Đề phòng nguy cơ rơi vào ‘vùng trũng’ công nghệ

Phạm Sơn - 07:04, 06/11/2020

TheLEADERViệt Nam được đang đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh hàng đầu khu vực và thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu không có những bước đi bài bản và sách lược đúng đắn, nguy cơ rơi vào “vùng trũng” của công nghệ hoàn toàn có thể xảy ra.

Đề phòng nguy cơ rơi vào ‘vùng trũng’ công nghệ
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị bàn tròn Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và hiệp định EVFTA.

Đánh giá về xu thế kinh tế số đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới, TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT cho biết, công nghệ 4.0 đang từng ngày từng giờ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và liên lạc.

“Mọi doanh nghiệp, mọi lãnh đạo, mọi người dân cũng sẽ trở nên số hóa”, ông Bình nhấn mạnh.

Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế không tiếp xúc đang dần lên ngôi, đặt ngòi nổ cho kinh tế toàn cầu thay đổi theo xu hướng công nghệ và sẽ duy trì sự thay đổi đó ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thành công.

Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là bài toán gia tăng hiệu quả kinh tế, mà còn là chìa khóa cho sự thịnh vượng, thậm chí là sự sống còn của doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Tập đoàn FPT, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chuyển đổi và phát minh số (VIDTI) nhận định, với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, có thể 20 năm tới, thế giới sẽ bắt đầu cách mạng công nghiệp 5.0.

Theo ông Tuấn, nền kinh tế số có 3 cấp độ, bao gồm số hóa (digitization), ứng dụng kỹ thuật số (digitalization) và chuyển đổi số (digital transformation). Trong đó, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện cấp độ cao nhất là chuyển đổi số.

Đề phòng nguy cơ rơi vào ‘vùng trũng’ công nghệ
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào vùng trũng của công nghệ nếu không có chiến lược đúng đắn và sáng suốt.

Cùng với đó, theo nghiên cứu, có khoảng 70% doanh nghiệp thất bại trong quá trình tiếp cận với kinh tế số. Đây là một rủi ro đáng lo ngại, bởi nếu không có những thay đổi mang tính chiến lược, Việt Nam có thể rơi vào “vùng trũng” của đường cong mặt cười, nơi giá trị gia tăng mà công nghệ đem lại là thấp nhất.

Lý giải cho điều này, ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn trong việc làm chủ công nghệ lõi, cùng với những sai lầm trong hoạch định chiến lược.

Bí quyết chuyển đổi số thành công

Theo ông Tuấn, chuyển đổi số không phải là một dự án thông thường, mà cần được tiến hành một cách bài bản, có kế hoạch rõ ràng, diễn ra trên nhiều khía cạnh, bao gồm văn hóa tổ chức, lực lượng lao động và phương thức điều hành.

“Chuyển đổi số là một môn thể theo đồng đội. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải trực tiếp tham gia, doanh nghiệp cần phải thường xuyên thay đổi để thích ứng thì chuyển đổi số mới có thể diễn ra thành công”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với ông Tuấn, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, thay đổi tư duy là yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển đổi số.

Đây cũng là một trong những đề xuất mang tính trọng tâm của các chuyên gia WB tại nhiều sự kiện, báo cáo trước đây như báo cáo Việt Nam 2035, báo cáo Việt Nam năng động, diễn đàn thường nên Cải cách và phát triển…

Cụ thể, theo ông Morisset, thế giới đang thay đổi một cách chóng mặt, đòi hỏi chúng ta phải có những suy nghĩ mang tính bứt phá, vượt ra khỏi rào càn thông thường để thành công.

Đối với lĩnh vực kinh tế số, các doanh nghiệp cần loại bỏ suy nghĩ cho rằng công nghệ chỉ là công cụ, hướng đến lối tư duy rộng mở hơn, biến công nghệ trở thành điều không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống.

Thay đổi về tư duy cũng là lời khuyên mà ông Giorgio Aliberti, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam gửi tới cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính phủ Việt Nam.

Ông Aliberti cho biết, 20 năm trước, con người không thể tưởng tượng nổi về cuộc sống hiện tại, cũng như chúng ta không thể đoán trước được điều gì xảy đến trong 20 năm sau. Vì vậy, để làm chủ được công nghệ, tư duy của mỗi cá nhân cần phải đi theo hướng làm thế nào hiểu được cách thức vận hành của thế giới.

Sự thay đổi về tư duy này cần được bắt đầu trên góc độ vĩ mô, với những thay đổi về pháp lý, khung chính sách tạo động lực cho đổi mới sáng tạo. Minh bạch hóa thông tin, thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật sẽ là những gì chính phủ Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.

Tại hội nghị bàn tròn Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và hiệp định EVFTA, ông Aliberti cho biết, EU coi Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu tại ASEAN cũng như trên thế giới và cam kết tiếp tục đối thoại, hợp tác với chính phủ Việt Nam để tìm ra những giải pháp thích hợp nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của hai bên, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực.