Bị áp lực tại Trung Quốc, Đài Loan muốn dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á

Phạm Sơn - 18:06, 19/01/2022

TheLEADERNhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, trong bài phát biểu đầu năm mới đã nhấn mạnh mong muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam Á.

Bị áp lực tại Trung Quốc, Đài Loan muốn dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á
Đài Loan là quê hương của nhiều tập đoàn lớn đang hiện diện tại Đông Nam Á. Ảnh: Báo Công thương.

Chính sách hướng nam mới của Đài Loan được bà Thái Anh Văn nhắc tới sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Úc, với 4 hợp phần bao gồm hợp tác kinh tế, thương mại; trao đổi nhân tài; chia sẻ nguồn lực và kết nối khu vực.

Trong kế hoạch này, Đông Nam Á tiếp tục được nhấn mạnh như một điểm đến chiến lược. Số liệu từ Ủy ban đầu tư Đài Loan cho thấy, khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 37% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan (tính cả đầu tư vào Trung Quốc), cao hơn tỷ lệ 33% vốn đầu tư chảy sang Trung Quốc đại lục.

Theo Trung tâm nghiên cứu ASEAN Đài Loan, doanh nghiệp Đài Loan, trước những diễn biến của đại dịch cũng như sự bành trướng của các đối thủ từ Trung Quốc, đang phải đưa ra 2 lựa chọn, hoặc quay về Đài Loan, hoặc chuyển hướng sang Đông Nam Á.

Các chuyên gia của trung tâm này nhấn mạnh, Đông Nam Á là “nơi tốt nhất ngoài Trung Quốc” để xây dựng những cơ sở sản xuất hướng đến xuất khẩu.

Thực tế, Việt Nam và khu vực ASEAN vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn từ “4 con rồng nhỏ”, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ Đài Loan vào khu vực này vẫn thấp hơn so với 3 nền kinh tế còn lại, cho thấy dư địa tăng trưởng vốn đầu tư vào khu vực vẫn còn nhiều để tận dụng.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế bao gồm chất bán dẫn, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp để thực hiện chính sách hướng nam mới. Trong đó, chất bán dẫn là một ngành rất tiềm năng khi nguồn cung ứng chất bán dẫn cho sản phẩm công nghệ và xe điện đang chứng kiến sự thiếu hụt chưa từng có trong lịch sử.

Đặc biệt là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp xe điện đang được nhiều doanh nghiệp Đài Loan coi là “cơ hội lịch sử” để bứt phá. ASEAN với nhiều tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng xe điện sẽ là điểm đến đầu tư không thể bỏ qua cho những doanh nghiệp này.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á có những lợi thế nhất định trong và sau Covid-19, đặc biệt là chuỗi cung ứng ít bị tổn thương hơn và dịch bệnh đang dần trong tầm kiểm soát.

Mặt khác, các hiệp định tự do thương mại cũng là lợi thế của ASEAN, trong đó phải kể đến Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia có hiệp định tự do thương mại song phương với EU, thị trường vô cùng rộng lớn và phát triển. Đài Loan cũng có mặt trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với một số đối tác Đông Nam Á là Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei.

Thực tế, khu vực ASEAN đã có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn đến từ Đài Loan như Foxconn, Compal, Weistron… trong đó có những nhà cung ứng hàng đầu cho nhiều ông lớn về công nghệ.

Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược của Đài Loan tại Đông Nam Á. Ông Lê Tuấn, trợ lý chủ nhiệm văn phòng, Trưởng bộ phận đầu tư tại Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, nhiều nhà đầu tư Đài Loan đang chờ đợi cơ hội rót vốn vào Việt Nam, “chờ mở đường bay quốc tế là sẽ đến tìm hiểu”.