Cách nào khuyến khích người tiêu dùng tham gia chuỗi giá trị tái chế?

Sơn Phạm - 20:00, 29/07/2020

TheLEADERNgười tiêu dùng đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thu gom, tái chế và hạn chế rác thải. Tuy nhiên, thay đổi hành vi và nhận thức của người tiêu dùng để họ tích cực tham gia vào quá trình nói trên không phải là điều dễ dàng.

>> Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tuần hoàn được nhắc tới như một giải pháp cho bài toán về sự xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thực hiện mô hình này đòi hỏi kết nối điểm đầu và điểm cuối của vòng đời sản phẩm, tức là kết nối hành vi xả thải của người tiêu dùng với đầu vào cho sản xuất.

Tại Hội nghị Tổng kết 1 năm hoạt động của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), ông Hoàng Trung Sơn, phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, ý thức của người tiêu dùng là cản trở lớn nhất cho hoạt động của các đơn vị tái chế.

Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng hoàn toàn có thể trở thành nguồn hỗ trợ hiệu quả cho công tác xử lý chất thải nếu như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phân loại và xử lý sơ bộ rác thải. Vì vậy, tìm kiếm nguồn động lực cho sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là điều kiện tiên quyết và tối quan trọng để giải quyết vướng mắc trong mắt xích đầu tiên của “chuỗi giá trị rác thải”.

Truyền thông, giáo dục thay đổi thói quen tiêu dùng

Truyền thông và giáo dục là phương pháp hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức của công chúng về ý thức bảo vệ môi trường. Phương pháp này cũng nằm trong kế hoạch và mục tiêu do PRO Việt Nam đặt ra để tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành bao bì.

Hiện nay, các vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường đang rất được sự quan tâm của truyền thông, từ báo, đài, truyền hình cho tới các trang mạng xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền những tác hại của rác thải, khuyến khích tái chế, truyền thông cũng có những đóng góp nhất định trong việc phản ánh thực trạng, sai phạm tới người dân cũng như chính quyền các cấp để có biện pháp nhanh chóng khắc phục.

Cách nào khuyến khích người tiêu dùng tham gia chuỗi giá trị tái chế?
Chương trình Tái chế học đường với mục tiêu thu gom vỏ hộp sữa giấy để tái chế do Tetra Pak thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục cũng đang được đẩy mạnh. Ngoài những bài giảng về ô nhiễm và tập thói quen bảo vệ môi trường, nhiều chương trình do doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị giáo dục đã được triển khai, hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên cũng như các bậc phụ huynh, điển hình như chương trình Tái chế học đường của Tetra Pak; chương trình hợp tác với mGreen để nâng cao nhận thức của học sinh của Neslé Việt Nam

Truyền thông và giáo dục đã tạo ra hiệu quả lớn trong việc nâng cao nhận thức chung của xã hội về rác thải nhựa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNDP), người tiêu dùng tại 5 quốc gia xả thải rác nhựa hàng đầu thế giới (trong đó có Việt Nam) đang thiếu tính tiếp nối giữa suy nghĩ và hành động. Cụ thể, hơn 90% người tiêu dùng cho biết họ có nhận thức về vấn nạn ô nhiễm, nhưng chỉ có chưa đến 50% sẵn sàng thay đổi hành vi.

Giải quyết nạn xả rác bằng các biện pháp cứng rắn

Ở nhiều quốc gia phát triển, nhằm giữ vệ sinh môi trường, chính phủ đã ban hành nhiều hình phạt nghiêm minh cho các hành vi xả rác bừa bãi, điển hình như Singapore và Nhật Bản.

Việt Nam cũng đã có quy định xử phạt hành chính đối với việc xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, với mức phạt hành chính có thể lên đến 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng, thực thi quy định này vẫn còn lỏng lẻo, người dân vẫn cứ vô tư xả rác, còn chính quyền các cấp lại không có đủ nguồn lực để giám sát và xử lý sai phạm.

Cách nào khuyến khích người tiêu dùng tham gia chuỗi giá trị tái chế? 1
Người dân vẫn vô tư xả rác bừa bãi dù đã có quy định về mức xử phạt đối với các hành vi phá hoại môi trường.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề xuất về việc tăng cường lắp đặt các máy quay an ninh tại những địa điểm nóng, tăng cường tuần tra, xử lý kịp thời sai phạm nhưng vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn khi người dân cố tình lách luật, chọn điểm mù của máy quay hay tranh thủ đổ trộm rác vào ban đêm.

Một số địa phương cũng đã thí điểm phương pháp cử người quay lại hành vi xả rác để tiến hành xử phạt, bước đầu cũng đã nhận được hiệu quả khả quan.

Gắn bảo vệ môi trường với lợi ích thực tế

Bên cạnh xử phạt những hành vi vi phạm, nhiều chuyên gia cũng đề xuất giải pháp đặt lợi ích cho việc thu gom, phân loại và xử lý sơ rác thải của người tiêu dùng.

Thực tế, ở Việt Nam, nhiều hộ gia đình đã có ý thức trong việc phân loại, tích trữ rác thải tái chế được như bao bì, vỏ chai nhựa, kim loại hay rác điện tử để bán lại cho những người hành nghề buôn đồng nát. Điều này cũng góp phần không nhỏ làm giảm lượng rác thải rắn ở các địa phương.

Các nhà tái chế cho biết, không chỉ dừng ở mức thu gom hay phân loại mà họ còn mong muốn người tiêu dùng có thể xử lý sơ (rửa sạch, gấp gọn) những phế liệu trước khi được thu gom. Điều này khó có thể trông chờ vào ý thức của mỗi người, mà các doanh nghiệp, đơn vị thu gom, xử lý, tái chế cần đặt ra những biện pháp gắn liền với lợi ích.

Đại diện công ty giải pháp môi trường hàng đầu thế giới VEOLIA cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng những giải pháp tạo lợi ích để thúc đẩy người tiêu dùng tích cực tham gia vào quá trình tái chế, thông qua đa dạng các hình thức.

Những sáng kiến này đã gặt hái được nhiều thành công, nâng cao tỷ lệ cũng như chất lượng thu gom tái chế rác thải tại những quốc gia cũng đang nhức nhối về vấn nạn xả thải bừa bãi như Indonesia hay Colombia.

Các chuyên gia nhận định, việc đặt ra chính sách thu gom rác đổi lấy tiền hay phần quà nếu làm một cách có hệ thống và đảm bảo tính minh bạch sẽ góp phần hạn chế hiện tượng thu gom rác bừa bãi của những lực lượng phi chính thức.

Bên cạnh đó, các lực lượng phi chính thức cũng hoàn toàn có thể đóng góp vào hệ thống thu gom này nếu các chính sách thực sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.