'Doanh nghiệp nhà nước phải vươn lên, tránh ngày càng teo tóp, đi xuống'

An Chi - 08:33, 22/11/2018

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, doanh nghiệp nhà nước muốn phát triển lớn mạnh cần nhanh chóng tháo bỏ những ràng buộc để tự chủ kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường.

'Doanh nghiệp nhà nước phải vươn lên, tránh ngày càng teo tóp, đi xuống'
Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp

Hiện nay doanh nghiệp đứng cuối cùng trong danh mục 500 tập đoàn lớn nhất thế giới có doanh thu 24 tỷ USD. Trong khi đó, ba doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tại Việt Nam gồm Viettel, PVN, EVN mới đạt 11 tỷ USD - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung dẫn chứng và nhấn mạnh việc làm sao để trong một vài năm nữa Việt Nam có những tập đoàn nằm trong Top 500 lớn nhất toàn cầu.

Lý giải về sự yếu kém trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, ông Cung cho rằng, việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước có nhiều tồn tại không theo cơ chế thị trường.

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước hiện không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, chịu gò bò, ràng buộc, không được tuyển dụng và trả lương theo nguyên tắc thị trường. 

Ông Cung lấy ví dụ, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp được trả 1 - 1,5 tỷ một năm thì dư luận rất quan tâm. Song, vấn đề quan trọng không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu tiền cho cho nhà nước và cần phải có cơ chế để các doanh nghiệp này được hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Hơn nữa, hiện các chủ sở hữu Nhà nước giao cho doanh nghiệp những chỉ tiêu kinh doanh rất thấp. Trong khi đó, lẽ ra nhà nước không thể chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng.

Một trong những vấn đề khác được ông Cung đề cập là một số nguyên tắc hoạt động theo cơ chế thị trường như việc công khai minh bạch thông tin còn kém. 

Đây là điều rất dễ làm và triển khai không mất tiền để chủ sở hữu có thể dễ dàng quản trị thông tin, tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất nhiều lần nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn không thực hiện hoặc số lượng doanh nghiệp công bố thông tin rất ít. 

Viện trưởng CIEM cho rằng, cần có áp lực lớn hơn để buộc doanh nghiệp thực hiện công khai các thông tin về tình hình hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng đưa ra kiến nghị, cần giao chỉ tiêu kinh doanh đủ cao để chỉ những lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành, không nên giao nhiệm vụ để ai cũng có thể hoàn thành. Như vậy, sẽ gây áp lực cho các chủ sở hữu về việc chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 20 - 30% hơn là bất cứ doanh nghiệp nào.

"Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường" 1
TS. Nguyễn Đình Cung

Ở góc độ quản trị công ty, theo ông Cung, đầu tiên phải tập trung tháo bỏ những ràng buộc với doanh nghiệp nhà nước để họ được tự chủ kinh doanh, tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình. Thời gian qua, việc quản lý hành chính quá nhiều trong việc ra quyết định đầu tư kinh doanh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ nên thay đổi cách quản trị đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực. Nợ xấu, thua lỗ, thất thoát tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất lớn. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế, đi đầu công nghệ. "Không ít tập đoàn nhiều năm không đầu tư gì. Nhưng không ai mặc áo quá đầu, không đầu tư thì sao phát triển được", Thủ tướng đặt câu hỏi.

Trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải tập trung hơn nữa cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, không để ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

“Nếu những tập đoàn, tổng công ty có vấn đề đã được xử lý mà không cố gắng vươn lên thì các đồng chí sẽ rớt lại”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động theo kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, theo quy luật giá trị, từ tiền lương, đến giá cả, chứ không hành chính hóa doanh nghiệp nhà nước và sử dụng mệnh lệnh hành chính, trừ những việc Nhà nước cần thiết phải chỉ đạo.

Vừa qua, Chính phủ đã lập ra Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đây không phải là cơ quan trung gian, gây khó khăn, ách tắc cho sản xuất kinh doanh. “Anh quản lý làm sao để doanh nghiệp phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của nền kinh tế, chứ không phải càng ngày càng teo tóp, đi xuống”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý một số điểm bất cập, tồn tại là hiệu quả, đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Theo Thủ tướng: "Nếu quản trị tốt hơn, đầu tư nhất là đầu tư khoa học công nghệ tốt hơn thì đóng góp sẽ tốt hơn nữa. Đây là điều Chính phủ đang rất trăn trở".