Chủ tịch VCCI: EVFTA đánh thức doanh nghiệp còn trong ‘vòng tay bảo hộ’

Minh Nhật - 20:27, 14/02/2020

TheLEADERÁp lực cạnh tranh cao hơn trong Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được đánh giá là cơ hội cho doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định.

Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu tán thành Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

Hiệp định thương mại sẽ chính thức có hiệu lực nhiều nội dung sau khi Việt Nam tiến hành bỏ phiếu trong thời gian tới.

Đây được xem là dấu mốc quan trọng, là hòn đá tảng trong chính sách kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, là “trái ngọt” của chặng đường dài mà hai bên đã trải qua.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, EVFTA và IPA tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới về cả quy mô lẫn trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt và nền kinh tế đạt tới những chuẩn mực cao nhất của thế giới trong thương mại, đầu tư.

Việc mở cánh cửa sang thị trường châu Âu giúp Việt Nam có một cơ cấu xuất nhập khẩu, đầu tư cũng như cơ cấu kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống xung quanh, giúp nền kinh tế có thể phát triển bền vững trong tương lai, ông Lộc đánh giá tại tọa đàm “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ”.

Chủ tịch VCCI: EVFTA đánh thức doanh nghiệp còn trong ‘vòng tay bảo hộ’
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) cũng như sự thay đổi chính sách thương mại của các nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, dự kiến tăng thêm gần 43% vào năm 2025 và khoảng 44% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.

Cánh cửa rộng mở sang EU sẽ thúc đẩy một số mặt hàng gia tăng xuất khẩu hơn nữa, ví dụ nông sản như gạo, đường, thịt lợn, lâm sản, thịt gia súc gia cầm hay chế biến chế tạo như dệt (dự kiến tăng 67%), may mặc (81%), da giày (99%).

Tại tọa đàm, ông Lộc cho biết ngoài những ngành hàng hưởng lợi, Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn trong một số lĩnh vực như phương tiện vận tải, sắt thép, dược phẩm hay nông sản chế biến.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh được đánh giá vừa với sức vươn lên của doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp phải chấp nhận đương đầu với sự cạnh tranh này và phải nỗ lực, cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình chứ không thể chờ đợi vào sự bảo hộ”, ông Lộc nhấn mạnh.

Lịch sử mở cửa của Việt Nam cho thấy những lĩnh vực sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, từ bỏ bảo hộ sớm thì đến nay có được năng lực cạnh tranh cao. Ngược lại, “những lĩnh vực luôn trong sự ôm ấp của vòng tay bảo hộ thì không phát triển được”, vị Chủ tịch VCCI phân tích.

Kết quả trên chính là bài học từ hành trình mở cửa trong những năm vừa qua để cộng đồng doanh nghiệp rút kinh nghiệm, xác định và tạo ra tinh thần mới trong giai đoạn hội nhập. Hội nhập được nhận định không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp lớn, của các tập đoàn mà sẽ là việc của cả cộng đồng doanh nghiệp, không loại trừ hộ nông dân hay các hộ kinh doanh cá thể.

Mở "cao tốc" giữa chính quyền với doanh nghiệp

Mặc dù phần lớn mặt hàng sẽ được giảm thuế khi Việt Nam xuất khẩu sang EU nhưng để đạt được ưu đãi lại là hành trình gian nan trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất chủ yếu đến từ Trung Quốc và ASEAN.

Ngoài vấn đề xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật và quy định vệ sinh dịch tễ của châu Âu cũng rất cao mà không nhiều doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng, ông Lộc cho hay. Do đó, cần nhiều hơn nỗ lực đầu tư và quy trình quản lý nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường lớn này.

Tuy vậy, nền tảng của những vướng mắc trên chính là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà rộng ra, chính là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Ông Lộc nhấn mạnh muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh, liên quan đến nỗ lực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp.

“Chúng ta mở con đường cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp, mở con đường cao tốc để thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam”.

Theo ông, khi Chính phủ gỡ được thể chế, tạo điều kiện về thể chế thì doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, sẽ có những cách thức huy động nguồn lực và sự nghiệp giáo dục đào tạo để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẽ có cách thức huy động nguồn vốn toàn dân để đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng.