Doanh nghiệp đói vốn, thiếu việc làm

Phương Anh - 10:41, 14/04/2024

TheLEADERDoanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực vẫn đói vốn và thiếu việc làm bất chấp những dấu hiệu phục hồi chung của nền kinh tế.

Dữ liệu mới nhất về kinh tế quý đầu năm cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng gần 6,3%, gấp nhiều lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái và cao hơn những khu vực kinh tế khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp xây dựng đang hết sức khó khăn. Thông tin này được ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết tại một diễn đàn mới đây về khơi thông động lực tăng trưởng mới.

Theo ông Hiệp, có nghịch lý này là bởi những tháng vừa qua, đầu tư công tăng lên rất cao, kéo theo chỉ tiêu tăng trưởng của ngành xây dựng cũng tăng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng lại có nhiều loại hình, như làm công trình hạ tầng kỹ thuật, một số làm công trình xây dựng dân dụng.

Liên quan tới các dự án lớn như công trình đường cao tốc được thúc đẩy thời gian qua, hầu hết đều là các gói thầu rất lớn, chỉ có một số tổng công ty tham gia vào các gói thầu hạ tầng kỹ thuật còn có việc làm.

Còn lại, do vốn tư nhân vào bất động sản sụt giảm mạnh dẫn tới đa số các công ty xây dựng dân dụng quy mô vừa và nhỏ rất khó khăn.

Chỉ số kinh tế tốt nhưng doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn
Nhiều công ty xây dựng khó khăn về việc làm. Ảnh: Hoàng Anh

Ngoài vấn đề về việc làm, các doanh nghiệp xây dựng còn đối mặt với tình trạng nợ động vốn. Đơn cử, Công ty Delta thực hiện công trình The Artemis tại Hà Nội với hợp đồng xây dựng hơn 400 tỷ đồng, nhưng cho đến nay vẫn còn đọng hơn 60 tỷ đồng chưa thể đòi được dù đã hoàn thành 7 năm.

Đây là tình trạng của nhiều doanh nghiệp xây dựng khi bỏ tiền ra mua vật tư làm trước nhưng không thể đòi thanh toán được do một số vướng mắc về cơ chế.

Ông Hiệp giải thích thêm, đối với cơ chế vốn đầu tư nhà nước, nhà nước là chủ đầu tư nên không cần cơ chế bảo lãnh. Tuy nhiên, các dự án đầu tư tư nhân cũng vận hành theo nguyên tắc này, dẫn đến nhiều công trình không đòi được tiền.

Do vậy, theo ông Hiệp, cần có "cách mạng" về cơ chế trong quản lý ngành xây dựng, đặc biệt trong vấn đề hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, hiện nay, các chi phí đầu vào đã tăng lên, kể cả chi phí nhân công, nhưng mức giá không tương xứng.

Nguyên nhân là bởi hầu hết doanh nghiệp sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài, bị ép giá rất nhiều, đồng nghĩa với giá trị tạo ra ít.

Ông Hoài cũng lưu ý thêm, nhận định về hồi phục và tăng trưởng lạc quan có vẻ không đúng với tất cả ngành hàng.

Với chuỗi cung ứng ngành gỗ gồm từ rừng trồng của các nông hộ, người trồng rừng tới các doanh nghệp chế biến, xuất khẩu gỗ, hiện vẫn còn một số khâu liên quan thể chế, chi phí thực thi pháp luật, ví dụ như hoàn thuế GTGT, vẫn nan giải ở một số địa phương.

Nhiều quy định ‘thắt’ doanh nghiệp

Ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp cho biết, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu đơn hàng, thiếu tiếp cận vốn. Theo sau đó là vấn đề thủ tục hành chính và lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế.

Các giải pháp đi kèm là đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng. Cùng với đó, cần khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả.

Đồng thời, cần rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà; có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin phân tích và dự báo kinh tế, lưu ý, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc. Hai yếu tố này sẽ tác động đến khả năng cung ứng của nền kinh tế và cần tập trung để khơi thông trong thời gian tới.