Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả dù nguồn lực lớn

An Chi - 17:07, 07/11/2018

TheLEADERĐể tạo ra một đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả dù nguồn lực lớn
Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương

Doanh nghiệp nhà nước hiện đang được giao quản lý, sử dụng khối lượng tài sản lớn, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp này còn thấp, chỉ đóng góp khoảng 28% tăng trưởng kinh tế hằng năm.

Ngoài một số doanh nghiệp như Viettel, PVN là những doanh nghiệp tạo nguồn thu ngân sách nhà nước lớn nhất, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, thực trạng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước so với mục tiêu đã đề nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Theo ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp đang giảm nhưng tổng giá trị vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp này vẫn tăng, nhất là các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Tuy vậy, tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước có xu hướng chậm hơn tốc độ tăng nguồn vốn kinh doanh và cũng chậm hơn tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung, ông Trung nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nhà nước: Nguồn lực lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả
Ông Phạm Đức Trung

Cụ thể là, so sánh với doanh nghiệp khác năm 2017, doanh nghiệp nhà nước chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần. Để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cũng theo vị chuyên gia này, tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước có đặc điểm là thâm dụng vốn, thâm dụng đất đai và tập trung vốn con người hơn cả nhưng giá trị gia tăng không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Riêng 7 tập đoàn kinh tế nhà nước đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56.7% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. 

Trong đó, 2 tập đoàn có quy mô lớn nhất là PVN và EVN cùng nhau nắm giữ 48% nguồn vốn kinh doanh và 46% vốn chủ sở hữu Nhà nước; 3 tập đoàn PVN, EVN và Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. 

Mức độ tập trung rất lớn về nguồn lực đầu vào cũng như kết quả đầu ra của doanh nghiệp nhà nước có thể làm sai lệnh bức tranh chung về hiệu quả và sức cạnh tranh của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước khi so sánh với các doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, theo ông Trung, những doanh nghiệp đã tạo ra phần lớn lợi nhuận và giá trị gia tăng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước nêu trên cơ bản là hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối thị trường như viễn thông, năng lượng. 

Nhìn ở góc độ cải cách thể chế cạnh tranh, phần lớn doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách của doanh nghiệp nhà nước nằm ở các ngành nghề và lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp. Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế, như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước là rất thấp, ông Trung khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn như 12 dự án của ngành công thương, chưa có phương án xử lý cụ thể, hiệu quả.

Chất lượng hoạt động của doanh nghiệp chậm cải thiện và chưa đồng đều, hiệu quả kinh tế còn hạn chế và có xu hướng giảm dần về tỷ trọng trong GDP. Hiệu quả hoạt động và tỷ lệ lãi của doanh nghiệp nhà nước nhìn chung thấp nhất so với các thành phần khác. 

Giải pháp cho thực trạng này trong thời gian tới, ông Trung, cho rằng, việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước không thể thiếucác giải pháp đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất,cung ứng sản phẩm, dịch vụ cũng như trong lĩnh vực quản lý, quản trị.

Các doanh nghiệp nhà nước cần có chiến lược hoặc kế hoạch chuyển đổi sản xuất kinh doanh, nâng cấp công nghệ, áp dụng mô hình kinh doanh mới, mở rộng thương mại điện tử, tham gia chuỗi giá trị kinh tế số.

Về thể chế, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước cần được xem xét, điều chỉnh, định vị lại cho phù hợp với bối cảnh mới và với tiềm năng, thực lực của doanh nghiệp nhà nước. Hiện Nhà nước đã có chủ trương cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng cung cấp sản phẩmdịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn. 

Theo định hướng dự kiến đến năm 2020 cả nước còn khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước phê duyệt phương án cổ phần hoá 136 doanh nghiệp nhà nước, với nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam.