Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 5 giải pháp nâng cao hiệu quả Hợp tác xã

10:27, 16/02/2022

TheLEADERSau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, khu vực kinh tế tập thể đạt được một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 5 giải pháp nâng cao hiệu quả Hợp tác xã
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Luật Hợp tác xã chính thức được Quốc hội thông qua vào năm 2012 và chính thức có hiệu lực kể từ tháng 7/2013. Đây là dấu mấu quan trọng cho sự chuyển biến của khu vực kinh tế tập thể, mở ra điều kiện thông thoáng cho các tổ chức hợp tác xã tạo sự chuyển biến về chất, chứng tỏ vai trò trong nền kinh tế.

Sau gần 10 năm triển khai Luật Hợp tác xã, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận, dễ thấy nhất thông qua những số liệu như số lượng hợp tác xã tăng khoảng 41%, doanh thu bình quân và lợi nhuận bình quân tăng lần lượt 61% và 88% so với năm 2013.

Hàng nghìn hợp tác xã được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Các hợp tác xã cũng tích cực tham gia vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, hợp tác với các tổ chức phát triển quốc tế như ILO, UNDP, WB, Oxfam…

Thời điểm nền kinh tế chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, khu vực hợp tác xã nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn hoãn nợ… Bản thân các hợp tác xã lúc này cũng thể hiện vai trò tích cực đối với nền kinh tế, đặc biệt trong việc duy trì sinh kế cho người lao động, khơi thông luồng tiêu thụ nông sản…

Đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có không ít  hạn chế, bất cập còn tồn đọng, như quy định lạc hậu, chồng chéo, chưa thống nhất; vẫn còn những quy định gây cản trở; quy định kiểm toán chưa rõ ràng; chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả…

Những yếu tố này khiến hiệu quả thực hiện Luật Hợp tác xã chưa cao. Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể có xu hướng giảm, từ 4,03% năm 2013 xuống chưa đến 3,6% năm 2020.

Có thể nói, khu vực kinh tế tập thể “ngày càng xa mục tiêu “tiến tới tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế” đã được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX.

Mặt khác, số lượng thành viên hợp tác xã tụt mạnh, giảm gần 2,3 triệu trong giai đoạn 2013 – 2021. Hiện nay, tỷ lệ thành viên tham gia hợp tác xã chiếm khoảng 5,7%, tức là chưa bằng một nửa mức trung bình 12% của thế giới.

Phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, có lợi nhuận, thu nhập bình quân chỉ bằng khoảng 50% khu vực doanh nghiệp. Các hợp tác xã cũng ít có cơ hội phát triển, mở rộng do khó khăn trong việc huy động vốn.

Nhóm giải pháp thúc đẩy kinh tế tập thể

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, kinh tế tập thể chính là chìa khóa dẫn dắt các hộ sản xuất nhỏ lẻ để tạo ra những tổ hợp lớn hơn, mạnh hơn, có đủ năng lực cạnh tranh, năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Muốn làm được điều đó, cần phải gấp rút khắc phục khó khăn, bất cập thông qua việc triển khai nhiều nhóm giải pháp.

Đầu tiên, hoàn thiện các quy định về bản chất của hợp tác xã. Các quy định cần được bổ sung bao gồm mở rộng thành viên tham gia hợp tác xã, theo hướng cho phép công dân dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người không định cư ở Việt Nam, doanh nghiệp, tổ chức tác, cán bộ, công chức, viên chức…; minh bạch hóa thông tin hợp tác xã…

Giáo dục, đào tạo nghề cũng là trọng tâm chính sách cần được hoàn thiện, từ việc bố trí nguồn vốn cho tới xây dựng, triển khai chương trình từ bậc phổ thông đến đại học.

Mở rộng, làm rõ nguyên tắc hợp tác xã quan tâm tới cộng đồng, hướng trọng tâm vào cộng đồng địa phương, mở rộng ra cả các thành viên đã hết tuổi lao động.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện, bao gồm quy định về vai trò của liên minh hợp tác xã; phân loại hợp tác xã…

Thứ ba, hoàn thiện chính sách giúp hợp tác xã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn. Đây là nhóm chính sách quan trọng để tạo động lực cho hợp tác xã phát triển.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hợp tác xã. Theo Bộ trưởng Dũng, có thể nghiên cứu, bổ sung thêm một chương riêng trong luật về kiểm toán đối với hợp tác xã đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn thế giới và pháp luật Việt Nam.

Cuối cùng, cơ quan quản lý cấp nhà nước về hợp tác xã cũng cần phải được nâng cao hiệu quả, tinh gọn, tránh thừa, chồng chéo; tăng cường “hậu kiểm” thay cho tiền kiểm.

Cần có chính sách riêng về hỗ trợ từ phía Nhà nước cho khu vực hợp tác xã, đảm bảo phù hợp với những đặc điểm của hợp tác xã khác so với doanh nghiệp.