Chuyện CEO Mobiistar giải mã thị trường di động Ấn Độ

Việt Hưng - 11:54, 25/03/2019

TheLEADERChính thức ra mắt thị trường Ấn Độ vào cuối tháng 5/2018, Mobiistar là thương hiệu điện thoại Việt Nam hiếm hoi thực hiện thành công ước mơ "ra biển lớn".

TheLEADER đã có cuộc trao với ông Ngô Nguyên Kha - đồng sáng lập & CEO Mobiistar, sau dấu mốc 10 tháng thương hiệu điện thoại Việt Nam gia nhập thị trường Ấn Độ.

Chào ông Kha. Sau gần 10 tháng thương hiệu điện thoại Việt Nam - Mobiistar gia nhập thị trường Ấn Độ, cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

Ông Ngô Nguyên Kha: Có thể nói, cảm xúc của tôi lúc này là "có niềm tin". Thực tế, công đoạn chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường mới đã được chúng tôi thực hiện từ vài năm trước, khi thị trường di động Việt Nam xuất hiện dấu hiệu cho thấy, các ông lớn sẽ chiếm hết mọi nguồn lực, dùng sức mạnh để thâu tóm thị phần từ các đối thủ nhỏ hơn.

Chúng tôi khi đó đặt mục tiêu phải làm cho thương hiệu Mobiistar lớn lên nhiều lần. Mà muốn vậy, Mobiistar cần phải có một thị trường lớn bên ngoài Việt Nam, đáp ứng tiêu chí vừa đủ lớn để tập hợp sự hỗ trợ của chuỗi cung ứng, vừa khai thác được thế mạnh về sản phẩm của Mobiistar, cũng như các giải pháp khai thác thị trường, tổ chức triển khai hệ thống phân phối.

Kết quả là sau 10 tháng triển khai, bước đầu chúng tôi tin là mình làm được. Bởi những gì tính toán đã diễn ra như dự tính. Tuy nhiên, cũng còn cả một trời khó khăn phía trước, vì sức ảnh hưởng của Mobiistar vẫn còn khiêm tốn, mà thị trường Ấn Độ thì quá lớn, tất cả các thương hiệu điện thoại danh tiếng đều tập trung vào việc dành thị phần ở đó.

Cụ thể, những khó khăn đó là gì, thưa ông?

Ông Ngô Nguyên Kha: Đầu tiên, tôi phải khẳng định, Ấn Độ là thị trường cực lớn, đất nước này rộng như một châu lục với 29 bang và dân số đạt khoảng 1,34 tỉ người. Do đó, giải bài toán về độ phủ thị trường không hề đơn giản.

Thứ hai, đây là thị trường có nhiều khác biệt so với bên ngoài, không thống nhất vì sự đa dạng về văn hoá ngôn ngữ và thói quen tiêu dùng mỗi vùng mỗi khác.

Thứ ba, do thị trường lớn và hấp dẫn, các hãng điện thoại danh tiếng đã tập trung nhiều nguồn lực tại đây. Trước đó, các thương hiệu địa phương nhỏ lẻ đã bị đánh bật trong giai đoạn 2016 - 2017. Mobiistar tham gia vào thị trường Ấn Độ cũng gặp những khó khăn tương tự như các thương hiệu địa phương.

Chuyện CEO Mobiistar giải mã thị trường di động Ấn Độ
Ông Ngô Nguyên Kha - đồng sáng lập & CEO Mobiistar

Như ông chia sẻ, trước mắt Mobiistar là rất nhiều bài toán đan xen. Vậy những kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam liệu có thể giúp ích gì cho Mobiistar tại Ấn Độ?

Ông Ngô Nguyên Kha: Chắc chắn là có. Đầu tiên là khả năng đọc vị người tiêu dùng. Với những kinh nghiệm trước đó tại thị trường Việt Nam, Mobiistar đã nhanh chóng bắt kịp thị hiếu của người dùng Ấn Độ. Bên cạnh đó, với những mối quan hệ có sẵn, chúng tôi được hỗ trợ khá nhiều từ các đối tác công nghệ và nhà cung cấp linh kiện.

Duy có cái khó ở Việt Nam là thị trường nhỏ, sản lượng không đủ để thu hút sự tập trung của họ, thì sang Ấn Độ chúng tôi tự tin đặt hàng nhiều và các đối tác cũng thấy mình làm được, nên giải quyết tốt khâu cung cấp hàng.

Ngoài ra, những kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống quản trị, bán hàng ở Việt Nam cũng được Mobiistar mang ra áp dụng khi xây dựng ở Ấn Độ. Có thể nói, hệ thống quản trị bán hàng, quản trị chất lượng sản phẩm, quản lý bảo hành chăm sóc khách hàng của Mobiistar Việt Nam đã được xây dựng tốt từ nhiều năm. Cho nên, chúng tôi mang tất cả những gì có được từ Việt Nam sang Ấn Độ, mở rộng quy mô lên 10 lần và bổ sung các nghiệp vụ theo thị trường Ấn và có được hệ thống quản trị bán điện thoại rất tốt, chạy ổn. Kết quả là các đối tác tại Ấn Độ rất tin tưởng vào một công ty có chiến lược thị trường, có sản phẩm và có hệ thống quản trị tốt như Mobiistar.

Vậy còn chiến lược đưa điện thoại Việt "đi thật xa để trở về", như trước kia ông từng chia sẻ?

Ông Ngô Nguyên Kha: Gọi là chiến lược thì có lẽ hơi quá. Đó đơn giản là một mong ước của tôi khi đưa thương hiệu Mobiistar ra thị trường lớn, được phát triển lớn lên thì đủ lực để quay về cạnh tranh với các thương hiệu điện thoại đang khuynh đảo thị trường di động Việt Nam.

