Cô gái Hà Lan thận trọng tại Việt Nam

Trần Anh - 15:24, 03/01/2019

TheLEADERDoanh thu của liên doanh FrieslandCampina Việt Nam (sở hữu thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan) tăng chậm trong 3 năm qua khi chịu sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu sữa trong nước.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam được đông đảo người Việt biết tới dưới thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady).

Đây là liên doanh được thành lập giữa Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Protrade) và Royal FrieslandCampina, trong đó đối tác Hà Lan nắm giữ 70% cổ phần. Sau 25 năm hoạt động, FrieslandCampina Việt Nam hiện là một trong những thương hiệu lớn nhất ngành sữa.

Với số vốn đầu tư vào Việt Nam ước tính khoảng gần 300 tỷ đồng, mỗi năm FrieslandCampina cung cấp hơn 1,5 tỷ suất sữa ra thị trường thông qua 2 nhà máy sản xuất đặt tại Bình Dương và Hà Nam. Những thương hiệu như Cô gái Hà Lan, Friso, Yomost, Fristi, Completa,… 

Trong quá khứ, vị thế của FrieslandCampina từng lớn hơn nhiều khi thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan gần như thống trị thị phần sữa cao cấp. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước, FrieslandCampina không còn giữ vững được vị thế.

Hiện tại, FrieslandCampina chỉ tập trung vào một vài thế mạnh trong ngành sữa như sữa nước, sữa chua, sữa đặc, sữa bột cho bà mẹ và trẻ em và thức uống ca cao lúa mạch (Ovaltine).

Từ lâu không có hoạt động mở rộng sản xuất, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của công ty có xu hướng ổn định, với doanh thu quanh hàng năm ít tăng trưởng. Năm 2017, doanh thu thuần của FrieslandCampina đạt 7.290 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 2.501 tỷ đồng, giảm 2% do giá vốn tăng.

Thay vào đó, công ty tập trung nhiều hơn vào hoạt động thắt chặt chi phí. Chi phí bán hàng năm 2017 đạt 1.287 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, do doanh thu tài chính năm 2017 giảm hơn 300 tỷ đồng so với năm 2016, lợi nhuận ròng của FrieslandCampina trong năm cũng giảm tương ứng, đạt 808 tỷ đồng so với mức 1.146 tỷ đồng năm trước đó.

Cô gái Hà Lan thận trọng tại Việt Nam
Đơn vị: Tỷ đồng

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của FrieslandCampina không thực sự ấn tượng trong bối cảnh quy mô ngành sữa tại Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong vòng 1 thập kỷ qua. Dù hiện tại, thị trường đã có dấu hiệu chững lại, tốc độ tăng trưởng ngành vẫn ở mức 5 – 7%/năm, cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp sữa này.

Hoạt động cắt giảm chi phí quản lý và bán hàng của FrieslandCampina cũng cho thấy chiến lược thật trọng của đơn vị này trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về giá diễn ra gay gắt. Trong thời gian tới, khi CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản sẽ cắt giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.

Theo các báo cáo phân tích ngành sữa, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực, chỉ vào khoảng 26 lít/năm so với mức tiêu thụ 35 lít/năm tại Thái Lan hay 45 lít/người tại Singapore. 

 Đồng thời, các yếu tố về nhân khẩu học như dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ cùng thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sữa trong dài hạn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngành sữa có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ sữa động vật và sữa bò đang cho thấy dấu hiệu suy giảm. Người tiêu dùng cao cấp đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, gia tăng nhận thức về các sản phẩm dinh dưỡng. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa chua, sữa nước cao cấp (organic, sữa A2) và các loại sữa thay thế từ thực vật (sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa macca) đang ngày càng gia tăng.

Đây là bất lợi với FriesCampina khi công ty tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp nhưng chỉ có duy nhất mảng sản phẩm liên quan tới sữa bò. Ở mặt ngược lại, các doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản phẩm nhanh như Vinamilk, TH True Milk đang có lợi thế hơn khi đã sở hữu sẵn danh mục sản phẩm đa dạng với chuẩn Quốc tế.