Cô giáo đưa học sinh 'vượt biên' đi khắp thế giới

Đặng Hoa - 10:00, 10/02/2021

TheLEADERBằng tình yêu và tâm huyết với công việc giảng dạy tiếng Anh cùng sự sáng tạo và tư duy hiện đại của một người trẻ, cô giáo 9x người dân tộc Mường Hà Ánh Phượng - một trong mười giáo viên xuất sắc toàn cầu do quỹ Varkey, đối tác của UNESCO bình chọn - đã đưa những học trò vùng cao Tây Bắc “bay” đến hơn 40 quốc gia trên thế giới mà không cần visa và máy bay nhờ mô hình lớp học xuyên biên giới.

Cô giáo đưa học sinh 'vượt biên' đi khắp thế giới
Cô giáo Hà Ánh Phượng

Niềm tự hào của Việt Nam

“Hà Ánh Phượng – Việt Nam” - cái tên được diễn viên điện ảnh người Anh Stephen Fry xướng lên đúng 0h01 ngày 11/11 (giờ Việt Nam) trong lễ trao danh hiệu Giáo viên toàn cầu cho mười giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu 2020 đã làm rộn ràng ngôi làng nhỏ nằm ở vùng núi cao huyện Hương Cần, tỉnh Phú Thọ.

Cũng vào khoảnh khắc đó, rất nhiều người dân ở khắp mọi miền tổ quốc và đặc biệt là những người công tác trong ngành giáo dục cũng đã vỡ oà với niềm tự hào mang tên Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam có đại diện chạm tay tới giáo viên top 10 trong giải thưởng được ví như “Nobel dành cho giáo dục”.

Cô Phượng là người trẻ tuổi nhất được ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu do Quỹ Varkey lựa chọn, cùng chín giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc.

“Lúc đó tôi thấy rất bất ngờ, hạnh phúc và xúc động. Đó không phải niềm vui của riêng tôi mà còn là niềm vui của nước nhà vì nó là màu cờ sắc áo của quốc gia khi được xướng tên cùng các nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển. Nói đến Việt Nam là tôi thấy tự hào, tôi hiểu rằng mình là đại diện cho rất nhiều thầy cô giáo và học sinh trên cả nước những người đang nỗ lực trong hành trình đến bến đò tri thức”, cô Hà Ánh Phượng kể lại phút giây đầy xúc động đó.

Cô giáo đưa học sinh “vượt biên” đi khắp thế giới
Một buổi dạy online kết nối với các học sinh trên thế giới và một buổi dạy online của cô Phượng được các em học sinh xem trực tiếp trên thiết bị di động. ẢNH: GLOBAL TEACHER

Trước đó, vào tháng 2/2020, cô Phượng là giáo viên Việt Nam duy nhất giành học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Mỹ SEAYLP dành cho thủ lĩnh trẻ các nước Đông Nam Á và được công nhận danh hiệu MIE Expert - chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft. Vào tháng 3/2020, cô là một trong 50 người góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục cũng của Quỹ Varkey ghi nhận.

Khởi đầu từ đam mê của cô gái nhỏ vùng cao…

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo của tỉnh Phú Thọ, ngay từ bé, Phượng đã có ước mơ trở thành cô giáo khi ngày ngày nhìn thấy các thầy cô giáo đi dạy ở trường tiểu học đối diện nhà.

Trong ký ức non nớt của Phượng lúc đó, ước mơ trở thành người gõ đầu trẻ lớn đến mức người bố phải chặt cây mít để lấy gỗ đóng bảng cho con gái nhỏ tập làm cô giáo mà học sinh đầu tiên chính là …bà nội. Cô bé Phượng thích lắm cái cảm giác được đứng lên giảng bài và có người khác nhắc lại lời của mình. Một cảm giác thật oách!

Lên cấp hai, Phượng chuyển lên học ở trường dân tộc nội trú huyện. Đó cũng là thời điểm cô xác định rất rõ ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh của mình.

Cái cảm giác cầm trên tay quyển báo song ngữ của thầy giáo đọc phần tiếng Anh mà không thể hiểu được, cảm giác muốn giúp người anh họ bị khuyết tật viết thư cho người bạn ở Australia vì đã tặng anh một món quà nhưng không biết viết thế nào, đối với Phượng lúc đó, thực sự rất khó chịu.

Được xem những bộ phim nước ngoài đầu tiên thông qua phụ đề, rồi xem các chương trình do Louisa Huỳnh Thanh Thuận dẫn trên tivi, Phượng ước ao mình cũng có thể nói tiếng Anh hay như vậy.

