Đã đến lúc thiết lập định nghĩa mới về lãnh đạo

Kiều Mai - 10:51, 20/05/2022

TheLEADERCác nhân viên đang đòi hỏi cao hơn kỹ năng “lấy con người làm trung tâm” ở những người lãnh đạo, cần một người đứng đầu ủng hộ nhu cầu linh hoạt, quý trọng văn hóa nhóm, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện sự tin tưởng và đồng cảm.

Những biến động bất ngờ do Covid-19 gây ra đã khiến nhiều người lao động tìm kiếm sự an toàn cao hơn tại nơi làm việc, cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này buộc những người lãnh đạo phải thay đổi những kỹ năng vốn có để thích ứng, điều hành tổ chức hiệu quả hơn.

Để hiểu rõ hơn về những dịch chuyển này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với bà Thanh Lê, Giám đốc Adecco Việt Nam.

Thưa bà, sự thay đổi trong cách làm việc do Covid-19 sẽ kéo theo sự thay đổi trong tâm lý người lao động ra sao? Điều này buộc nhà lãnh đạo phải thay đổi như thế nào để nắm bắt và thích ứng?

Bà Thanh Lê: Những thay đổi có thể khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn là tính linh hoạt, an toàn và phát triển nghề nghiệp đang trở thành những điều người nhân viên mong muốn nhất.

Rất nhiều nhân viên nhận ra họ ưa thích sự linh hoạt khi có thể làm việc từ bất kỳ đâu, trong khi kỳ vọng nhận được nhiều sự tin tưởng và đồng cảm từ người sử dụng lao động. Họ cũng mong muốn người lãnh đạo sẽ có thể giúp mở rộng kỹ năng và tiến bộ hơn trong sự nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ cần tập trung hơn vào việc chăm sóc sức khỏe của nhân viên, và nghiêm túc xem xét những gánh nặng cá nhân hàng ngày mà đội ngũ phải đối mặt.

Đã đến lúc thiết lập định nghĩa mới về lãnh đạo
Giám đốc Adecco Việt Nam Thanh Lê.

Cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi cho thấy hơn 52% nhân viên muốn làm việc tại nhà ít nhất 2 ngày/tuần, và hơn 23% nói rằng họ muốn làm việc trực tuyến hoàn toàn. Hơn 96% người trả lời khảo sát sẵn sàng được đào tạo lại, và khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tinh thần của bản thân.

Những con số này chứng minh rằng đã đến lúc những người đứng đầu cần đánh giá lại bộ kỹ năng của mình, tìm kiếm các kỹ năng mới và thiết lập những định nghĩa mới về lãnh đạo.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng các nhân viên đang đòi hỏi cao hơn kỹ năng "lấy con người làm trung tâm" ở những người lãnh đạo. Theo đó, họ cần một nhà lãnh đạo ủng hộ nhu cầu linh hoạt, quý trọng văn hóa nhóm, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện sự tin tưởng và đồng cảm với các thành viên.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những nhà lãnh đạo với tâm thế lấy con người làm trung tâm - những người có thể nhanh chóng điều chỉnh tư duy để ứng phó với những biến đổi bất ngờ mà không bị tê liệt.

Trong bình thường mới, các nhà lãnh đạo nên bỏ chiến lược quản lý truyền thống theo cách vi mô và từ trên xuống. Thay vào đó, cần rèn luyện các kỹ năng làm việc giữa con người với con người, ưu tiên phương pháp tiếp cận cá nhân mạnh mẽ hơn với các thành viên.

Trí tuệ cảm xúc sẽ là tiêu chuẩn mới trong bối cảnh mọi người đang phải đối mặt với những bất ổn, các vấn đề sức khỏe tinh thần, cảm giác bị cô lập và lo lắng.

Theo bà, ngoài các thay đổi trong ứng xử tâm lý giữa lãnh đạo và nhân viên, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải bổ sung thêm những kỹ năng gì trong bối cảnh mới? Sự nâng cấp này sẽ giúp doanh nghiệp như thế nào trong các mục tiêu (như giữ chân nhân sự giỏi, tăng doanh thu...)?

