Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 tại TP.HCM trước ngày 15/9

Nhật Hạ - 16:35, 10/08/2021

TheLEADERTP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trước ngày 15/9; các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước ngày 1/9 và các tỉnh, thành phố khác trước ngày 25/8.

Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 ngày 28/7 của Quốc hội khóa XV. 

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu: TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai kiểm soát được dịch trước 1/9. Các tỉnh, thành phố khác trước ngày 25/8.

Để đạt được điều này, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 được yêu cầu phải đảm bảo chặt chẽ, thực chất, "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc chặt ngoài, lỏng trong".

Các địa phương trong thời hạn 14 ngày đầu giãn cách xã hội phải xác định được cụ thể và bảo vệ thật chắc các "vùng xanh" (vùng an toàn); có biện pháp, lộ trình cụ thể để giảm cấp độ nguy cơ dịch bệnh tại các “vùng vàng” (nguy cơ), “vùng cam” (nguy cơ cao); khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao). Trong 28 ngày phải kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn, cô lập “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Đồng thời, các địa phương chủ động lên phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.  

Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dịch tại TP.HCM trước ngày 15/9
Trong 28 ngày giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn, cô lập “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Về áp dụng các biện pháp chống dịch, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động quyết định tương ứng với các mức độ nguy cơ theo Chỉ thị 15, 16, 19 với phương châm "có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn".

Các biện pháp chống dịch, đặc biệt là giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.

Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ tình hình thực tế, địa phương có thể áp dụng biện pháp như: hạn chế phương tiện giao thông; yêu cầu người dân tại một số khu vực không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó"; không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch.

Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.

Về xét nghiệm, Bộ Y tế hướng dẫn đảm bảo khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí. Bộ khuyến nghị về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm để địa phương chủ động mua sắm. Bộ tổ chức mua sắm tập trung vật tư, thiết bị theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.

Các địa phương xét nghiệm thần tốc những người có nguy cơ lây nhiễm cao, để phát hiện F0, phục vụ truy vết, phân loại, điều trị; tuyệt đối không bỏ sót, để F0 di chuyển đến các nơi, làm lây lan dịch ra cộng đồng.

Các địa bàn phong tỏa tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất. Những nơi mức độ lây lan rộng và sâu như TP.HCM và một số tỉnh lân cận cần đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, đảm bảo giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tử vong.

Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế hứớng dẫn về chuyên môn; địa phương tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp.

Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị oxy y tế (nhất là hệ thống oxy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong.

Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đẩy mạnh ngoại giao vaccine bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập vaccine, đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh, nhiều nhất, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Bộ Y tế phân bổ vaccine, ưu tiên địa phương nhiều người nhiễm và tử vong; dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh; đô thị lớn, đông dân; tập trung nhiều khu công nghiệp. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Y tế báo cáo Thủ tướng điều chỉnh hoặc chỉ đạo phân bổ. Bộ tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tìm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản, hướng dẫn tiêm miễn phí cho người dân.

Các cơ quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng; cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước. Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết.

Các bộ, ngành, địa phương duy trì sản xuất, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Cơ sở an toàn mới được phép hoạt động. Các đơn vị tạo điều kiện cao nhất để lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất giữa các tỉnh, thành; kiểm soát tại điểm đầu và điểm cuối.

Chính phủ sẽ có cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch bệnh. Bộ Tài chính, địa phương bố trí ngân sách đảm bảo kinh phí chống dịch. Các đơn vị cắt giảm tối thiểu một nửa chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ chống dịch của Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao); tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên còn lại năm 2020; thu hồi khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết để tập trung kinh phí chống dịch.

Bộ Ngoại giao vận động, thúc đẩy đối tác cung cấp vaccine đúng hoặc sớm hơn thời gian cam kết; tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế. Bộ chủ trì đề xuất chính sách xuất, nhập cảnh phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu, tham mưu việc công nhận và cho phép "hộ chiếu vaccine nước ngoài" được sử dụng tại Việt Nam.

Nghị quyết có hiệu lực từ 28/7 đến hết 31/12/2022.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 220.906 ca nhiễm Covid-19 trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, tại 62 tỉnh thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 128.285 ca; Bình Dương 31.851 ca; Long An 10.715 ca; Đồng Nai 8.811 ca.