Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022

Tùng Anh - 11:26, 01/04/2022

TheLEADERCác quy định liên quan đến người lao động, giảm thuế bảo mệ môi trường với xăng dầu, hướng dẫn giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa... là những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2022.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022
Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu ma-dút, dầu nhờn áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu ma-dút, dầu nhờn. Nghị quyết áp dụng từ ngày 1/4 đến 31/12/2022.

Theo đó, thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) giảm từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; thuế với dầu diesel, dầu ma-dút, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.

Thuế với mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; thuế với dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Riêng nhiên liệu bay thì thuế giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

Làm thêm không quá 60 giờ mỗi tháng

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/4/2022.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp: từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; mang thai từ tháng thứ bảy hoặc từ tháng thứ sáu  nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong một tháng.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng đối với lao động ngành du lịch

Thông tư 12/2022/TT-BTC có hiệu lực từ 9/4/2022 quy định doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch.

Cụ thể, người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng được hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa.

Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng được hỗ trợ không quá 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng.

Giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài

Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành ngày 14/2/2022 hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Về đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, thông tư này quy định nội dung đánh giá kết thúc gồm: Ttến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định, góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật; tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định; việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022.

Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa

Thông tư 05/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 8/2/2022 hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/4/2022.

Theo đó, phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty TNHH  một thành viên Mua bán nợ Việt Nam và/hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp tái cơ cấu có trách nhiệm thực hiện xử lý số cổ phần không bán hết theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Thông tư số 32/2021/TT-BTC. 

Trong đó, trường hợp không bán hết số cổ phần cho các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận sau khi bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán của cuộc đấu giá công khai theo quy định, ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ theo nguyên tắc thỏa thuận và giá bán cổ phần không thấp hơn mệnh giá.

Trường hợp Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định thì ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.