Đâu là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019?

Duy Anh - 10:25, 12/07/2019

TheLEADERĐầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng như tiêu dùng của người Việt Nam được đánh giá là các yếu tố sẽ đóng góp vào tăng trưởng tích cực của kinh tế thời gian tới.

Đâu là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019?
FDI tiếp tục sẽ đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2019 đạt 6,76%, thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái. So với nửa đầu năm 2018, cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng chậm lại.

Tương lai nền kinh tế Việt Nam năm 2019 được nhận định trở nên bất định hơn do các cú sốc từ thị trường thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các liên kết kinh tế mới.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước tiên đến từ đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI).

Tuy vậy, tăng mạnh giải ngân FDI không dễ, phụ thuộc vào các lý do như lao động, hạ tầng, ông Thành nhận định tại tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Cùng với đó, đầu tư trong nước sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh cũng như lòng tin dài hạn.

Động lực thứ hai sẽ đến từ đầu tư công và cần phải đảm bảo minh bạch cũng như tính hiệu quả.

Ngoài xuất khẩu, tiêu dùng cũng được đánh giá sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế tích cực.

“Đây là một điều rất khó giải thích cho Việt Nam. Bất kỳ tình huống nào người tiêu dùng Việt Nam cũng rất lạc quan và chi tiêu rất mạnh. Vậy làm thể nào để chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa, tiêu dùng hàng Việt”, ông Thành phân tích.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng có hai động lực rất quan trọng.

Về phía cung, công nghiệp chế biến chế tạo dù sáu tháng đầu năm nay tăng trưởng thấp hơn mức của cùng kỳ năm ngoái nhưng được nhận định vẫn là khu vực tạo ra “cú hích” quan trọng.

Ngành công nghiệp khai khoáng cũng được chú ý khi tăng trưởng ổn định ở mức 1,78% so với nửa đầu năm 2018 sau ba năm diễn biến âm.

“Tôi cho rằng đây là hai dấu hiệu rất tích cực về phía cung”, ông Lực nhấn mạnh.

Chia sẻ cùng quan điểm với ông Thành, ông Lực đánh giá tiêu dùng nửa đầu 2019 rất tốt và cùng với đầu tư tư nhân, FDI sẽ trở thành động lực cho kinh tế Việt Nam.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2019 của VEPR, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong sáu tháng đầu năm có xu hướng gia tăng về giá trị, mặc dù tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với 2018.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.391 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7% cao hơn so với cùng kì năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa nửa đầu 2019 ước tính đạt 1.824 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng doanh thu và tăng 12,5%.

“Điều này thể hiện nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn được duy trì ở mức cao. Đây là tín hiệu tốt từ phía tổng cầu”, VEPR nhận định.

Về FDI, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất sáu tháng đầu năm nay với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.677 triệu USD.

Dòng vốn từ Trung Quốc được nhận định dù đem lại tín hiệu tích cực cho việc làm và tăng trưởng, nhưng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực cải thiện thế chế để nâng cao tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại.

“Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước cũng như đảm bảo chất lượng nguồn vốn FDI”, VEPR khuyến nghị.