Chuyên gia World Bank: Con đường cho Việt Nam giữa rủi ro tăng cao

Kiều Mai - 12:08, 19/12/2022

TheLEADERĐại diện World Bank tại Việt Nam nhận định rằng với áp lực tỷ giá từ thắt chặt tiền tệ tại Mỹ, Việt Nam có thể xem xét điều hành linh hoạt hơn nữa. Trong trường hợp lạm phát tăng đáng kể, NHNN có thể xem xét sử dụng công cụ lãi suất tham chiếu..

Nhiều rủi ro tăng trưởng nối tiếp

Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, nhận định thời điểm hiện nay là thời điểm đầy thách thức với nền kinh tế toàn cầu. Thiệt hại lâu dài từ đại dịch Covid-19, cùng với các cú sốc bổ sung đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống.

Theo ông, ba áp lực mạnh đã gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu thời gian qua có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng 2023, bao gồm áp lực lạm phát kéo dài, điều kiện tài chính khó khăn hơn, và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cùng các nền kinh tế lớn khác.

Với tăng trưởng toàn cầu vốn đã yếu, các cú sốc tiêu cực bổ sung có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái vào năm 2023.

Phân tích tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 mới đây, vị chuyên gia của World Bank đánh giá rằng 5 nguồn rủi ro chính có thể trở thành hiện thực trong năm sau, đơn cử như thắt chặt tiền tệ bổ sung; áp lực tăng với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển về dòng vốn, mất giá tiền tệ.

Cùng với đó, hoạt động kinh tế yếu hơn mức dự kiến ở Trung Quốc trong bối cảnh gián đoạn liên quan đến đại dịch, và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, sẽ làm tăng thêm lực cản cho hoạt động toàn cầu.

Chuyên gia World Bank: Con đường cho Việt Nam giữa rủi ro tăng cao
Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam.

Ngoài ra, bất ổn địa chính trị và phân mảnh thương mại có thể dẫn đến một làn sóng gián đoạn sản xuất mới, và giá cả cao hơn đối với hàng hóa được giao dịch trên toàn cầu, như đã xảy ra trong đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine.

Không chỉ vậy, khí hậu toàn cầu có thể đang tiến gần đến "điểm bùng phát", khi những biến đổi tăng tốc theo hướng bất lợi có thể gây ra chi phí đáng kể. 

"Nếu một hoặc nhiều rủi ro trong số này thành hiện thực, chúng ta có thể đang hướng tới một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023", ông Andrea Coppola đánh giá.

Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém, và rủi ro gia tăng có thể tác động tới nền kinh tế Việt Nam về áp lực tỷ giá hối đoái, ngành tài chính tổn thương và lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong năm 2023.

Đại diện của World Bank cho rằng Chính phủ đang đối mặt với nhiệm vụ rất khó khăn, và đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế Việt Nam, biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tăng cường hơn nữa quản trị kinh tế và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đi tìm lời giải cho Việt Nam

Theo ông Andrea Coppola, để giải quyết áp lực tỷ giá hối đoái do thắt chặt tiền tệ bổ sung ở Mỹ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét điều hành linh hoạt hơn nữa tỷ giá hối đoái, bao gồm cả khả năng tăng tốc độ mất giá, cũng như bảo toàn dự trữ ngoại hối.

Trong trường hợp việc tăng nhanh hơn tính linh hoạt của tỷ giá dẫn đến lạm phát tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng, NHNN có thể xem xét sử dụng công cụ lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, dư địa chính sách còn lại bị hạn chế vì lãi suất đã cao.

Do đó, “sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giúp giảm thiểu sự cần thiết phải tăng thêm lãi suất”, ông lưu ý.

Để giải quyết các thách thức về thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng, ông khuyến nghị NHNN có thể giúp khôi phục niềm tin bằng cách hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, với điều kiện ngân hàng thương mại đó có kế hoạch khôi phục vị thế thanh khoản hợp lý.

Đối với chính sách tài khóa, đại diện World Bank tại Việt Nam cho rằng thách thức chính trong năm 2023 sẽ là phải tìm cách tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát.

Do vậy, chính sách tài khóa và phối hợp với chính sách tiền tệ sẽ rất quan trọng để quản lý sự đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý kiểm soát chặt chi tiêu công, chọn lọc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình đầu tư công quan trọng có vai trò làm động lực tăng trưởng kinh tế. Không chỉ vậy, cần đổi mới và củng cố các cơ chế lựa chọn ưu tiên, và đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của chi tiêu công.

Trong trường hợp các cú sốc tiếp theo đòi hỏi phải cung cấp hỗ trợ tài khóa để bảo vệ hầu hết các hộ gia đình dễ bị tổn thương, trợ cấp tài chính có mục tiêu sẽ hiệu quả hơn, và tạo ra ít áp lực lạm phát hơn so với cắt giảm thuế, hoặc trợ cấp không có mục tiêu, ông lưu ý thêm.

Về dài hạn hơn, ông Andrea Coppola nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách cải cách cơ cấu, để tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Theo đó, để thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tái cơ cấu, Việt Nam có thể thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các tài sản chính, bao gồm vốn sản xuất, vốn nhân lực, và vốn tự nhiên.

Việc khuyến khích cạnh tranh thông qua cơ chế cho phép dễ dàng gia nhập và rời thị trường cũng rất quan trọng, bởi từ đó sẽ giúp các nguồn lực chảy vào các công ty sáng tạo và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường và khí hậu – ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

"Các khoản đầu tư hợp lý, phù hợp với các mục tiêu khí hậu trong các lĩnh vực ưu tiên như giao thông và năng lượng, nông nghiệp và sản xuất thông minh với khí hậu, và hệ thống đất và nước, đều có thể thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai", đại diện World Bank tại Việt Nam nhấn mạnh.