Chuyển đổi số nhìn từ chuyện Vinfast, Vinamilk, FPT...

Quỳnh Như - 09:04, 03/09/2018

TheLEADERCác ngành như tài chính ngân hàng, du lịch – logistic, y tế, giáo dục đang có hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ nhất

Chuyển đổi số nhìn từ chuyện Vinfast, Vinamilk, FPT...
Các diễn giả trong hội thảo

Theo ông Võ Tân ThànhPhó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu ứng dụng công nghệ - chuyển đổi số và có được hiệu quả đáng ghi nhận như Vinamilk, FPT, Vinfast.

“Tôi đánh giá rất cao Vinfast, một doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng số, dây chuyền sản xuất của các nhà máy trong tổ hợp Vinfast có khả năng tự động hóa rất cao. Ở xưởng hàn họ có tới 4.200 robot, các xưởng khác như sơn – lắp ráp mức độ tự động hóa cũng rất cao. Các đối tác lớn của Vinfast đều đến từ Đức như Bosch, BMW, Đức chính là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Thành nhận xét trong hội thảo về chuyển đổi số do VCCI vừa tổ chức. 

Trong vài năm gần đây, Vinamilk - doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho công cuộc chuyển đổi số. Vinamilk vừa đổ ra 2.400 tỷ đồng để chuyển đổi các dây chuyền sản xuất của mình sang tự động hoá. 

FPT cũng luôn tích cực áp dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh và quản trị công ty, cung ứng nhiều giải pháp số tiện ích cho các cá nhân lẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các ngành như tài chính – ngân hàng, du lịch – logistic, y tế - giáo dục là những lĩnh vực có hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ nhất, ông Thành cho biết.

Theo Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank: “Ngân hàng luôn là ngành đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam, để tạo ra mảng tài chính số, ngân hàng số, luôn cố gắng áp dụng những công nghệ cao nhất để phục vụ. 

Muốn có kinh tế số trước hết phải có ngân hàng số. Các doanh nghiệp muốn số hóa trước hết phải có ngân hàng số hóa. Hiện tại, mảng ngân hàng số tại Việt Nam đã khá hoàn thiện, các doanh nghiệp đã – đang – chưa chuyển đổi số đều có thể sử dụng”.

Ngân hàng số hiện có những dịch vụ như: e-banking – hỗ trợ rất tốt cho ngành thương mại điện tử với app có thể giao dịch online 24/7, vay tiêu dùng online, gửi tiết kiệm online, bảo lãnh online…

Số hóa ngân hàng không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp mà còn giúp kết nối hệ sinh thái: hỗ trợ thanh toán và thu hồi tiền. Các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác chỉ cần thực hiện quá trình ở giữa: sản xuất, dịch vụ, lưu thông hàng hoá.

Tuy nhiên, với ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TP. HCM thì thứ gây ấn tượng nhất không phải là Vinfast hay ngành ngân hàng, mà là giá trị xuất khẩu của các chủ thể chính trong hoạt động chuyển đổi số: các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho mảng xuất khẩu phần mềm là vào năm 2020 phải đạt giá trị 1 tỷ USD. “Theo tôi, ngành công nghệ phần mềm hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đó vì hiện tại giá trị xuất khẩu phần mềm đã vào khoảng 768 triệu USD”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng chuyển đổi số, gia tăng hơn nữa lượng hàng hoá xuất khẩu, cả phần mềm lẫn phần cứng vì giá trị gia tăng trong xuất khẩu của ngành công nghệ thông tin luôn cao nhất trong tất cả các ngành.

Nếu Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1 tỷ USD phần mềm sẽ thu về 700 triệu USD, sau khi trừ các chi phí, tiền lời vào khoảng 500 triệu USD, trong khi đó để mang về số tiền lời như thế, ngành dệt may cần phải xuất khẩu tầm 5 tỷ USD giá trị hàng hóa. Đó là còn chưa kể xuất khẩu phần cứng hay các doanh nghiệp về công nghệ thông tin tạo ra lợi thuận trong nước ở cả phần cứng lẫn phần mềm.