“Lúc đó tôi chưa nghĩ được sâu xa. Cái ước mơ làm giáo viên tiếng Anh đến với tôi như một cơ duyên và dần xác định rõ nhờ vào sự định hướng tận tình của các thầy cô. Tôi nghĩ, tiếng Anh quan trọng với bất cứ ai trên con đường hội nhập thế giới”, cô giáo Phượng chia sẻ.

Thế nhưng hành trình đến với bất kỳ ước mơ nào cũng thường rất gian nan. Mấy năm liền, những kiến thức tiếng Anh của Phượng chủ yếu đến từ các thầy cô giáo trong trường mà không một lần được tiếp xúc với người nước ngoài, không hề có môi trường để thực hành, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Con đường học lúc đó quả thực rất gian nan nhưng may mắn là Phượng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các thầy cô.

... Đến nỗ lực xóa bỏ tụt hậu

Là một trong số ít người trong xã đỗ đại học ngoại ngữ vào thời điểm đó, Phượng cùng những người bạn cấp ba của mình “khăn gói” xuống Hà Nội với niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, có thể chạm đến giấc mơ của mình và trở về góp sức phát triển quê nhà.

Hân hoan chưa được bao lâu thì Phượng giật mình trước hồi chuông cảnh tỉnh ngay đầu năm nhất khi bài kiểm tra kỹ năng nghe đầu tiên của cô tại Đại học Hà Nội chỉ được 4 điểm, thấp gần nhất lớp trong khi kỹ năng viết gần như dẫn đầu với con điểm 9.

Nói đến Việt Nam là tôi thấy tự hào, tôi hiểu rằng mình là đại diện cho rất nhiều thầy cô giáo và học sinh trên cả nước những người đang nỗ lực trong hành trình đến bến đò tri thức”
Cô Hà Ánh Phượng

Rồi cô cũng không tránh khỏi cảm giác mặc cảm, tự ti trong thời gian đầu học đại học bởi các đồng môn rất giỏi tiếng Anh, rất năng động, khác hẳn một cô bé đến từ tỉnh lẻ như cô. Cô thấy lo lắng và thấy mình tụt hậu mặc dù đã được “cảnh báo” từ trước. Cô nhanh chóng sốc lại tinh thần và coi đó là động lực để phấn đấu.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đi làm thêm ngay từ đầu năm nhất, từ rửa bát, bán quần áo đến phục vụ trong nhà hàng để kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ thì Phượng xác định sẽ không đi làm thêm vào năm đầu mà dành thời gian để “cày” học mặc dù gia đình Phượng cũng không hẳn khá giả nhưng cô xác định đó là cách để “tồn tại thông minh nhất tại thủ đô” tại thời điểm ấy. Theo mô tả của Phượng, cô “cày học” còn chăm hơn cả hồi cấp ba ôn thi vào đại học.

Phượng không ngần ngại kết giao với bạn bè người nước ngoài theo học tại Đại học Hà Nội để nói chuyện, tăng khả năng giao tiếp. Cô không quản ngại thường xuyên đạp xe vượt quãng đường hơn 12 cây số từ đại học Hà Nội lên hồ Gươm để “săn Tây”.

Cũng nhờ sự nỗ lực đó mà “trình” tiếng Anh của cô sinh viên người dân tộc Mường đã tiến bộ rõ rệt. Đến kỳ học thứ hai của năm hai đại học, cô quyết định đi làm thêm. Công việc đầu tiên là phiên dịch cho một công ty đến từ Malaysia qua sự giới thiệu của một thầy giáo trong trường.

Cô giáo đưa học sinh “vượt biên” đi khắp thế giới 2
Cô giáo Hà Anh Phượng và các học trò của mình.

Một lần rồi nhiều lần, cô đã có cơ hội làm việc với các công ty, tập đoàn đến từ 18 quốc gia trên thế giới tính cả các quốc gia mà cô đã đặt chân đến. Sáu năm đại học và cao học cũng là quãng thời gian cô có cho mình nhiều trải nghiệm với nhiều công việc bán thời gian như gia sư, giáo viên trung tâm tiếng anh, hướng dẫn viên du lịch…

“Tôi xác định làm thêm nhưng phải làm đúng chuyên ngành và phục vụ được cho việc học như đi dạy, đi dịch hay dẫn tour cho người nước ngoài, vì đó thực chất là đang học thay vì làm các việc làm thêm không liên quan nhiều đến chuyên môn, nên thời điểm ấy đó là động lực lớn để tôi “cày” và học ”, Phượng nói.

