CIEM cảnh báo rủi ro từ các sáng kiến dịch chuyển chuỗi giá trị

Minh Nhật - 20:31, 12/07/2020

TheLEADERTheo đánh giá cùa CIEM, Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt trong cạnh tranh giữa các nước lớn nếu không cân nhắc thấu đáo các sáng kiến dịch chuyển chuỗi giá trị.

Dù có nhiều diễn biến và hệ lụy khó lường, đại dịch Covid-19 có thể mang lại một số cơ hội quan trọng, thậm chí có tính bước ngoặt đối với tiến trình phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định trong báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đại dịch này cũng ẩn chứa không ít thách thức khi diễn biến dịch còn khó đoán định, đặc biệt tại các nền kinh tế chủ chốt, các đối tác thương mại – đầu tư quan trọng của Việt Nam.

Thách thức càng khó khăn hơn khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu, du lịch. Trong số 17 đối tác kinh tế và du lịch hàng đầu của Việt Nam (chiếm khoảng 80% về thương mại, 90% về đầu tư nước ngoài, 80% về du lịch), phần lớn khó có thể trở lại trạng thái bình thường mới trong quý III/2020, chưa thực sự an toàn trong ngắn hạn, thậm chí đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có nhu cầu cao (như vật tư y tế) cũng không dễ, do công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển, kéo theo rủi ro thiếu nguyên liệu đầu vào.

Đáng chú ý, sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu do đại dịch Covid-19 làm bộc lộ rõ hơn tính dễ tổn thương của nền kinh tế vốn có nhiều “điểm nghẽn” trong mô hình tăng trưởng như kết cấu hạ tầng yếu kém, thể chế và hiệu quả quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chất lượng lao động thấp làm cho nền kinh tế nói chung không thể hấp thụ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có.

Nếu đại dịch kéo dài, dư địa chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể bị thu hẹp, dẫn tới hạn chế khả năng ứng phó với các vấn đề an sinh xã hội phát sinh, báo cáo của CIEM phân tích.

Rủi ro phía sau việc chạy theo một số sáng kiến dịch chuyển chuỗi giá trị
Việt Nam là một trong những lựa chọn hấp dẫn cho việc dịch chuyển đầu tư, chuỗi giá trị của các doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng toàn cầu và đi kèm với cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cho các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam. 

Lợi thế và mức độ hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện đáng kể, ngay cả trước Covid-19 nhờ cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay một loạt các hiệp định thương mại lớn.

Nếu không được kiểm soát tốt, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các cơ sở sản xuất công nghệ thấp, không thân thiện với môi trường. Xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các mặt hàng có tính cấp bách (như khẩu trang) cũng cần được cân nhắc thận trọng để tránh sự khai thác quá mức dẫn tới thiếu linh hoạt khi tình hình kinh tế phục hồi và/hoặc chuyển hướng sau Covid-19.

“Mặt khác, vội vàng chạy theo một số sáng kiến dịch chuyển chuỗi giá trị mang hơi hướng “cạnh tranh địa chiến lược” - mà không cân nhắc thấu đáo - sẽ không làm tăng mức độ tự chủ của Việt Nam, mà thậm chí còn đặt ra rủi ro mắc kẹt trong cạnh tranh giữa các nước lớn”, báo cáo của CIEM nhấn mạnh.

Với trên 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, việc duy trì sức sống cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hậu Covid-19 cũng là một khó khăn, thách thức lớn. Doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị, sản xuất của khu vực và quốc tế. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, dù được quan tâm và có nhiều thành tựu mới, vẫn còn nhiều hạn chế trong khi khu vực FDI chưa đáp ứng được mục tiêu chuyển giao, nâng cao và phát triển năng lực công nghệ của nền kinh tế.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng hậu Covid-19 cũng gây ra những thách thức mới cho Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Đối đầu Mỹ - Trung cùng các xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường hơn, thậm chí có thể gây sức ép lựa chọn đối tác ở một số thời điểm, một số vấn đề then chốt (công nghệ, vật tư y tế, chuỗi cung ứng).