Thực tế, Mobiistar đã phát triển ổn định trong giai đoạn 2012 - 2016 do cách làm đúng. Nhưng vì quy mô thị trường Việt Nam, cũng như các nguồn lực còn khá hạn chế, nên bản thân Mobiistar cũng khó tăng trưởng như kì vọng.

Bằng cách tiến ra các thị trường bên ngoài, áp dụng những công thức thành công đã làm được tại Việt Nam, thu hút các nguồn lực hỗ trợ để có sản lượng lớn, Mobiistar đã trở thành thương hiệu quốc tế, có khả năng chinh phục khách hàng ở nhiều phân khúc, sản phẩm đa dạng… Do đó, bản thân chúng tôi đang dần cảm thấy những bước "đi thật xa" bắt đầu vững vàng hơn.

Với Mobiistar, ông đặt mục tiêu gì sau bước "đi thật xa" tại thị trường di động Ấn Độ?

Ông Ngô Nguyên Kha: Khi mới đặt chân vào thị trường này, chúng tôi bàn nhau hướng đến mục tiêu Mobiistar sẽ lọt top 5 nhà sản xuất lớn nhất trên thị trường. Nhưng khi nhìn kĩ các số liệu thị trường, đặc biệt là phân khúc điện thoại dưới 3 triệu đồng chiếm đến hơn 50%, chúng tôi quyết định chỉ nhắm vào phân khúc này. Tôi tin rằng, top 5 trong phân khúc này sẽ mang lại cho Mobiistar khoảng 5% thị phần. Với một thương hiệu chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang, tôi nghĩ con số trên đây khá ổn.

Chuyện CEO Mobiistar giải mã thị trường di động Ấn Độ 1
Mobiistar đặt mục tiêu top 5 phân khúc điện thoại 3 triệu đồng tại Ấn Độ

Mobiistar sẽ làm gì để cụ thể hóa những mục tiêu đó, thưa ông?

Ông Ngô Nguyên Kha: Trước mắt, chúng tôi đã lên kế hoạch tập trung xây dựng dãy sản phẩm phù hợp với phân khúc mình chọn, trải kín các điểm giá để phục vụ các cửa hàng bán lẻ trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.

Chúng tôi cũng tập trung vào hoạt động phân phối, cộng tác với hơn 600 nhà phân phối, cung cấp hàng cho khoảng 40.000 điểm bán lẻ (tính cho đến tháng 3/2019).

Đi kèm với đó là hệ thống quản trị hiện đại, bám sát hệ thống phân phối, cung cấp thông tin quản trị đầy đủ, kịp thời để ra quyết định nhanh, chính xác.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng các chiến dịch Marketing theo sản phẩm, chủ yếu là kể những câu chuyện tạo tình yêu với thương hiệu Mobiistar. Bản thân người Ấn Độ vốn trọng tình cảm, nên những câu chuyện lay động cảm xúc thường được yêu thích. Chúng tôi đã thực hiện 3 chiến dịch TVC, thì có 2 chiến dịch lọt vào top 10 các TVC được xem nhiều nhất trong tháng, dựa trên bảng xếp hạng của Youtube Ấn Độ.

Vậy chiến lược về nhân sự sẽ như thế nào, thưa ông? Mobiistar có kế hoạch gì để tuyển mới, cũng như đào tạo các nhân sự tại Ấn Độ?

Ông Ngô Nguyên Kha: Mobiistar với tư cách là "người phương xa" mới đến, nên việc xây dựng lực lượng ở thị trường lớn và phức tạp như Ấn Độ không hề đơn giản.

Đầu tiên, Mobiistar đã chiêu mộ được một Giám Đốc Nhân Sự giàu kinh nghiệm. Anh ấy đã giúp tôi hiểu nhiều điều về thị trường lao động bản địa, đồng thời xây dựng được chiến lược nhân sự phù hợp. Từ chiến lược này, Mobiistar đã chiêu mộ được thêm những nhân sự có kinh nghiệm 10 - 15 năm trong lĩnh vực kinh doanh phân phối điện thoại. Đặc biệt, nhóm nhân sự Marketing của Mobiistar được đánh giá cao, nhờ sở hữu bề dày kinh nghiệm, cũng như hiểu biết về thị trường.

Riêng với nhóm làm sản phẩm và hệ thống quản trị, toàn bộ đội ngũ từ Việt Nam được đưa sang Ấn Độ. Với Mobiistar, đây là nhóm nhân sự "lõi", nên khó lòng thay thế bởi nhân sự nước bạn.

Với tất cả những kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài, ông có lời khuyên gì cho các đơn vị khởi nghiệp trong nước hiện tại?

Ông Ngô Nguyên Kha: Thú thật, tôi không phải là chuyên gia khởi nghiệp, nên không thể chia sẻ nhiều. Ở đây, tôi chỉ nói từ kinh nghiệm bản thân, thì thấy khâu chuẩn bị tốt về năng lực lõi, về ngôn ngữ là rất quan trọng.

Ví dụ như các thành viên Mobiistar đang đồng hành cùng tôi, bản thân các bạn đã được huấn luyện qua công việc chừng 4 - 5 năm, cọ xát nhiều, nói tiếng Anh tốt để "chiến đấu" được trong mọi tình huống.

Và điều quan trọng nữa là chúng ta phải mạnh dạn bước ra ngoài. Cá nhân tôi thấy mình "liều mạng" khi mang thương hiệu Mobiistar sang Ấn Độ. Nhưng tôi cũng thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc, họ đã đi khắp nơi. Nhân viên của họ cũng trẻ và chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng không ngại va chạm và học hỏi. Do đó, tôi mong được đi cùng nhiều người trẻ của Việt Nam trong làn sóng mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.