Mong muốn tiến bộ đó của cô được thể hiện rõ nét hơn khi cô học xong đại học. Trước đây, cô cho rằng chỉ cần có tiếng Anh là đã có thể đi dạy, nhưng càng về sau, cô càng cảm thấy “không đủ” khi được trải nghiệm những phương pháp giảng dạy rất hay của các thầy cô trong và ngoài nước. Cô dành 8 tháng để học thêm một chứng chỉ về nghiệp vụ sư phạm tại Đại học Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, và tiếp tục học lên bậc thạc sỹ ngôn ngữ Anh về phương pháp giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Lớp học “phi truyền thống”

Cuối năm 4 đại học, Phượng được mời làm giám đốc đại diện cho một công ty dược của Pakistan với mức lương 1.500 USD nhưng cô quyết định từ chối để chuẩn bị kỹ càng hơn cho sự nghiệp giảng dạy trước khi khăn gói trở về Hương Cần (Phú Thọ) thực hiện ước mơ vào năm 2016.

Nhớ lại buổi đầu lên lớp, cô giáo Phượng hết sức ngỡ ngàng vì các em học sinh quá đỗi thân thiện và chân thành. Tuy nhiên, có những em chưa biết tra từ điển, và thậm chí có những em không có từ điển. Việc học tiếng Anh đối với các em là một thứ gì đó bắt buộc, không có động lực, không cảm hứng. Trường nằm ngay giữa vùng núi, không có khách du lịch nên không có môi trường thực hành, phụ huynh cũng chưa chú trọng môn tiếng Anh.

Cũng có xuất thân là người dân tộc, cũng đã từng lớn lên ở những mái trường như vậy, cô Phượng thấu hiểu những khó khăn mà học sinh vùng dân tộc thiểu số gặp phải. Cô dành thời gian nói chuyện với từng học sinh để thấu hiểu các em.

Cô giáo đưa học sinh “vượt biên” đi khắp thế giới 3
Một giờ học thực nghiệm của cô trò.

Cô khát khao mang đến một luồng gió mới cho những học sinh này. Điều khiến cô trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”. Ngay khi về trường, cô Phượng luôn nghĩ cách để các em có cơ hội giao tiếp với những giáo viên nước ngoài uy tín.

Những người bạn mà cô quen được trong nhiều năm đi làm thêm hồi còn học đại học đã trở thành những người nước ngoài đầu tiên trò chuyện với học trò của cô qua các ứng dụng trực tuyến. Thế nhưng cô nghĩ, các trung tâm tiếng Anh cũng phải thuê giáo viên nước ngoài với mức phí rất cao, cô không thể làm phiền bạn bè của cô mãi được.

Nhờ cơ duyên tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin vào năm 2018, cô Phượng được tìm hiểu về công nghệ thông tin ứng dụng trong giáo dục, gặp gỡ những đồng nghiệp truyền cảm hứng và biết tới một diễn đàn toàn cầu - nơi các giáo viên khắp thế giới tham gia chia sẻ, hỗ trợ nhau. Đó cũng là một trong những bước ngoặt lớn nhất của cô trong sự nghiệp dạy học.

Những “lớp học xuyên biên giới” của cô ra đời. Cô dành hơn một năm để nghiên cứu đề tài về mô hình lớp học này thông qua Skype và nhiều ứng dụng khác, tạo ra các nhóm phát triển chuyên môn gồm các thầy cô tiếng Anh trên thế giới. Đề tài nghiên cứu khoa học của cô được đưa tới hội thảo quốc tế VIETTESOL - một trong những hội thảo thường niên dành cho nghiên cứu về giảng dạy tiếng Anh. Cô còn hướng dẫn học sinh trường Hương Cần làm một nghiên cứu khoa học tương tự và giành giải nhì ở cuộc thi cấp tỉnh.

Cô Phượng cho biết, việc để học trò tự tin nói chuyện với người nước ngoài không hề dễ dàng. Trong buổi học trực tuyến đầu tiên, cô đã kết nối học trò với một thầy giáo người Brazil về chủ đề bóng đá. Nhưng khi thầy giáo xuất hiện trên màn hình, học trò của cô rất ngại ngùng, bối rối. Những em vốn mạnh dạn nhất cũng chỉ biết nói “Hi, Hello”, sau đó cúi gằm mặt xuống. Những em nghịch ngợm thì giơ tay vẫy vẫy nói lớn “Hello Tây”.

“Ngay trong buổi đầu, tôi đã thấy mình thất bại rồi”, Phượng kể lại.

Nhưng cô không đầu hàng. Cô cho học sinh chuẩn bị kỹ càng hơn, cố gắng giải thích để các em hiểu. Trong buổi học tiếp theo, thay vì chỉ kết nối với giáo viên, cô Phượng nhờ thầy giáo người Brazil sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa học sinh của cô với những học sinh bằng tuổi người Brazil. Dần dần, học trò cũng không còn cảm thấy e ngại mà hào hứng và “nhập cuộc” hơn.