Bà Thanh Lê: Ngoài những thay đổi cần thiết về cách ứng xử, kết quả khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra một số năng lực sẽ giúp các nhà lãnh đạo trong bối cảnh mới, bao gồm khả năng quản lý những thay đổi trong kinh doanh, cập nhật công nghệ mới và cách thức làm việc, huấn luyện và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Rõ ràng, lãnh đạo một nhóm từ xa đòi hỏi tư duy phải theo hướng công nghệ, không chỉ để duy trì kết nối, hợp tác, mà còn để phân tích dữ liệu trong quá trình ra quyết định, phát triển kế hoạch, cũng như giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp.

Đã đến lúc thiết lập định nghĩa mới về lãnh đạo 1
Rất nhiều nhân viên nhận ra họ ưa thích sự linh hoạt khi có thể làm việc từ bất kỳ đâu, trong khi kỳ vọng nhận được nhiều sự tin tưởng và đồng cảm từ người sử dụng lao động.

Cùng với khả năng thích ứng, các nhà lãnh đạo có thể giữ một cái đầu lạnh khi đối mặt với thay đổi trong hành vi của khách hàng, và những thách thức đến từ thị trường. Điều này sẽ giúp người lãnh đạo có thêm niềm tin ở nhân viên, và khiến đội ngũ yên tâm hơn trong sự nghiệp.

Những người đứng đầu cũng cần đóng vai trò như một huấn luyện viên, đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng, tạo điều kiện phát triển đội nhóm, và điều hướng thông qua những biến động bất ngờ.

Tất cả các yếu tố trên sẽ tạo ra một lực lượng lao động có hiệu suất cao, nhanh nhẹn và kiên cường, giúp nhân viên cảm thấy được coi trọng và sẽ gắn bó.

Khi quản lý nguồn nhân lực thành công, các nhà lãnh đạo sẽ có thẻ bài quyền lực để có thể tập trung thúc đẩy kinh doanh, tăng trưởng doanh thu.

Xin bà chia sẻ thêm kinh nghiệm, bài học của một số doanh nghiệp đã có sự thay đổi và thích ứng mang lại kết quả tốt thời gian qua?

Bà Thanh Lê: Tại Adecco Việt Nam, chúng tôi đã triển khai mô hình làm việc từ xa ngay từ đợt bùng phát đầu tiên và mở rộng chính sách này vào năm ngoái. Một số vị trí có thể đòi hỏi nhiều hơn hoặc ít ngày hơn tại văn phòng, do đó, khuôn khổ cho phép sự linh hoạt cho từng cá nhân và từng nhóm.

Chính sách của chúng tôi dựa trên quá trình hoạt động, vận hành trong quá khứ, cũng như khả năng có mặt trong các thời điểm cần thiết. Các yếu tố này được xem xét thường xuyên để đảm bảo rằng các thiết kế đưa ra phù hợp với nhân viên nhất.

Chúng tôi cũng nâng cao các nguồn lực trực tuyến của mình để kết nối nội bộ nhân viên, và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm ảo mượt mà. Chúng tôi đào tạo đội ngũ quản lý ngay từ đầu để mang lại những chuyển đổi liền mạch. Sự chuyển đổi sớm này đã giúp chúng tôi giảm thiểu sự gián đoạn hoạt động trong đợt Covid-19 mới nhất.

Nhìn chung, sau hai năm triển khai, chúng tôi nhận thấy tinh thần và sự tương tác của nhân viên vẫn được duy trì tốt. Thêm vào đó, chúng tôi ghi nhận những tác động tích cực đến năng suất, mức độ hạnh phúc của nhân viên và sự hài lòng trong công việc. Đây là cơ sở để Adecco Việt Nam và Tập đoàn Adecco toàn cầu biến mô hình làm việc linh hoạt thành mô hình lâu dài.

Việc đón nhận công nghệ và làm việc từ xa đã phổ biến hơn nhiều ở Việt Nam sau đại dịch.

Một số doanh nghiệp xây dựng các nhóm hoàn toàn từ xa, chẳng hạn như Boost Commerce, một công ty sản xuất sản phẩm công nghệ. Một số tổ chức khác đã kích hoạt mô hình làm việc kết hợp dài hạn, chẳng hạn như BAEMIN, TIKI hoặc SEEDCOM.

Điểm chung là họ đều xây dựng được văn hóa làm việc mạnh mẽ thông qua các sáng kiến gắn kết nhân viên và các chính sách linh hoạt dựa trên đặc điểm của lực lượng lao động của họ.

Cảm ơn bà!