Đam mê liệu có đủ để khởi nghiệp thành công?

Phạm Sơn - 11:18, 21/12/2020

TheLEADERThành công được ví như một tảng băng trôi. Chúng ta chỉ nhìn thấy được 10% bề nổi của tảng băng ấy, nhưng 90% còn lại mới thực sự là những gì làm nên nó.

Đam mê liệu có đủ để khởi nghiệp thành công?
Đam mê, sở thích chưa đủ để gặt hái được thành công trên con đường khởi nghiệp. Ảnh: VnExpress.

Dưới tảng băng của sự thành công

Thành công là một mỹ từ được nhiều người khao khát nhưng cũng khó có ai đưa ra được khái niệm chính xác nhất, kể cả những người được cho là đã đạt được thành công, đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp.

Hình tượng phổ biến của sự thành công trong xã hội thường được miêu tả là những nhân vật ăn vận đắt tiền, đi xe hơi sang trọng, có chức vụ và địa vị nhất định trong xã hội.

Tuy nhiên, hình ảnh ấy có lẽ đã phần nào làm vật chất hóa định nghĩa thành công, khiến cho nhiều bạn trẻ có thể đánh đổi nhiều điều để theo đuổi giá trị vật chất, vô tình bỏ quên đi những nền tảng tinh thần quý báu.

Đó cũng chính là động lực khiến chị Jen Vũ Hường quyết định thực hiện cuốn sách Dưới tảng băng của sự thành công.

Khác với nhiều cuốn sách theo thể loại tự trợ (self-help), Dưới tảng băng của sự thành công không đưa ra định nghĩa cụ thể cho thành công, mà để độc giả tự tìm hiểu, tự cảm nhận, thông qua câu chuyện của 14 nhân vật, 14 nữ doanh nhân, 14 trải nghiệm vô cùng chân thực.

“Ai cũng ngưỡng mộ những người thành công và mong muốn được thành công như họ. Nhưng những gì chúng ta thấy có lẽ chỉ là 10% bề nổi của tảng băng, 90% còn lại mới thực sự là những gì làm nên sự thành công ấy”, chị Hường lý giải về tựa đề cuốn sách.

Trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp, bà Từ Thu Hiền, Nhà sáng lập Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE), nhân vật trong cuốn sách chia sẻ, có thể chưa đạt được thành công nhưng điều quan trọng nhất là hài lòng với những gì mình đang có.

Sau gần 20 năm gặp gỡ, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, bà Hiền đúc kết: “Thành công không cần phải có một xuất phát điểm cao, mà ai cũng phải trải qua muôn vàn khó khăn và sóng gió. Thành công cũng không phải là kiếm được thật nhiều tiền, mà là cảm thấy được mình đang tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho bản thân cũng như những người xung quanh”.

Đam mê liệu có đủ để theo đuổi thành công?

Câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” của nhân vật Rancho trong bộ phim 3 chàng ngốc (3 idiots) đã trở thành câu nói kinh điển, truyền cảm hứng và tiếp thêm nghị lực cho nhiều bạn trẻ trên hành trình khởi nghiệp.

Ông George Deeb, tác giả cuốn sách Cẩm nang doanh nhân: 101 bài học khởi nghiệp khẳng định vai trò của niềm đam mê “là sức mạnh vô hình thúc đẩy doanh nhân, đưa họ vượt qua mọi thách thức và là nhân tố quan trọng để quyết định thành công của dự án khởi nghiệp”.

Doanh nhân truyền cảm hứng hàng đầu nước Mỹ bổ sung thêm: “Nếu không đam mê những gì bạn đang xây dựng, hãy dừng lại ngay lập tức, vì công trình của bạn sẽ không bao giờ hoạt động”.

Đam mê liệu có đủ để khởi nghiệp thành công?
Chị Trần Thanh Huyền, Nhà sáng lập True Juice, nhân vật trong cuốn sách Dưới tảng băng của sự thành công.

Đam mê cũng là một trong những từ khóa hay được chị Trần Thanh Huyền, nhân vật trong Dưới tảng băng của sự thành công nhắc đến khi kể về câu chuyện của mình.

Theo đó, niềm đam mê với yoga và nước ép đã giúp chị Huyền vượt qua thời điểm bế tắc nhất trong cuộc sống, hoàn thiện thể chất cũng như tâm hồn, cũng là động lực để xây dựng thương hiệu True Juice chuyên phân phối nước ép tươi, giúp khách hàng cải thiện sức khỏe, nâng cao lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên, chị Huyền cho biết, đam mê, sở thích chưa đủ để gặt hái được thành công trên con đường khởi nghiệp, bởi “mọi điều luôn bắt đầu từ sự thích, đam mê nhưng đam mê không tồn tại được lâu, vì cảm xúc luôn không ổn định”.

Muốn phát triển, muốn thành công thì phải tìm ra một “nguồn năng lượng” khác, có thể là trách nhiệm, cam kết hoặc bất cứ điều gì đem lại ý nghĩa cho bản thân và những người xung quanh.

Đồng quan điểm với chị Huyền, bà Lê Kim Phượng, nhà đầu tư và cũng là một nhân vật trong cuốn sách của tác giả Jen Vũ Hường nhận xét, thành công có thể theo nhiều cách nhưng quan trọng là dám đối mặt với biến cố, dám kiên định với lựa chọn của mình, những yếu tố mà chỉ đam mê thôi là chưa đủ.

Thực tế, có nhiều dự án khởi nghiệp với những ý tưởng táo bạo, sáng tạo được ra đời chỉ từ sự yêu thích, đam mê mà thiếu đi yếu tố để duy trì động lực, dẫn đến việc “sớm nở tối tàn”, không để lại bất cứ dấu ấn gì.

Một số doanh nhân khởi nghiệp cũng nhận định, yếu tố đam mê đang được đánh giá quá cao, dẫn đến việc bỏ quên đi mất những giá trị cốt lõi mà người làm kinh doanh cần phải có.

“Tôi được nghe rất nhiều cầu chuyện kể về những đam mê, nhưng đi kèm với đó là ý tưởng không sáng suốt, sai thời điểm, không bắt kịp xu thế và mô hình kinh doanh yếu kém”, Trace Cohen, Nhà sáng lập nền tảng Launch.it cho biết.