Đâu sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam?

Hoài An - 10:37, 04/11/2021

TheLEADERTăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam, theo World Bank.

Tác động của công nghệ đến tăng trưởng

Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019.

Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, với tập trung là năng suất, sau khi đã phát triển dựa trên phát triển thị trường và chuyển từ phụ thuộc vào sản lượng nông nghiệp sang sản xuất.

Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam tăng 10 bậc trong hai năm 2018 và 2019, xếp thứ 67 trên thế giới. Các kết quả này cho thấy những thành tựu đáng kể đã đạt được. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế hơn nữa sẽ đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất lao động thông qua đổi mới và sáng tạo công nghệ.

Theo báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”, Việt Nam cần tăng cường đổi mới công nghệ cũng như nâng cao hiệu suất kỹ thuật giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và các ngành công nghiệp mới nổi để nâng cao đường biên công nghệ.

Cùng với đó, cần phát triển nguồn nhân lực và phát triển các công cụ, chính sách và cơ chế thực hiện, để điều phối tổng thể và tăng cường các nỗ lực phát triển công nghệ.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie tại buổi công bố báo cáo mới đây, nhấn mạnh đổi mới và sáng tạo công nghệ là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Vai trò của người lãnh đạo cùng với thể chế mạnh sẽ là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt những cơ hội này và tháo gỡ các nút thắt để không ngừng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chia sẻ đồng ý kiến, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong đó, đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Cần tăng cường các yếu tố bổ trợ cho đổi mới sáng tạo

Theo báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam” mới đây, Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.

Sự lan tỏa công nghệ, không chỉ là nghiên cứu và phát triển, có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.

Báo cáo trên là sản phẩm của Chương trình hỗ trợ phân tích và tư vấn về nâng cao năng lược đổi mới sáng tạo Việt Nam, được tài trợ bởi chương trình đối tác chiến lược giai đoạn II giữa chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên hàng đầu vào quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động, cả chất lượng và số lượng, cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.

Những phát hiện và khuyến nghị trên phù hợp với bối cảnh khu vực Đông Nam Á khi tồn tại sự không phù hợp giữa các chính sách về đổi mới sáng tạo, và khả năng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp và các tổ chức.

Đây cũng là vấn đề phổ biến giữa các quốc gia – một lý do dẫn tới sự tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về bề rộng, và cường độ sử dụng công nghệ mới.

Việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rộng hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt lên các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả các yếu tố xung đột địa chính trị toàn cầu, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng năng suất.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia Đông Nam Á cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.