Chủ tịch VCCI: ‘Không chỉ phát triển kinh tế bằng trí thông minh mà bằng cả trái tim’

Đức Duy - 08:43, 27/06/2019

TheLEADERTiến sỹ Vũ Tiến Lộc cho rằng phát triển bền vững như một giấy thông hành cho doanh nghiệp hội nhập thị trường toàn cầu.

Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, từ khi Đổi mới đến nay, có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc thoát nghèo và trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình.

Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng theo chiều rộng rất thành công và bây giờ là lúc chuyển đổi sang chiến lược phát triển theo chiều sâu và định hướng phát triển bền vững chính là tầm nhìn cơ bản nhất ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới hiện nay, tầm nhìn phát triển bền vững, nền tảng phát triển bền vững vẫn đang là nền tảng chung, xu hướng chung của thế giới hiện đại.

“Tinh thần phát triển bền vững, tầm nhìn phát triển bền vững đang trở thành kế hoạch hành động của mọi cấp mọi ngành, trong đường lối phát triển kinh tế của chúng ta, trong kế hoạch phát triển kinh tế của chúng ta và trong chương trình hành động của mọi cơ quan, mọi tổ chức”, ông Lộc khẳng định.

Theo ông, phát triển bền vững là một mô hình phát triển đảm bảo cân đối giữa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường.

“Chúng ta đang nói tới nền kinh tế thông minh, nói đến sự phát triển bứt phá. Nhưng để phát triển bền vững, chúng ta không chỉ phát triển một nền kinh tế bằng trí thông minh mà bằng cả trái tim mình”, vị Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Phát triển bền vững là sự phát triển trên cơ sở hướng tới mục tiêu lợi nhuận nhưng với tình yêu con người và “không được làm đau Trái Đất”, phải đặt con người làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển và phải thân thiện với môi trường.

Chủ tịch VCCI: ‘Không chỉ phát triển kinh tế bằng trí thông minh mà bằng cả trái tim’
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại Diễn đàn VBF. Ảnh Quốc Tuấn.

Phát triển bền vững được đánh giá là chuẩn mực tuyệt đối mà các doanh nghiệp phải tuân thủ bởi các doanh nghiệp hiện nay trên thế giới, các chuỗi giá trị toàn cầu, người tiêu dùng, nhà đầu tư không chỉ chọn sản phẩm có chất lượng cao, có giá cả tốt mà còn quan tâm tới quá trình sản xuất có đảm bảo tính nhân văn hay không, có gây tổn hại tới môi trường hay không.

Ông Lộc cho rằng doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn ban đầu như chi phí cho công nghệ, thiết bị hướng tới nền kinh tế xanh.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh sẽ mang lại lợi nhuận dài hạn và ổn định hơn cho các doanh nghiệp bởi xu thế chung của thế giới hiện nay là phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu phải đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững như một tiêu chuẩn về kỹ thuật mà doanh nghiệp phải vượt qua, như một tờ giấy thông hành.

Ông Lộc nhấn mạnh: “Một doanh nghiệp không phát triển bền vững sẽ không có khách hàng, không có đối tác, không có thị trường và trước sau thì cũng sẽ thất bại”.

Đầu tư ban đầu có thể khó khăn nhưng triển vọng dài hạn sẽ bền vững. Đây là vấn đề tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tồn tại, muốn trụ được, muốn hội nhập được hiện nay.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn nền kinh tế Việt Nam nhưng với kỷ nguyên số, với sự trợ giúp của thương mại điện tử, các doanh nghiệp này cũng có thể tham gia vào thị trường toàn cầu và cũng đứng trước áp lực trên toàn cầu.

Muốn chiến thắng và muốn hòa nhập được trong môi trường như vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải đạt tới cái chuẩn mực toàn cầu, phải quốc tế hóa được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ của thị trường.

Vị Chủ tịch VCCI nhận định: “Một trong những visa để doanh nghiệp thông hành được vào thị trường toàn cầu đó chính là mô hình phát triển bền vững”.