Hàng nghìn doanh nghiệp 'kêu trời' trước nguy cơ phá sản

Quỳnh Chi - 15:09, 06/03/2020

TheLEADER74% trong số 1.200 doanh nghiệp được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân khảo sát cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài sáu tháng.

Hàng nghìn doanh nghiệp 'kêu trời' trước nguy cơ phá sản
Khung cảnh vắng vẻ ở nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn.

“Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí” là tiếng kêu mới đây của 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập trong kiến nghị thư về việc khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3/2020. Những đơn vị lớn với quy mô hàng trăm cơ sở, chi nhánh như Apolo Việt Nam, EQuest… cũng đã đồng loạt ký tên vào thư kiến nghị.

Hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai theo các doanh nghiệp này là “vô cùng tàn khốc”, cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Cụ thể, nếu dịch bệnh kéo dài tới sáu tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. 

Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động sẽ mất việc. Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn.

Ngành giáo dục chỉ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài tới sáu tháng, gần 74% số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho người lao động, tiền lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm do ảnh hưởng dịch trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%.

Chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh. Những doanh nghiệp có doanh thu tăng là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước.

Nỗ lực xoay sở

Trả lời khảo sát của Ban IV, các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẽ những nỗ lực và biện pháp đã chủ động thực hiện để đối phó với tình hình dịch bệnh cũng như chèo lái việc kinh doanh.

Giải pháp trước mắt mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là cắt giảm lao động, gần 39% số doanh nghiệp được hỏi áp dụng biện pháp này. Điều này có thể giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, giúp doanh nghiệp cắt giảm phần nào chi phí lao động. Tuy nhiên, việc này lại để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế là có thể có hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn trong xã hội.

Bên cạnh đó, có gần 21% doanh nghiệp trả lời cho biết, họ đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất. Nhưng các doanh nghiệp cũng chia sẻ, việc cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào rất khó do nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các nguồn cung thay thế lại không dễ dàng để tìm ra ngay. Gần 4% số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, họ đã thực hiện biện pháp tạm dừng kinh doanh, và cũng gần 4% số doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương.

Chia sẻ của nhóm giáo dục ngoài công lập cho thấy, họ đã và đang phải nỗ lực tự xoay sở trong khi chờ đợi sự trợ giúp các cấp chính quyền và các cơ quan ban ngành. Những nguồn lực tài chính cuối cùng đã được tận dụng, thậm chí phải đem cả những đồng tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê trung tâm, trả lương nhân viên, giáo viên, điện nước, thuế, phí, bảo hiểm cũng như các chi phí phòng dịch rất lớn trong một cố gắng duy trì trường học cho học trò và chỗ làm việc cho giáo viên, nhân viên mà mất bao năm mới tạo dựng được.

“Chúng tôi đang đứng trước một tương lai bất định, không biết khi nào trường, trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ được mở, học sinh được đi học. Nhưng tiền lương giáo viên, nhân viên vẫn phải cáng đáng, tiền vay ngân hàng vẫn phải trả, tiền thuê địa điểm vẫn phải thanh toán. Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí!”, các đơn vị này chia sẻ trong thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Một số liệu đáng chú ý trong khảo sát của Ban IV là 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Sự bị động của các doanh nghiệp phần nào phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thế xảy ra sau dịch.

Trong nhóm có phản ứng chủ động và sáng tạo, một số doanh nghiệp đã tích cực tìm thị trường mới hay nâng cao chất lượng phục vụ và tranh thủ thời gian này để đào tạo lại nhân viên.

Về việc phòng dịch để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì chỉ có 5,2% số doanh nghiệp trả lời cho biết họ chủ động phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đây là một trong những nội dung doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa bởi việc phòng chống dịch bệnh không chỉ cần sự nỗ lực của Chính phủ mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nổi bật ba giải pháp được đề xuất nhiều nhất và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ. Thứ nhất là Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh.

Thứ hai, hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch và thứ ba là giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đề cập đến các giải pháp khác như Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, cung cấp thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá điện nước...