Chủ tịch FPT: Cách mạng 4.0 cho Việt Nam cơ hội đi tắt khúc cua để vượt lên

Kim Yến - 09:16, 11/11/2019

TheLEADERÔng Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT đã dành cho TheLEADER cuộc trò chuyện thấu đáo về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, nhằm hiện thực hoá giấc mơ về một Việt Nam thịnh vượng theo đúng nghĩa trọn vẹn của từ này.

Chủ tịch FPT: Cách mạng 4.0 cho Việt Nam cơ hội đi tắt khúc cua để vượt lên
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT.

Chính phủ đang cổ suý cho một Việt Nam thịnh vượng, một nền kinh tế tuần hoàn, ông đánh giá thế nào về nỗ lực chuyển hướng mang tính nhân văn này của Chính phủ?

Ông Trương Gia Bình: Cá nhân tôi nhận thấy chưa bao giờ Chính phủ và người dân Việt Nam lại có chung một khát vọng mãnh liệt đến thế - khát vọng vươn lên trở thành một quốc gia hùng cường, một quốc gia giàu có, văn minh và hạnh phúc. Vào thời điểm này, chính phủ đã và đang có những động thái quyết liệt để đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là điều thực sự đáng mừng.

Là một người đứng đầu một tập đoàn công nghệ, tôi có một niềm tin sâu sắc rằng công nghệ sẽ là nhân tố mới quy tụ và tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng chỉ cần có chung khát vọng lớn thì không có khó khăn nào người Việt Nam chúng ta không thể vượt qua.

Vai trò của công nghệ sẽ đóng góp thế nào cho một doanh nghiệp nhân văn, một thành phố nhân văn, và một đất nước nhân văn? Cụ thể thì vai trò của công nghệ được thể hiện như thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Với người dân, công nghệ sẽ giúp họ lao động, làm việc với năng suất và hiệu suất cao hơn, giúp họ cải thiện và khởi tạo một môi trường sống tốt đẹp hơn, giao thông thông suốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn, môi trường và chất lượng giáo dục được nâng cao, tiếp cận với chất lượng quốc tế, đặc biệt là mức sống, thu nhập bình quân ngày một tăng cao.

Vậy công nghệ có thể làm gì để biến khát vọng của người dân thành hiện thực? Với vấn nạn tắc đường, giao thông thông minh giúp người dân cập nhật thông tin một cách liên tục, tức thời về những điểm ùn tắc, khung giờ cao điểm để từ đó họ có thể lựa chọn cung đường phù hợp với khoảng thời gian ngắn nhất. Tương tự như vậy với y tế, thay vì phải xếp hàng ở bệnh viện hàng tiếng đồng hồ thì tương lai AI có thể dự báo với tình trạng đăng ký ngày hôm nay, bệnh nhân nên đến lúc nào thì ít phải chờ đợi nhất.

Thu nhập của người lao động bản chất dựa trên năng suất lao động mà cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng tạo ra sự vượt trội về năng suất lao động so với quá khứ, cho nên sẽ đem lại thu nhập ngày càng cao cho người lao động. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề quan trọng của Việt Nam khi về cơ bản nhiều năm nay năng suất lao động của chúng ta không tăng.

Chúng ta nói nhiều đến công nghệ 4.0, nhưng ít khi nói đến điều hành kinh tế cũng phải 4.0, văn hoá cũng phải 4.0, để có thể hiện thực hoá cuộc cách mạng này?

Ông Trương Gia Bình: 4.0 thực chất là dữ liệu và khai thác dữ liệu, có nghĩa là phải liên tục đổi mới, sáng tạo. Để tồn tại và phát triển thì mỗi người liên tục phải trả lời câu hỏi tôi cần dữ liệu gì và sẽ tự động hóa đến đâu để đạt được những mục tiêu hiệu quả nhất. Để có đổi mới sáng tạo thì mọi tổ chức con người cần phải liên tục học hỏi, nên cuộc cách mạng này thực chất là cuộc cách mạng với sự tham gia của tất cả mọi người.

Theo ông với trách nhiệm là một thành viên tích cực của tổ tư vấn Thủ tướng, chúng ta phải làm gì, để gìn giữ một nền văn hoá căn cốt giúp tâm ta bất biến giữa dòng đời vạn biến? Phải chăng đó mới là đích đến thực sự của một Việt Nam thịnh vượng, bền vững?

Ông Trương Gia Bình: Đây là một câu hỏi lý thú có chiều sâu 4.000 năm lịch sử. Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới bị đô hộ 4.000 năm mà vẫn giữ được bản sắc như Việt Nam. Cho nên cuộc cách mạng này vẫn không thể nào thay đổi được căn cốt của mỗi con người Việt Nam, đó là niềm tin của tôi.

