Bao giờ các nhà làm chính sách mới nghĩ đến việc tạo 'tổ phượng hoàng' cho doanh nhân Việt?

Kim Yến (ghi) - 17:35, 13/10/2018

TheLEADERThế giới ngày nay cho phép những doanh nghiệp chỉ cần chưa đến 1 thập kỷ có thể trở thành một tên tuổi lừng lẫy toàn cầu.

LTS: Trong suốt 30 năm đổi mới, trải qua các vai trò Tổng thư ký và Phó chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã cống hiến không ngừng nghỉ trí tuệ và con tim mình cho quá trình đổi mới và cải cách tại Việt Nam, bền bỉ thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân và quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bên trong người phụ nữ nhỏ nhắn ấy là một trái tim quả cảm, một cái nhìn sắc sảo, một thái độ quyết liệt phản biện trước những vấn đề có tính chất sống còn đối với cộng đồng doanh nghiệp và đất nước. Nhân dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, bà đã dành cho TheLEADER những chia sẻ sâu sắc, những trăn trở về sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt trong suốt 3 thập kỷ qua và góc nhìn về những vận hội mới trong bối cảnh mới.

Khi nói về thương hiệu Việt, cái tên đầu tiên tôi biết từ nhỏ là hai chữ “Vạn Vân”, đó là thương hiệu nước mắm nổi tiếng ở Hà Nội. Hà Nội cũng có nhiều cái tên được người dân nhớ tới như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… , những người dám đứng ra lập nghiệp cạnh tranh với người Pháp và thành công ngay trong thời Pháp thuộc. Nhưng rồi đất nước liên tiếp rơi vào mấy cuộc chiến tranh mới và những biến thiên, khiến những tên tuổi đó dần bị quên đi.

Bà Phạm Chi Lan: Bao giờ các nhà làm chính sách mới nghĩ đến việc dọn tổ để doanh nhân Việt cất cánh thành phượng hoàng?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ở miền Nam cũng có những tên tuổi lớn được nhiều người yêu mến, nhưng những người dân miền Bắc chưa kịp biết đến thì những cái tên đó đã bị xóa đi do cuộc chiến và cả do công cuộc cải tạo sau 1975.

Đến khi chúng ta bắt tay vào công cuộc đổi mới cuối thập kỷ 80, trên đất nước Việt Nam hầu như không còn một tên tuổi thương hiệu nào được người dân biết tới!

Một số doanh nghiệp nhà nước cũng có thể được biết đến, nhưng đấy chỉ là những tên tuổi độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh của họ, còn thương hiệu thực sự gây dựng được từ lòng người tiêu dùng thì cũng đâu có được họ quan tâm.

Cho đến khi Việt Nam mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mang theo những cái tên lạ lẫm của Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, một số nước châu Âu, Mỹ… Rồi hàng Việt Nam bắt đầu đi ra các thị trường bên ngoài, thì chúng ta mới tỉnh ngộ ra rằng đất nước mình còn thiếu biết bao cái tên cần có để đi cùng với sản phẩm của mình; thiếu vắng những cái tên đó, sản phẩm của Việt Nam trở thành vô danh.

Như tôi từng gặp rất nhiều người nước ngoài, mãi đến khi vào Việt Nam họ mới biết Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản, hàng may mặc, giày dép… với khối lượng không hề nhỏ. Việt Nam cũng dần có hàng vạn đến hàng chục vạn doanh nghiệp ra đời, nhưng vẫn không có mấy cái tên được đối tác bên ngoài biết đến và trọng thị như người ta đối xử với những bạn hàng khác.

Chính qua công cuộc đổi mới trong nước và vật lộn trên thương trường, dần dần một số doanh nghiệp Việt Nam mới vực lên, xây dựng tên tuổi của mình và dần tạo vị thế ngày càng tốt hơn trên thị trường. Họ khởi đầu việc tự xây dựng thương hiệu bằng những nỗ lực không mệt mỏi, bền bỉ, không ngừng nghỉ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng tốt hơn, với chuẩn mực ngày càng cao hơn phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Họ không ngừng xây dựng đội ngũ nhân viên và quản trị để biết cách làm việc với các đối tác đã rất dày dạn kinh nghiệm thương trường.

Từ đó, những tên tuổi của Việt Nam bắt đầu nổi tiếng như Minh Long với sản phẩm gốm sứ, Trung Nguyên với cà phê, Kinh Đô với bánh kẹo, Thiên Long với bút bi, Bitis’ với giày dép …

Tiếp đó, những tên tuổi trong các lĩnh vực khác dần nổi lên như Dược Hậu Giang, Vinamit, Thép Việt, PNJ, An Phước… Học hỏi được kinh nghiệm của những người đi trước, tiến hành trên con đường vừa hội nhập, vừa hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, họ đã có những bước đi thật vững vàng, đáng nể.

Chúng ta cũng có những doanh nghiệp Nhà nước xây dựng tên tuổi của mình từ quá trình cải cách như Công ty CP Cơ điện lạnh REE , Công ty sữa Việt Nam Vinamilk là những điển hình đẹp của những doanh nghiệp bứt ra khỏi bầu sữa nhà nước và trở thành những đơn vị dẫn đầu trong ngành hàng của mình.

