Bước chạy ‘phút 90’ nhằm cứu vãn hội nghị Mỹ - Triều

Phương Linh - 17:43, 07/03/2019

TheLEADERHội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai đã kết thúc với những bất đồng còn tồn tại liên quan đến phi hạt nhân hóa và những nỗ lực ngay ở phút chót cũng không thể mang tới “quả ngọt”.

Bước chạy ‘phút 90’ nhằm cứu vãn hội nghị Mỹ - Triều
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: CNN

Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt đầu sau khoảng thời gian chuẩn bị ngắn ngủi và kết thúc bằng nỗ lực cuối cùng từ phía Bình Nhưỡng nhằm níu giữ Washington ở lại bàn đàm phán.

Trước khi chiếc Air Force One chở người đứng đầu Nhà Trắng tới Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có mặt, kỳ vọng thêm một lần gặp để thảo luận phi hạt nhân hóa ngay trước thềm thượng đỉnh với cố vấn hàng đầu của ông Kim là Kim Yong Chol, theo thông tin từ CNN. 

Sau nhiều nỗ lực đàm phán nhưng không mang lại "trái ngọt", ông Pompeo rất nóng lòng muốn biết liệu Bình Nhưỡng có thật sự sẵn sàng cho một thỏa thuận trước khi hai nhà lãnh đạo cùng ngồi xuống.

Thế nhưng, điều mà vị ngoại trưởng nhận lại chỉ là sự thất vọng khi buộc phải quay về.

Dù không phải lần đầu tiên quan chức Triều Tiên từ chối gặp mặt Mỹ nhưng lần từ chối này lại diễn ra chỉ một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, như báo hiệu kết quả sẽ không như ông Trump kỳ vọng. Đến cuối cùng, mọi thứ diễn ra như những gì tất cả đều rõ khi hai nhà lãnh đạo buộc lòng rời khỏi Hà Nội với tay trắng, không có bất cứ thỏa thuận nào được ký kết. 

Tuy vậy, ít ai biết rằng diễn biến bất ngờ đã xảy ra vào phút chót, ngay trước khi ông Donald Trump rời khỏi khách sạn sau cuộc đàm phán song phương mở rộng kéo dài cũng rơi vào bế tắc.

CNN cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã vội vã chạy đến gặp phái đoàn Mỹ với thông điệp bất ngờ từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un, như một nỗ lực cứu cánh của Triều Tiên nhằm đạt được thỏa thuận về cắt giảm một số lệnh trừng phạt và đổi lại bằng việc phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Các quan chức Mỹ và Triều Tiên trước đó không thể giải quyết bất đồng liên quan đến quy mô tổ hợp hạt nhân Yongbyon và ngay cả tin nhắn cuối cùng từ ông Kim cũng không thể làm rõ điều này. Do đó, phía Mỹ đã yêu cầu xác nhận lại.

Bước chạy ‘phút 90’ nhằm cứu vãn hội nghị Mỹ - Triều
Bức ảnh đầy bất ngờ được Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đăng tải trên mạng xã hội Instagram

Thứ trưởng Choe Son-hui sau đó nhanh chóng mang câu trả lời quay lại, nhắn gửi thông điệp sẽ bao gồm tất cả mọi thứ trong khu vực nhưng không đủ để thuyết phục Mỹ nối lại đàm phán.

"Chúng tôi phải có nhiều hơn thế bởi có nhiều thứ Triều Tiên không nói tới, không viết tới - những thứ mà chúng tôi đã tìm thấy", CNN dẫn lời ông Trump đáp hồi trước khi rời khỏi Hà Nội.

Những nỗ lực gấp gáp cuối cùng vẫn không thể kéo Mỹ và Triều Tiên ra khỏi sự bất hòa liên quan đến xóa bỏ cơ sở hạt nhân nhưng cho thấy sự thiện chí và mong muốn đạt được thỏa thuận từ phía Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng cơ sở Yongbyon và những thứ liên quan rất quan trọng nhưng vẫn còn tên lửa, đầu đạn hạt nhân và hệ thống vũ khí. “Do đó, vẫn còn rất nhiều yếu tố chúng tôi không thể đạt được”.

Chỉ vài ngày sau sự đổ vỡ thỏa thuận tại hội nghị Mỹ - Triều lần hai, Bình Nhưỡng được cho là đang thực hiện công tác khôi phục, bao gồm thay mái và cánh cửa của cơ sở phóng thử tên lửa tại khu Tongchang-ri.

Trao đổi với phóng viên, ông Trump cho biết "còn quá sớm để kết luận" về những thông tin liên quan đến hành động của Triều Tiên. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bày tỏ sự thất vọng nếu những điều này được kiểm chứng và "chúng ta hãy chờ xem điều gì diễn ra", AFP dẫn lời.

Reuters dẫn tin các nhà phân tích cảnh báo rằng địa điểm này chưa bao giờ được sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và không có bằng chứng nào cho thấy thử nghiệm sắp xảy ra. Tuy nhiên, việc sử dụng vào mục đích thử động cơ tên lửa và các vụ phóng vệ tinh trong quá khứ đã giúp Triều Tiên đàm phán với Mỹ.

Do đó, đây có thể tiếp tục là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm tiến tới ký kết thỏa thuận với Mỹ để đạt mục tiêu kinh tế thay vì mục tiêu nối lại các vụ phóng tên lửa.