Không thành công nào không phải trả giá đắt

Nhìn nhận lại lịch sử kinh thương Việt Nam, chúng ta đã từng sai lầm thế nào khi chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá? Cùng với đó là một tầng lớp doanh nhân chạy theo cơ hội, tích luỹ được một gia sản, nhưng điều đó sẽ nguy hiểm thế nào khi bước vào hội nhập?

Ông Trương Gia Bình: Cuộc cách mạng 4.0 đang cho Việt Nam cơ hội thay đổi vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Chúng ta là nước đi sau, chậm phát triển hơn, đã bao nhiêu năm qua chúng ta luôn có khát vọng là đuổi kịp vượt các nước bạn bè. Thế nhưng nếu không có khúc cua chúng ta chỉ có một cách đuổi kịp duy nhất là phải phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa. 

Cách mạng 4.0 chính là khúc cua đó. Cuộc cách mạng này cho chúng ta cơ hội đi tắt qua khúc cua để vượt lên. Nếu chúng ta không hành động quyết liệt vào lúc này, 15 năm nữa cánh cửa hy vọng tương lai sẽ khép lại, bởi lẽ cuộc cách mạng đã hoàn thành và sắp xếp xong trật tự. Lúc đó, Việt Nam sẽ là bãi rác thải của các cuộc cách mạng công nghiệp trước. 

Do đó, vào lúc này, trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam cực kỳ quan trọng, các doanh nghiệp phải là tấm gương chứng minh tính tiên phong, tính hiệu quả để làm ngọn cờ đầu cho xã hội noi theo.

Điểm lại những thương hiệu như FPT, Minh Long, Thaco, Vingroup, Tân Hiệp Phát, Bitas, Kinh Đô... ông thấy có những điểm chung nào đáng quý nhất, để có thể giúp họ vượt qua bao biến động của thời cuộc, của cơ chế, của môi trường sống... để lừng lững tiến về phía trước?

Ông Trương Gia Bình: Tôi thật may mắn quen biết và làm bạn với những người chủ của những tập đoàn như Minh Long, Kinh Đô, Thaco, Tân Hiệp Phát, Bitas… Vì vậy, tôi cũng được họ chia sẻ kinh nghiệm được đúc kết từ những thời điểm khó khăn mà họ đã trải qua. Không có thành công nào không phải trả giá và thành công càng lớn cái giá càng đắt, càng đau đớn.

Điều tôi ngưỡng mộ họ đầu tiên là khát vọng với niềm đam mê cháy bỏng và lòng tự tôn dân tộc. Anh Lý Ngọc Minh (Chủ tịch Công ty Gốm sứ Minh Long) - người “giữ hồn của đất” đã miệt mài 13 năm để hoàn thiện công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà chất lượng vẫn đạt chuẩn châu Âu. 

Anh Trần Bá Dương (Chủ tịch Tập đoàn Thaco), từ một người thợ sửa xe đã dám khát vọng bước chân vào ngành công nghiệp đẳng cấp của thế giới, nuôi khát vọng sản xuất ô tô thương hiệu Việt.

Người Việt từng bị nghi ngờ “đến cái kim còn không sản xuất được”, thế mà anh Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) đã nuôi chí quyết sản xuất xe ô tô và mang đi triển lãm tại Paris Moto Show. 

Hay như ông chủ của Tân Hiệp Phát, không bán doanh nghiệp mình với giá 2,5 tỷ USD cho nước ngoài, bởi với ông tiền dù lớn bao nhiêu cũng không thể sánh được niềm tự hào của doanh nghiệp Việt. Họ có quyền tự hào vì đã dám vượt lên những khó khăn, định kiến để sánh vai với những người khổng lồ trên thế giới.

Những thách thức mới nào đang đặt ra với các thương hiệu Việt trong thời đại 4.0, khi điều hành kinh tế, đời sống văn hoá, cung cách quản trị... chưa theo kịp với tốc độ của công nghệ, gây đổ vỡ không nhỏ cho các công cuộc cải cách, tái cấu trúc doanh nghiệp?

Ông Trương Gia Bình: Đời doanh nhân đã dấn thân là phải sẵn sàng trả giá, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn. Trong cộng đồng doanh nhân ngoài những doanh nhân có tinh thần liên tục khát vọng vươn lên, có một bộ phận tự hài lòng với những thành tựu của mình, đấy chính là sự hài lòng chết người.

Đất nước càng mở cửa, càng hội nhập thì mức độ cạnh tranh ngày càng cao và doanh nghiệp không thể ngủ quên trên chiến thắng. Nhưng thách thức sẽ còn lớn hơn nữa khi bước vào cách mạng 4.0, thời điểm mà kể cả những doanh nghiệp có quy mô lớn cũng đứng trước nguy cơ biến mất. 

