Chuyên gia đề xuất giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán

Dũng Phạm - 18:23, 10/10/2023

TheLEADERTheo TS. Cấn Văn Lực, cần tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán có thể tự thẩm định rủi ro và tự quyết định các vấn đề ký quỹ cho từng giao dịch nhờ áp dụng các chế tài phạt tiền, xử lý tài sản giúp giải quyết những vướng mắc về nội dung ký quỹ trước giao dịch. Đây là tiêu chí lớn nhất khiến Việt Nam chưa thể nâng hạng thị trường.

Với các tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell, Việt Nam có thể bị loại ra khỏi danh sách xem xét nâng hạng nếu không đưa ra được giải pháp cải cách thị trường. Nếu việc này xảy ra sẽ rất đáng tiếc, bởi Việt Nam chỉ còn thiếu 2 tiêu chí là vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Do đó, trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán prefunding với việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (theo Thông tư 120 của Bộ Tài chính).

Phát biểu tại hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và minh bạch thông tin của công ty niêm yết” vừa được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ quan điểm về vấn đề prefunding, hiện đang vướng mắc lớn nhất đối với các nhà quản lý thị trường.

Cách kiểm soát rủi ro đối với "bài toán" ký quỹ trước giao dịch
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ quan điểm tại hội thảo

Thực tế, ngoài những nội dung về công bố thông tin hay chuẩn mực kế toán được các chuyên gia đề cập trên các phương tiện truyền thông, ông Lực nhấn mạnh vấn đề yêu cầu bắt buộc ký quỹ trước khi thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, ông cũng đặt câu hỏi về việc liệu có thể xảy ra các sai sót và rủi ro hệ thống nếu chúng ta không thực hiện cơ chế này. Trên thực tế, các công ty chứng khoán có thể không cần yêu cầu ký quỹ nhưng buộc phải có biện pháp kiểm soát rủi ro như trường hợp nhiều ngân hàng hiện vẫn giải ngân cho vay theo dòng tiền mà không cần có tài sản đảm bảo – ông Lực nêu lên một ví dụ tương đồng từ ngành ngân hàng.

Theo số liệu thống kê, hiện trên thế giới thì tỷ lệ rủi ro các nhà đầu tư từ chối thanh toán khi đến hạn chỉ ở mức khoảng 2% , câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà quản lý có chấp nhận được mức rủi ro này?

Thêm nữa, ông Lực cũng nêu hai thị trường gần nhất đã nâng hạng thành công là thị trường Kuwait (2020) và Arab Saudi (2018) dù không cần áp dụng các tiêu chuẩn ký quỹ. 

Theo đó, các nhà lãnh đạo thị trường ở 2 quốc gia này đã áp dụng những biện pháp riêng như nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tránh tối đa các sai sót chậm trễ có thể xảy ra.

Đồng thời, các cơ quan quản lý bắt buộc thực hiện kiểm soát hành vi để các nhà đầu tư không thể “bùng” thanh toán bằng cách tăng mạnh chế tài phạt tiền với mức phạt có thể từ 1.000 – 3.000 USD/giao dịch hoặc 0,1% - 0,5% số tiền giao dịch, tùy quy mô thanh toán.

Đặc biệt, ông Lực cũng tập trung nêu rõ khả năng tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán có thể tự thẩm định rủi ro và tự quyết định vấn đề yêu cầu ký quỹ cho từng giao dịch. 

Khi đó, các tổ chức này sẽ được phép tự quyết định từng nhóm khách hàng cần yêu cầu ký quỹ với mức tỷ lệ phù hợp như cách các ngân hàng đang tiến hành thẩm định các khoản cho vay thế chấp/tín chấp hiện nay. 

Đồng thời, điều này cũng cho phép các công ty chứng khoán tự thiết lập cơ chế xử lý rủi ro và khả năng chủ động thanh lý tài sản (các loại chứng khoán, tài sản thế chấp, tiền ký quỹ …) khi có giao dịch thất bại.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Minh Tuấn – Phó chủ tịch Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng thực tế hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã chủ động cung cấp dịch vụ prefunding đối với từng đối tượng khách hàng theo nhiều cách, dù quy định chưa thực sự cho phép.

Ông Tuấn cũng liên hệ vấn đề prefunding cũng giống việc áp dụng cho vay ký quỹ (margin) qua các hợp đồng hợp tác đầu tư trước đây trong thời kỳ thị trường còn sơ khai – như một biện pháp “lách luật” của các tổ chức khi mà cung và cầu đều tồn tại nhưng các biện pháp quản lý được đưa ra chưa thể theo kịp tốc độ phát triển của thị trường.

Như vậy, việc nâng quyền hạn thực hiện, quản lý quy trình thanh toán và kiểm soát rủi ro cho các công ty chứng khoán thành viên cũng khiến chính các tổ chức này có thể tự chủ công việc kinh doanh của mình, đồng thời và tự kiểm soát và chấp nhận rủi ro có thể diễn ra.

Liên quan đến prefunding, hệ thống giao dịch KRX đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. 

Về lâu dài, việc vận hành cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP (Central clearing counterparty) là "chìa khóa" để giải quyết vấn đề prefunding và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán, trong trường hợp giao dịch không được thực hiện.

Trong báo cáo vừa được FTSE Russell công bố, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi. Tổ chức này dự kiến sẽ cập nhật trạng thái đánh giá khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam như một phần trong báo cáo phân loại thị trường vốn vào tháng 3/2024.