Điểm nghẽn giữa nghĩ và làm về xử lý rác nhựa tại Đông Nam Á

Sơn Phạm - 11:03, 29/06/2020

TheLEADERIndonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia xả thải rác nhựa hàng đầu Đông Nam Á, cũng như nằm trong Top 10 về xả thải rác nhựa của thế giới, song những nơi này có một khoảng cách giữa ý thức và hành động trong xử lý rác thải nhựa.

Ông Dechen Tsering, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, ô nhiễm nhựa đang “bóp nghẹt” các vùng biển Đông Nam Á. Vì vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu hiện nay của UNEP là giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại khu vực này, với trọng tâm giải pháp đặt vào việc thay đổi chuỗi cung ứng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UNEP kêu gọi sự thay đổi tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp và chính phủ.

Hướng tới giải quyết triệt để vấn nạn rác thải nhựa, UNEP đã phối hợp tới Tổ chức Thực phẩm châu Á (FIA) đưa ra báo cáo dựa trên khảo sát người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp F&B tại 5 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Được biết, đây là những nước xếp top đầu không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới về lượng rác nhựa thải ra môi trường, đặc biệt là thải ra biển hàng năm.

Điểm nghẽn giữa suy nghĩ và hành động về xử lý rác nhựa tại 'bãi rác' của thế giới
Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia xả thải nhựa top 10 của thế giới.

Báo cáo chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp ngành F&B về vấn đề rác thải nhựa.

Đầu tiên, đa số người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa, nhưng chưa hẳn đã sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng lành mạnh hơn. Cụ thể, 91% người tham gia khảo sát cho biết, họ đã biết và hiểu về những hệ lụy mà rác thải nhựa gây ra đối với môi trường sống, tuy nhiên chỉ có 49% khẳng định rằng mình sẽ hạn chế sử dụng những sản phẩm làm từ nhựa.

Nhận thức về rác thải nhựa không có sự chênh lệch giữa dân cư nông thôn và thành thị nhưng người thành thị tỏ ra sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng hơn, do họ được tiếp cận với nhiều sản phẩm tiện ích thay thế nhựa, cũng như nhiều phương pháp tái chế.

Thứ hai, mọi người đang ngày càng có xu hướng tích cực tái chế nhựa. Theo đó, khoảng 54% người tham gia khảo sát cho biết họ đang giữ lại các sản phẩm bao bì nhựa để phục vụ các công việc khác nhau trong sinh hoạt và 38% cho biết có kế hoạch làm điều này trong 12 – 18 tháng tới.

Điểm nghẽn giữa suy nghĩ và hành động về xử lý rác nhựa tại 'bãi rác' của thế giới 1
Tái chế chai nhựa thành “gạch sinh thái” ở Việt Nam.

Thứ ba, các doanh nghiệp ý thức được rằng hành động của họ chưa đem lại hiệu quả cao. 82% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có mối quan tâm sâu sắc về vấn đề rác thải nhựa, cũng như đã tiến hành một số chương trình, dự án, chủ trương nhằm hạn chế vấn nạn này.

Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số nhận thấy rằng những chương trình, dự án đó mới chỉ thể hiện hiệu quả rất nhỏ, chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tham gia các tổ chức, liên minh ngành để hành động vì rác thải nhựa. 51% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chưa từng tham gia bất kỳ một nhóm nào liên quan đến vấn đề trên. Con số này cao nhất ở Việt Nam với 76% và thấp nhất là ở Thái Lan với 24%.

Cuối cùng, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều mong chờ vào những giải pháp đem lại hiệu quả cao hơn từ phía chính phủ. Theo đó, cả 2 nhóm khảo sát này đề xuất rằng chính phủ cần ban hành quy định về việc bắt buộc phân loại chất thải, tăng cường hệ thống thu gom rác, đảm bảo hệ thống nhãn dán phân loại tái chế trong sản phẩm cũng như các hình thức phạt.

Ở Thái Lan và Philippines, người dân mong muốn nhiều hơn ở các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ việc xử lý rác thải, trong khi người dân Indonesia lại cho rằng nên bắt các bên liên quan – từ khâu sản xuất, buôn bán cho tới tiêu dùng – đều phải áp đặt trách nhiệm cao hơn thông qua các mức phí xử lý chất thải hay hình phạt nghiêm minh cho những hành vi xả thải bừa bãi.

Matt Kovac, Giám đốc điều hành FIA cho biết, các doanh nghiệp đang ngày càng ủng hộ sứ mệnh bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách thúc đẩy đổi mới bao bì, tăng cường thu gom và tái chế.

Ông Kovac đánh giá cao những mô hình sáng tạo mà các quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện, điển hình như Phòng thí nghiệm Vật liệu Tuần hoàn của Singapore hay Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Từ đó, Giám đốc điều hành FIA khuyến khích các doanh nghiệp chủ động và tích cực tham gia vào các mô hình liên kết như trên để có thể tiếp cận kịp thời những giải pháp, sáng kiến, dự án liên quan tới việc cắt giảm lượng rác thải nhựa. Các hành động này cũng cần được thực hiện đồng bộ hóa trên quy mô lớn để tạo ra hiệu quả lan tỏa.

UNEP nhận định, báo cáo đã chỉ ra điểm tắc nghẽn trong quá trình hạn chế rác thải nhựa, chủ yếu nằm ở việc thiếu tính tiếp nối giữa suy nghĩ với hành động của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể và kịp thời để có thể tháo gỡ những khó khăn này, hướng tới xây dựng nền kinh tế không chỉ phát triển mà còn phải bền vững và toàn diện.