Vì trong cuộc cách mạng này, không phải cá to ăn cá nhỏ mà là cá nhanh ăn cá chậm nên có thể nói doanh nghiệp cần có một văn hóa liên tục đổi mới, học hỏi sáng tạo. 

Cho nên, trong cuộc cách mạng này các doanh nghiệp Việt Nam không còn con đường nào khác là nhanh chóng bắt đầu tiến trình chuyển đổi số. Và để đạt được mục tiêu đó, trước hết lãnh đạo các doanh nghiệp phải trở thành các doanh nhân số thông qua những chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Những sai lầm mà các doanh nghiệp thường mắc phải trong giai đoạn chuyển tiếp từ quản trị thuận tiện sang quản trị khoa học, áp dụng công nghệ để tái cấu trúc doanh nghiệp?

Ông Trương Gia Bình: Là người sáng lập FPT từ thời điểm ban đầu, sau này có tham gia trong hiệp hội doanh nghiệp trẻ, hiệp hội phần mềm Việt Nam, tôi đã quan sát thấy những đổ vỡ, những thất bại trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Trong đó, có nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể làm ra lợi nhuận và nhiều người trở nên trắng tay mất cả nhà cửa. Có những doanh nghiệp đã thành đạt rồi nhưng sau đó khách hàng vẫn bỏ đi và có những doanh nghiệp do mất đoàn kết mà chia năm xẻ bảy.

Đấy là những vấn đề trong đời sống của doanh nghiệp. Vì vậy, để giúp cho doanh nghiệp có thể trường tồn, điều đầu tiên là doanh nghiệp phải sẵn sàng học hỏi, không chỉ lãnh đạo đi học mà cả nhân viên cũng phải được đào tạo liên tục. 

Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thành công, thất bại, triết lý kinh doanh, quản trị của FPT thông qua các chương trình đào tạo của Viện đào tạo quản trị kinh doanh FPT (FSB). Khi đã học được rồi thì phải biết áp dụng vào thực tiễn của doanh nghiệp và liên tục nâng cấp hệ thống quản trị, công cụ quản lý và giờ là các hạ tầng chuyển đổi số.

Việt Nam sẽ có những thương hiệu trăm năm tuổi

Để có được những thương hiệu trăm năm, đòi hỏi thế nào về chính sách điều hành vĩ mô, về quản trị doanh nghiệp, về đội ngũ giữ nghiệp để phát triển lên một tầm cao mới?

Ông Trương Gia Bình: Các giống loài trong thiên nhiên đều có tuổi thọ của mình. Có loài bất tử như sứa Turritopsis Nutricula, chúng có một khả năng đặc biệt là quay ngược vòng đời của mình từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển. Nhưng cũng có những loài chỉ sống được 1 ngày, 1 tuần hay 3 tuần như bộ sinh vật phù du.

Doanh nghiệp cũng vậy. Có những doanh nghiệp chỉ vài năm tuổi nhưng cũng có những doanh nghiệp cả nghìn năm tuổi. Làm thế nào để doanh nghiệp có thể trường tồn hàng trăm năm tuổi là bài toán lớn và rất khó.

Trong hơn 30 năm qua, FPT đã học bài học từ thiên nhiên và xã hội, tất cả các cuộc cạnh tranh trường tồn trên thiên nhiên đều dựa trên cấu trúc về gen. Chúng tôi đã xây dựng cho FPT một bộ gen với mong muốn công ty trường tồn hơn tuổi đời của những người sáng lập.

Bộ Gen đó được gói gọn trong 6 chữ “Sâu – Sáng – Tuyệt – Thông – Phong”. Sâu ở đây có nghĩa là có triết lý doanh nghiệp sâu sắc, Sáng nghĩa là xây dựng một đội ngũ lãnh đạo tài năng, quản lý xuất sắc, Tuyệt nghĩa là chất lượng sản phẩm, dịch vụ tuyệt hảo, Thông nghĩa là cần có hệ thống thông tin trong doanh nghiệp vững vàng, là cơ sở, công cụ quản lý, còn Phong nghĩa là những giá trị văn hóa tinh thần phong phú cho cán bộ nhân viên.

Ông có thể chia sẻ về con đường tương lai của FPT, để có thể trở thành thương hiệu trăm năm?

Ông Trương Gia Bình: Năm 2018, FPT kỷ niệm 30 năm tiên phong. Trong 30 năm ấy, 10 năm đầu chúng tôi đã tiên phong áp dụng công nghệ với mục tiêu tin học hóa hầu hết các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. 20 năm tiếp theo chúng tôi đã mở lối cho xuất khẩu phần mềm, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.

