩm mỹ. Bạn sẽ khó có thể đăng ký bằng sáng chế thiết kế cho một chiếc máy phay gỗ vì bình thường loại máy máy này đâu có gì hấp dẫn về mặt mỹ thuật, phải không nào?
Bằng sáng chế thiết kế - khi nào nên đăng ký?
Bằng sáng chế thiết kế mang lại cho người sở hữu nó quyền ngăn cản người khác chế tạo, sử dụng hay bán một sản phẩm có vẻ ngoài giống với sản phẩm được đăng ký sáng chế tới mức một “người quan sát bình thường” có thể mua món hàng xâm phạm bản quyền vì nghĩ rằng đó là sản phẩm được đăng ký sáng chế.
Định nghĩa “người quan sát bình thường” được Tòa án tối cao Hoa Kỳ xác định vào năm 1872 trong một vụ việc liên quan đến thiết kế hoa văn của tay cầm đồ bạc. Nhìn chung, “người quan sát bình thường” được coi là người mua một loại hàng hóa bán lẻ cụ thể, thay vì là một chuyên gia ít có khả năng bị sản phẩm xâm phạm bản quyền đánh lừa.
Một điều quan trọng bạn nên nhớ là việc so sánh sẽ không diễn ra theo cách đặt sản phẩm “xịn” và sản phẩm “nhái” ở cạnh nhau để đối chiếu. Cuộc kiểm tra sẽ có sự tham gia của một người quan sát bình thường có biết về thiết kế được đăng ký sáng chế và lần đầu bắt gặp sản phẩm bị cho là xâm phạm.
Người quan sát bình thường này sẽ phải thật tập trung chú ý hệt như lúc họ cân nhắc mua sản phẩm đó. Phương pháp kiểm tra này còn tinh vi hơn ở chỗ việc so sánh phải được thực hiện giữa diện mạo thực tế của hai sản phẩm, vốn không phải lúc nào cũng giống với hình ảnh sản phẩm được in trên bao bì.
Cuộc kiểm tra xâm phạm bao gồm hai giai đoạn. Đầu tiên, phải xác định được những đặc điểm hoa văn của thiết kế được đăng ký bản quyền không thể hiện trên các thiết kế trước đây và liệu sản phẩm bị cho là xâm phạm có bắt chước một hay nhiều đặc điểm đó không.
Nếu không có sự bắt chước nào tức là sản phẩm đó không xâm phạm bản quyền, còn nếu có thì cuộc kiểm tra thứ hai sẽ được áp dụng. Cả sự tương đồng và khác biệt giữa hai sản phẩm sẽ được đem ra “mổ xẻ” để xác định xem về tổng thể, các yếu tố tương đồng có đủ sức đánh lừa một người quan sát bình thường hay không. Nếu có thể đánh lừa được họ thì sản phẩm bị coi là xâm phạm bản quyền.
Tóm lại, bạn nên cân nhắc khả năng đăng ký bằng sáng chế thiết kế khi tác phẩm sáng tạo của bạn là một sản phẩm có những đặc trưng hoa văn độc đáo. Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ khác để đảm bảo rằng sản phẩm của mình đã được “che chắn” kỹ càng nhất có thể trước mọi nguy cơ xâm phạm bản quyền.
Bài viết trình bày quan điểm của bà Trâm Nguyễn, công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York City.
Nếu là người tìm hiểu về “vũ trụ” sở hữu trí tuệ rộng lớn, hẳn bạn cũng biết rằng một hình thức phổ biến của quyền sở hữu trí tuệ chính là bằng sáng chế, trong đó có bằng sáng chế thiết kế (Design Patent). Vậy bằng sáng chế thiết kế là gì? Có phải nó là “bảo vật” toàn năng bảo hộ cho sản phẩm của bạn ở mọi khía cạnh, vào mọi thời điểm?
11 đề xuất kinh tế của ông Donald Trump nếu tái đắc cử, nhấn mạnh các chính sách thuế quan, ưu đãi thuế, và phát triển nhà ở nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Xác định "tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế", nhiều đại biểu quốc hội nhấn mạnh việc tháo gỡ 'nút thắt gốc' này là nhiệm vụ căn cơ và cấp bách.