Rồi đến lứa doanh nghiệp bắt tay vào các ngành công nghệ và xây dựng nên những cái tên như FPT, CMC, VNG, Viettel… và những ngành dịch vụ cao cấp như một loạt các ngân hàng tư nhân, một số nhà đầu tư bất động sản, Vietjet Air,… cũng góp phần làm phong phú những thương hiệu Việt Nam trên thương trường

Tuy nhiên, nhìn lại, chúng ta vẫn thấy sự hình thành các thương hiệu Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế vẫn khá hiếm hoi so với những thông số về xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường bên ngoài, kể cả khi Việt Nam ký kết hàng trăm hiệp định thương mại và đầu tư với các nước khác nhau, trong đó có cả FTA thế hệ mới.

Ngay trên thị trường trong nước, số thương hiệu đi vào trong tâm trí người tiêu dùng cũng vẫn còn rất khiêm tốn so với một thị trường hơn 90 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng rất cao và ngày càng ý thức hơn về chất lượng, chuẩn mực của sản phẩm, về những yêu cầu đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp…

Trên không ít các sản phẩm tiêu dùng, người dân Việt Nam vẫn nhớ đến những cái tên của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan hơn là tên hàng Việt Nam cùng loại. Điều đó có thể đổ tại cho người tiêu dùng vì thiếu ý thức ủng hộ hàng Việt không? Hay các doanh nghiệp Việt cần phải tự hỏi mình phải làm gì để chinh phục người tiêu dùng Việt?

Trong những yếu tố khiến cho Việt Nam chưa có những thương hiệu Việt lớn được hình thành, điều đầu tiên chắc cần phải nói về phía doanh nghiệp.

Nếu so sánh với các doanh nghiệp bên ngoài, thì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có tuổi đời ít hơn, điều đó là đương nhiên, do bối cảnh lịch sử của đất nước. Nhưng trong điều kiện thế giới thay đổi mau chóng như ngày nay, yếu tố đó cũng như sự thiếu vắng các kinh nghiệm không còn là lý do để các doanh nghiệp Việt Nam tự an ủi mình nữa.

Thế giới ngày nay cho phép những doanh nghiệp chỉ cần chưa đến 1 thập kỷ có thể trở nên những tên tuổi lừng lẫy toàn cầu.

Điều thứ hai ở các doanh nghiệp Việt Nam là sự thiếu vắng các nguồn lực; đó cũng là một thực tế của đất nước khi nói chung Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp, còn nghèo về nhiều mặt. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần tận dụng tốt nhất những nguồn lực có trong tay và biết sử dụng sức mạnh của sự kết nối, sự hợp tác với những người khác để bổ sung cho nguồn lực của mình và vượt lên. Như một số chuỗi giá trị đang hình thành hiện nay ngay từ giữa những bạn nông dân trẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long, trưởng thành dần từ những ý tưởng khởi nghiệp và kết nối chỉ mới hình thành cách đây vài năm.

Yếu tố thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam chính từ sự liên kết còn thiếu vắng trong từng ngành, từng vùng, ở đó đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp mà cả các đối tác liên quan chung tay. Chung tay cùng nhau gỡ khó và vượt lên vì lợi ích chung của tất cả. Hàng trăm hiệp hội doanh nghiệp đã được hình thành ở nhiều nơi, nhưng có lẽ cũng chưa đủ sức mạnh để góp phần tạo nên khối liên kết đó, khiến cho mỗi doanh nghiệp vẫn cảm thấy cô đơn trên thị trường và vẫn là những chiếc đũa riêng lẻ dễ bị bẻ gãy trước khi tạo được tên tuổi trên thương trường.

Yếu tố thứ tư có lẽ cũng từ sự thiếu vắng những khát vọng, những đam mê thực sự mạnh mẽ ở các doanh nhân Việt để dám vươn lên, nghĩ khác, làm khác, dám thách thức bản thân và các đối thủ của mình. Số người giàu ở Việt Nam đang tăng lên vào loại nhanh chóng nhất trong khu vực, trong đó hầu hết là doanh nhân, nhưng bao nhiêu người trong số họ có những khát vọng lớn để tạo dựng những tên tuổi Việt Nam trụ vững lâu dài trên đất nước hình chữ S và vươn xa ra những chân trời mới trên thế giới?

Thiếu khát vọng, làm sao chúng ta có thể bay xa, bay cao! Hãy cùng nhau khuyến khích, ủng hộ, cổ vũ cho những khát vọng đó.

Về phía Nhà nước, những việc chúng ta đã làm được trong 30 năm đổi mới để tạo nên một tầng lớp doanh nhân rộng lớn ở Việt Nam hiện nay là hết sức đáng trân quý, nhưng như vậy rõ ràng chưa đủ. Trong suốt 30 năm qua, những ám ảnh của tư duy cũ vẫn khiến Nhà nước chưa thực sự mở lòng với tư nhân trong nước và vẫn dành sự ưu ái của mình cho doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài. Kể cả khi đã tham gia hội nhập với thị trường bên ngoài, tham gia WTO và các FTA, nhà nước vẫn sẵn sàng tự do hóa cho đầu tư nước ngoài hơn cho chính các doanh nghiệp nội địa của mình.

Vừa qua đã có những ý kiến ủng hộ việc tạo nên những “tổ phượng hoàng” với kỳ vọng lôi kéo những con phượng hoàng lớn từ các nước bay về làm tổ ở Việt Nam.

Bao giờ các nhà làm chính sách mới nghĩ đến việc tạo ra trên đất nước Việt Nam một khoảng trời rộng lớn để cho những đàn chim Việt cất cánh trở thành “Phượng Hoàng Việt” đây?