Sau một thời gian, học sinh của cô rất thích thú vì được nói chuyện với những người bạn cùng tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới. Các em như được đi du lịch khắp năm châu, tới hơn 40 quốc gia, khám phá văn hoá và con người nước bạn. Thậm chí, sau buổi học, các em còn kết bạn với nhau qua Facebook và chủ động tương tác với nhau nhiều hơn.

“Việc nhắn tin trò chuyện với các bạn nước ngoài khiến học sinh tò mò, tự chủ động tra từ điển những câu mình muốn nói. Đó là động lực thực tế của các em, thấy tiếng Anh rất gần gũi”, cô Phượng cho biết.

Thậm chí, cô còn tạo sự hứng thú cho các em bằng cách tổ chức các giải đấu trò chơi trực tuyến giữa học sinh của mình và học sinh nước bạn, các em rất cố gắng hòa vào các hoạt động để bảo vệ “màu cờ sắc áo”.

Điều khiến Phượng thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do cô hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Đáng chú ý, điều cô thấy rõ ở các em là khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phản biện…

Và món nợ ân tình “khó trả hết”

Với cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo dục là vũ khí mạnh nhất thay đổi được thế giới. Giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà phải hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của một con người.

Cô cho rằng người làm giáo dục phải không ngừng học để tránh bị tụt hậu. Nếu một người hờ hững về chuyên môn, không có kiến thức thì sẽ trở nên mờ nhạt, không có điểm nhấn trong xã hội, không có điểm nhấn trong đám đông.

Cô giáo đưa học sinh “vượt biên” đi khắp thế giới 4
Bài giảng tại nhà học trò của cô Phượng.

Hỏi cô giáo Phượng tại sao lại quyết định từ bỏ cơ hội rất lớn ở những nơi phồn hoa để về vùng quê hẻo lánh gõ đầu trẻ, cô cho biết bản thân cô rất coi trọng chỉ số hạnh phúc. Trong khi mọi người xung quanh nghĩ rằng về quê là phải đối mặt với khó khăn và thách thức thì Phượng lại xác định rằng: “Ở đâu không quan trọng, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, miễn là được làm việc mình yêu thích và cảm thấy thoải mái là tôi đã cảm thấy đáp ứng được chỉ số hạnh phúc của mình rồi”.

“Tôi không nghĩ thành phố hay nông thôn là rào cản, ở đâu cũng cần có sự cố gắng. Tôi luôn nghĩ quê hương là chùm khế ngọt, được ở gần bố mẹ gia đình và ở trên chính quê hương làm điều có ích sẽ mang lại những giá trị mà không phải tiền bạc nào cũng mua được”, cô Phượng chia sẻ.

Hơn nữa, trong đầu cô luôn đau đáu một món nợ ân tình khó có thể trả hết đối với Đảng và Nhà nước. Từ những ngày đầu cô đi học tại mái trường nội trú huyện và tỉnh cô được Nhà nước nuôi ăn, nuôi học và cấp tiền sinh hoạt hàng quý, cho đến khi ra trường cũng được tuyển diện đặc cách vào viên chức nhà nước và cô nhận thấy cô may mắn hơn rất nhiều người khác.

“Nghe có vẻ văn vẻ, nhưng trên thực tế, con đường tôi đi nhờ ơn Đảng và Nhà nước”, cô Phượng nói.

Từ khi được vinh danh là một trong mười giáo viên xuất sắc toàn cầu, cô Phượng nhận thấy mình càng cần phải cố gắng hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Vì thế, cô đã trực tiếp đi chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới tới giáo viên tại các tỉnh thành trên khắp cả nước. Cô còn làm hơn 150 video dạy tiếng Anh miễn phí phát trên kênh YouTube; cùng học sinh thực hiện dự án quốc tế “Phòng chống bắt nạt trẻ em trên không gian mạng” nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình.

Để giúp đỡ cộng đồng, Phượng cùng một nhóm giáo viên chuyên môn tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia. Sáng Chủ nhật hàng tuần, cô cùng một giáo viên Ấn Độ chia nhau ra dạy cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Cô cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt ở California (Mỹ).

Trong cuộc “phiêu lưu” thế giới của cô giáo Hà Ánh Phượng và các học trò vùng cao vẫn còn rất nhiều điểm đến thú vị cần khám phá. Với câu chuyện và nỗ lực truyền cảm hứng của mình, trên hành trình đó, chắc chắn cô trò sẽ tìm được những người bạn đồng hành mới đến từ mọi miền tổ quốc Việt Nam và trên thế giới.

Như trong thư gửi cô Phượng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã viết: “Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế, những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy với mong muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành những “công dân toàn cầu” như cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên trên khắp cả nước”.