Bảo vệ đại dương để giải quyết vấn đề về môi trường

Sơn Phạm - 20:58, 09/06/2020

TheLEADERRác thải nhựa, kim loại nặng, dư lượng chất bảo vệ thực vật và nhiều rác thải chưa qua xử lý khác là những gì con người đã và đang thải xuống dưới đại dương, gây ra sự ô nhiễm nặng nề.

Hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học cũng như các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến bàn về chủ đề đại dương (Virtual Ocean Dialogues).

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và kinh tế, sự kiện đã đánh giá lại toàn diện những lợi ích mà đại dương đem lại cũng như sự hủy hoại mà đại dương đang phải gánh chịu từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia cùng thảo luận nhằm đưa ra những đề xuất chính sách để các chính phủ bảo vệ và phát triển bền vững kinh tế biển. Bên cạnh đó, những sáng kiến, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật độc đáo, hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường biển cũng được giới thiệu trong khuôn khổ sự kiện.

Các đánh giá, đề xuất của nhóm chuyên gia dựa trên 3 lĩnh vực: Phục hồi sự sống dưới đại dương, Phát triển bền vững kinh tế biển và Bảo vệ sức khỏe đại dương.

Đại dương và mục tiêu phát triển bền vững

Các chuyên gia cho biết, không chỉ cung cấp khoáng sản hay thủy hải sản, đại dương còn đem lại một nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Theo đó, gió biển luôn thổi với cường độ ổn định hơn trong đất liền, tạo môi trường thuận lợi cho các tua bin gió hoạt động bền bỉ và hiệu quả. 

Năng lượng gió biển cũng được đánh giá có tiềm năng cao hơn nhiều so với năng lượng mặt trời.

Bảo vệ đại dương để giải quyết vấn đề về môi trường

Bên cạnh đó, giao thông vận tải đường biển – chiếm 80% hoạt động giao nhận trong thương mại quốc tế - cũng được đánh giá là có tiềm năng bền vững hơn nhiều các loại hình khác, do khả năng chuyên chở cũng như mức tiêu thụ năng lượng thấp.

Đại dương cũng cung cấp một giải pháp vẹn toàn để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, với nguồn thủy hải sản phong phú, dồi dào, sẵn có và không phụ thuộc vào đất canh tác.

Cuối cùng, biển cả và đại dương góp phần ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thụ nhiệt và hấp thụ khí thải nhà kính.

Đại dương đang bị đe dọa

Rác thải nhựa, kim loại nặng, dư lượng chất bảo vệ thực vật và nhiều rác thải chưa qua xử lý khác là những gì con người đã và đang thải xuống dưới đại dương, gây ra sự ô nhiễm nặng nề. Tình trạng xả thải đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia đang phát triển và thâm dụng nhiều vốn tài nguyên.

Cùng với tình trạng axit hóa đại dương do hấp thụ khí thải nhà kính, tình trạng ô nhiễm biển đã phá hoại môi trường sống của nhiều loài sinh vật, đẩy chúng rơi vào tình trạng đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 4 về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác nhựa. Chỉ tính riêng chất thải rắn, 28 tỉnh thành ven biển Việt Nam phát sinh tới khoảng 14,03 triệu tấn mỗi năm, tương đương với hơn 38.000 tấn mỗi ngày.

Bên cạnh đó, tình trạng đánh bắt cá trái phép, không theo quy định và không được báo cáo (IUU) cũng gây ra thiệt hại đáng kể tới các sinh vật biển. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thủy hải sản Việt Nam bị nhận thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu (EC). Suốt thời gian qua, 100% lô hàng thủy hải sản Việt Nam bị giữ lại kiểm tra, thậm chí bị trả lại gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp.

Tình trạng nóng lên của trái đất kéo theo hiện tượng nước biển dâng cao cũng gây ra nhiều thiệt hại, đặc biệt là những vùng ven biển. Nước biển dâng gây hạn mặn khiến mùa màng thất bát, người dân thiếu nước sinh hoạt chính là những gì đồng bào miền Tây Nam Bộ đã phải trải qua suốt những tháng đầu năm.

Bảo vệ đại dương để giải quyết vấn đề về môi trường 1
Tình trạng hạn mặn ngày một nghiêm trọng đang đe dọa toàn diện đồng bằng sông Cửu Long.

Tình trạng trên sẽ còn nghiêm trọng hơn khi một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change dự đoán rằng tốc độ nóng lên của nước biển có thể tăng nhanh gấp 7 lần hiện nay vào năm 2050.

Phục hồi đại dương: sáng kiến và giải pháp

Ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra cho các quốc gia ven biển, đặc biệt là những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, các lĩnh vực kinh tế biển truyền thống như thủy hải sản hay du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của những quốc gia này. Ngoài ra, việc phát triển những dự án như năng lượng tái tạo biển hay công nghệ sinh học biển cũng tạo đà thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững hơn.

Trong khuôn khổ chuỗi đối thoại về đại dương, các chuyên gia đề xuất chính phủ cần thúc đẩy công tác xử lý chất thải, hạn chế tối đa khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, xây dựng nền du lịch biển bền vững cũng như lên kế hoạch cụ thể và lâu dài để bảo tồn những sinh vật biển đang gặp nguy hiểm.

Riêng đối với ngành khai thác thủy hải sản, các quốc gia có thể tiến hành kỹ thuật số hóa để công tác kiểm soát và quản lý được diễn ra minh bạch và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, WEF cũng giới thiệu một số sáng kiến áp dụng khoa học kỹ thuật đã được áp dụng và đem lại hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới.

Sáng kiến đầu tiên được đưa ra bởi Cubex Global, một công ty startup đến từ Oman. Từ thực tế rằng có tới 100 triệu container vận chuyển qua đường biển với thể tích còn trống tới 50%, gây lãng phí 25 tỷ đô la mỗi năm, Cubex Global đề xuất việc xây dựng một hệ thống blockchain giúp các cá nhân và doanh nghiệp có thể “rao bán” phần thể tích trống bên trong các container hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu, sáng kiến này có thể cắt giảm tới 280 triệu tấn khí thải các bon mỗi năm.

Công ty công nghệ sinh học Oceanium cho biết, họ đang tiến hành phát triển dự án sử dụng rong biển làm thực phẩm và vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa và ni lông. Không chỉ làm giảm lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa, dự án này còn góp phần giảm hiệu ứng nhà kính thông qua đặc tính hấp thụ khí thải ni-tơ và các-bon có trong nước biển.

Ngoài ra, các diễn giả khách mời cũng đề cập tới một số phương pháp như buộc các chai nhựa rỗng lại với nhau để làm “lưới” lọc rác thải nổi ở cửa sông của người dân Guatemala, ứng dụng công nghệ tự động hóa để thiết kế những robot dọn dẹp rác dưới nước ở Hà Lan và Mỹ hay mô hình nuôi côn trùng từ thức ăn thừa để làm nguyên liệu nuôi trồng thủy hải sản tại Pháp.

Các sáng kiến được giới thiệu đã bước đầu gặt hái được nhiều thành công về cả hiệu quả kinh tế lẫn công tác cải tạo và phục hồi sức khỏe đại dương. Từ đó, WEF bày tỏ hy vọng chính phủ các quốc gia tạo điều kiện để áp dụng, nhân rộng và hoàn thiện những sáng kiến đó, góp phần phục hồi và bảo vệ tính bền vững của đại dương, hướng tới Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030.