Doanh nghiệp khó tồn tại nếu không làm mới mình

Quỳnh Chi - 11:19, 10/07/2021

TheLEADERTrong bối cảnh bình thường mới với những sự thay đổi diễn ra không ngừng, những doanh nghiệp có cách làm mới, tư duy mới sẽ có thể vượt qua khủng hoảng và nắm bắt cơ hội để phát triển.

Doanh nghiệp khó tồn tại nếu không làm mới mình
Nhiều sản phẩm kinh doanh truyền thống đến nay đã được đưa lên các kênh bán hàng trực tuyến

Là chủ của một hệ thống chăm sóc sắc đẹp (spa) ở Hà Nội kiêm đào tạo, phân phối sản phẩm làm đẹp cho các chủ spa và cũng là người chuyên dẫn chương trình cho các sự kiện, đại dịch Covid-19 đối với chị Nguyễn Khánh Hào, CEO Liliana Beauty Center Academy là một cuộc khủng hoảng quá lớn. 

Xưa nay kinh doanh theo kiểu truyền thống, lại làm trong ngành dịch vụ nên đại dịch diễn ra khiến nguồn thu từ công việc kinh doanh spa, đào tạo và làm MC sự kiện của chị Khánh Hào bị chặn đứng.

Từng đào tạo cho hơn 2.000 chủ spa trên toàn quốc, chị Khánh Hào cho biết, rất nhiều người đã phải từ bỏ công việc kinh doanh của mình vì không trụ nổi qua mùa dịch. Những đơn vị còn duy trì được đến thời điểm này cũng hoang mang vì không biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc.

Điều đặc biệt là trong cuộc trò chuyện với chị hơn hai tuần trước, chị không hề nhắc đến mong muốn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, vì với chị, “người cứu được mình trước hết phải là chính bản thân mình”.

Trong khoảng thời gian trầm lắng không có khách đến spa, không có sự kiện để dẫn, chị dành thời gian để học nhiều hơn từ những người thành công và quan sát sự thay đổi của thị trường. Chị nhận thấy, khi người tiêu dùng đã “lên online”, việc kinh doanh của chị sẽ “chết” nếu giữ cách làm cũ với hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi.

Chị quyết định đưa sản phẩm kinh doanh lên các nền tảng trực tuyến một cách có chọn lọc. Khi chị em phụ nữ không thể đi spa, chị đẩy các sản phẩm về chăm sóc sức khoẻ và sản phẩm làm đẹp ở nhà từ các đơn vị uy tín mà chị đã tin tưởng lựa chọn. Các sản phẩm OCOP chất lượng từ Yên Bái cũng được chị cho vào danh mục kinh doanh bởi đó cũng là cách để chị quảng bá cho quê hương.

Quan sát trên thị trường có thể thấy, các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đang thay đổi cách làm và tư duy để thích ứng với bối cảnh mới. Không chỉ đưa sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn lên nền tảng trực tuyến như chị Khánh Hào, chủ một số chuỗi F&B còn hợp sức xây những căn “bếp trên mây” (cloud kitchen), tận dụng mùa dịch để thúc đẩy đào tạo và hỗ trợ kinh doanh trên các ứng dụng giao đồ ăn.

Nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng chuyển đổi, từ sản phẩm đến cách thức vận hành, quản trị hệ thống… hướng đến yếu tố linh hoạt trong một thế giới không ngừng biến động.

Nếu không làm mới mình, doanh nghiệp khó tồn tại
Chị Nguyễn Khánh Hào, CEO Liliana Beauty Center Academy

Thế nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng dũng cảm vượt qua vùng an toàn của bản thân để thay đổi tư duy và cách làm. Hậu quả là, sự chần chừ và thụ động đã khiến họ chứng kiến doanh nghiệp của mình “ra đi”.

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội trên 1.500 doanh nghiệp thành viên cho thấy, 57% các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, 38% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, tỷ lệ doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể chiếm 2,6%, chỉ có 1,4% doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt.

Văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mới đây cũng chỉ ra, các đợt Covid-19 bùng phát suốt hơn một năm rưỡi qua đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 10.000 doanh nghiệp hội viên thuộc hội này.

Phần lớn doanh nghiệp đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp với nền tảng tích luỹ chưa nhiều, nên thời gian qua nhiều đơn vị đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Thực trạng này khiến lãnh đạo Hội phải gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ.

"Nếu tình hình khó khăn tiếp tục thì chắc chắn sẽ sớm đẩy đa số doanh nghiệp này vào tình trạng phá sản, người lao động sẽ mất việc làm hàng loạt, dẫn đến mất ổn định tật tự xã hội", Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh nêu trong thư.

Là người tham gia vào nghiên cứu, xây dựng cũng như tiếp cận hàng ngày với các chương trình hành động của doanh nghiệp, trực tiếp quan sát các tác động của chính sách của các nước tới doanh nghiệp, TS. Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Tài chính Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhìn nhận, việc hỗ trợ doanh nghiệp của các Chính phủ là cần thiết để doanh nghiệp tồn tại, vượt qua đại dịch Covid-19.

