Đảm bảo đủ cung, bình ổn thị trường hàng hoá Tết Tân Sửu

An Chi - 09:48, 30/01/2021

TheLEADERMặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát dịp cuối năm, song nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán vẫn được đảm bảo, giá cả bình ổn.

Đảm bảo đủ cung, bình ổn thị trường hàng hoá Tết Tân Sửu
Bình ổn thị trường hàng hoá Tết Tân Sửu

Báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cập nhật đến ngày 29/01/2021 cho biết, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, trong nước, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân vẫn luôn được bảo đảm. Thị trường bình ổn kể cả trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện cách ly xã hội. 

Trong giai đoạn này, Bộ Công thương đã yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh để chủ động phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa. 

Do thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong các giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường.

Theo Vụ Thị trường trong nước, từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, tình hình thời tiết, dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường. Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm.

Theo đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ngày 10/12/2020, Bộ Công thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tình hình nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cơ bản đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, riêng mặt hàng rau xanh có thể thiếu hụt so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của bão lũ vào cuối quý III, đầu quý IV. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ được tăng cường bởi các tỉnh phía Bắc và miền Nam, giá có thể tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo sơ bộ đến nay, đã có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo/kế hoạch dự trữ hàng hoá, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó có 26 địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương một số địa phương, mặc dù dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và kinh doanh hàng hoá của các doanh nghiệp, người dân có xu hướng giảm chi tiêu nhưng thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ vẫn sôi động, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán vẫn được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Tại các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp được triển khai thực hiện theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh 

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, về cơ bản nguồn cung hàng hóa thiết yếu của các địa phương bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường.

Đặc biệt, Vụ thị trường trong nước đã chủ động trao đổi với Sở Công thương các tỉnh đang bùng phát dịch bệnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương về việc phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa nhu yếu phẩm. 

Trong ngày 28/01/2021, trước việc một số chốt kiểm soát tại Quảng Ninh không cho xe chở hàng của Tập đoàn BRG, Unilever, vụ đã liên hệ với Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, ngay sau đó sở đã hướng dẫn trao đổi với các chốt để xe hàng hóa được lưu thông.