Để giữ được FPT 100 năm và lâu hơn nữa, FPT phải giữ được lòng tự hào Việt Nam, phải giữ được khát vọng Việt, không ngừng phấn đấu vươn lên để bình đẳng với các tập đoàn hàng đầu của thế giới về chuyển đổi số. FPT phải tiếp tục không ngừng học hỏi, đổi mới, tạo dựng các giá trị ngày càng lớn hơn cho khách hàng của mình.

Trong giai đoạn tiếp theo, FPT đặt cho mình sứ mệnh “vì một Việt Nam hùng cường”. Chúng tôi đã nhận nhiệm vụ dẫn dắt Chuyển đổi số với 3 cam kết cụ thể. Thứ nhất là Phát triển hạ tầng số (Digital Platform) để giảm thời gian chuyển đổi số cho các công ty từ 35-50%, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. 

Thứ 2 là Chia sẻ kiến thức, phương pháp luận và công cụ chuyển đổi số cho các công ty công nghệ Việt Nam để thúc đẩy quy mô của chuyển đổi số lớn hơn nhiều lần. Thứ 3 là Cam kết đào tạo nguồn nhân lực số để triển khai sâu rộng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chúng tôi cam kết đào tạo 50.000 nhân lực số cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, FPT cũng cần phải thay đổi, đó là tăng tính kỷ luật.

Những chiến lược đắc địa nào đã giúp FPT mở rộng tầm mức hoạt động và lớn mạnh vượt trội so với tốc độ thông thường của một doanh nghiệp?

Ông Trương Gia Bình: Đó chính là tinh thần tiên phong. Ngay từ ngày đầu thành lập, FPT đã đặt cho mình sứ mệnh “bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia”.

Tại thời điểm này, Việt Nam đang quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội cơ hội từ cuộc các mạng 4.0 và với vai trò là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, chúng tôi cam kết tiên phong dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Và FPT sẽ hiện thực hóa mục tiêu Top 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới trong 10 năm tới. Theo xếp hạng của Gartner thì chúng tôi đang đứng thứ 180.

Làm thế nào để FPT có thể biến một doanh nghiệp phát triển vượt bậc thành một doanh nghiệp tốt, có trách nhiệm với cộng đồng, với chính mình, với nhân viên của mình?

Ông Trương Gia Bình: Là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT luôn hiểu rõ bên cạnh việc đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, FPT phải tiên phong trong các hoạt động công nghệ, mang đến những giải pháp tối ưu cho khách hàng, tăng trưởng bền vững và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0

Những quy tắc nào đã giúp ông dẫn dắt FPT tiên phong trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin trong suốt hơn 30 năm qua và luôn luôn thay đổi bắt kịp cũng như đi trước một bước trong những xu hướng mới nhất của ngành?

Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi xuất phát từ những nhà khoa học đi làm kinh doanh. Nên nhiều khi gặp vấn đề trong kinh doanh chúng tôi luôn coi đó là những bài toán mà mình cần phải tìm lời giải. Mà một bài toán thường có những phương pháp giải khác nhau. Chính phương pháp khoa học và tư duy phản biện đó đã giúp chúng tôi liên tục tạo ra sự khác biệt.

Một nguyên tắc nữa là đứng trên vai những người khổng lồ, từ ngày đầu, FPT đã luôn hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới. Hiện chúng tôi đang là đối tác của gần 100 tập đoàn trong danh sách 500 công ty lớn nhất toàn cầu (Fortune Global 500).

Làm thế nào để anh giữ mình luôn tươi mới, tràn đầy tình yêu thương?

Ông Trương Gia Bình: Tôi xuất phát từ một nhà khoa học đi làm kinh doanh. Vì thế với tôi, kinh doanh cũng là một cách để chúng tôi được thể hiện tình bạn, tình yêu thương và tinh thần không ngừng học tập.

Khi máy có thể học, và có thể làm việc gấp nhiều lần bộ não của con người, thì con người cần phải làm gì để an nhiên, tự tại?

Ông Trương Gia Bình: Những gì mà con người có thể ra quyết định không cần suy nghĩ trong vòng 10s thì nên để máy móc thực hiện, vừa giúp tăng năng suất lao động vừa giúp con người giải phóng nguồn lực dành thời gian cho những công việc ở công đoạn cao hơn.

Mục đích sống của anh là gì? Điều gì giúp anh có động lực sống mãnh liệt nhất?

Ông Trương Gia Bình: Sức sống của tôi gắn liền với đam mê và khát vọng.

Anh có thể chia sẻ điều gì với thế hệ doanh nhân thời 4.0 này về chính mình, về tương lai, và về thế giới?

Ông Trương Gia Bình: Vận hội đã đến, các doanh nhân hãy nhanh chóng nắm bắt và làm chủ cơ hội, cống hiến hết mình và tạo nên thành công.