Nếu không làm mới mình, doanh nghiệp khó tồn tại 1
TS. Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Tài chính Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các gói hỗ trợ nhưng vấn đề triển khai chưa thực sự hiệu quả, khiến các gói hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả như ở các nước. 

Do đó, bà kiến nghị cần các giải pháp như khoanh nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế phí, bảo lãnh nhà nước cho các doanh nghiệp. Yếu tố kịp thời, ngay và luôn là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, bà Nga nhấn mạnh, các hỗ trợ của Chính phủ nên theo hướng khuyến khích và giúp doanh nghiệp thay đổi phương án kinh doanh, chuyển đổi mô hình để thích ứng với giai đoạn mới, đi kèm với mở cửa thị trường.

“Doanh nghiệp bước vào giai đoạn mới như thế nào khi các hỗ trợ của nhà nước dừng lại”, bà Nga đặt vấn đề trong diễn đàn “Hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong môi trường biến đổi”.

Theo bà, doanh nghiệp hãy tập trung vào xu hướng địa phương hoá thay vì toàn cầu hoá, tập trung vào các sản phẩm gần gũi và thiết yếu. Tại châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất nước hoa đã ngay lập tức chuyển sang sản xuất nước sát khuẩn. Điều này thể hiện khả năng thích ứng và nắm bắt xu thế của các doanh ngiệp.

Thay đổi của các doanh nghiệp không chỉ trông đợi vào sự diễn biến có thể còn căng thẳng hơn nữa của đại dịch mà phải thích ứng đi kèm sự sáng tạo.

Sự thay đổi tư duy của chủ các doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết nhằm hình thành khả năng thích ứng trong mọi điều kiện và diễn biến của đại dịch. Khả năng thích ứng cần đi kèm khả năng sáng tạo.

Ông Trần Xuân Hải, CEO Missionizer cũng nhìn nhận, trong bối cảnh mới, cá nhân, doanh nghiệp nào thích ứng nhanh và đưa ra những sáng kiến mới sẽ chiến thắng. Ngược lại, doanh nghiệp chậm chân sẽ biến mất.

Nếu không làm mới mình, doanh nghiệp khó tồn tại 2
Ông Trần Xuân Hải, CEO Missionizer

Theo ông Hải, phần lớn doanh nghiệp trên thế giới đang tập trung thích nghi và tìm cách đối phó với những thách thức đang diễn ra. Điều này là cần nhưng không đủ. Không chỉ đối phó, chủ doanh nghiệp phải đặt thêm mục tiêu phát triển ngay cả trong và sau đại dịch, chuẩn bị cho bình thường mới và nắm bắt cơ hội Covid mang lại.

Trước hết là cơ hội hướng đến những giá trị nhân văn. Đó là sự phát triển về tinh thần làm việc hoàn toàn mới, tinh thần gắn kết. Con người về bản chất khi gặp khó khăn tột độ thường quay về với tinh thần đoàn kết.

Thứ hai, Covid-19 mang lại những cách làm việc mới. Doanh nghiệp phải xây dựng mô hình, hệ thống làm việc hoàn toàn khác biệt. 

Trong khó khăn, câu chuyện dòng tiền vẫn phải đảm bảo nhưng điều đáng tiếc là rất ít doanh nghiệp chú ý từng chi tiết nhỏ trong công việc của từng người. Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp cần chỉnh lại cách làm tại từng vị trí, từng cá nhân; xác định các vị trí đang hiệu quả và vị trí đang tạo “rác” trong doanh nghiệp để đưa ra phương án xử lý. 

Mục tiêu của doanh nghiệp trong mùa dịch không chỉ là những con số liên quan đến tài chính mà còn là sự gắn kết, hệ thống làm việc trong suốt và thu hút con người. Quy trình phải được sửa đổi, kết quả trả về phải đo được và đặc biệt là phải truyền được niềm tin và cảm hứng làm việc để toàn đội ngũ hướng đến mục tiêu chung. 

Thứ ba, Covid-19 cũng làm gia tăng khả năng sáng tạo, buộc doanh nghiệp phải xoá bỏ cách làm cũ đi và áp dụng cách làm mới, thông qua học tập rèn luyện, sáng tạo để “lột xác”, hướng đến doanh nghiệp bền vững. 

Việc học tập, rèn luyện cần được thực hiện ở quy mô toàn doanh nghiệp nhằm hướng đến một doanh nghiệp có văn hoá sáng tạo, học tập, rèn luyện quyết liệt và máu lửa cùng nhau. 

Ông Hải một lần nữa khẳng định, những doanh nghiệp có thể nhìn nhận và khai thác cơ hội mới trong khó khăn để từ đó phát triển trong giai đoạn bình thường mới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, ấn tượng hơn, yêu thương hơn, đoàn kết hơn, hạnh phúc hơn và tạo ảnh hưởng nhiều hơn ra toàn xã hội.