Sản phẩm nông nghiệp giống nhau, không có gì mang tính đột phá và tạo bản sắc riêng khiến du lịch nông nghiệp khó có thể khiến du khách tiêu tiền.
Nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn cho du khách trong và ngoài nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset, chỉ ra một thực trạng khiến du lịch nông nghiệp mãi chưa thể đạt được kết quả như kỳ vọng, là sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương quá giống nhau.
Lấy ví dụ, bưởi da xanh xuất phát ở Bến Tre và được giới thiệu là đặc sản Bến Tre, tuy nhiên khi ra đến miền Trung cũng được giới thiệu là đặc sản.
“Khách hàng nói sản phẩm nơi này thì nơi kia cũng có, khiến cho doanh nghiệp du lịch thấy ngại khi giới thiệu rằng đây là đặc sản địa phương”, ông Nghĩa đặt vấn đề tại Diễn đàn Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP.
Chính vì vậy, ông Nghĩa đề xuất, cần phải chọn lọc một cách kỹ lưỡng hơn đối với công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sao cho sản phẩm OCOP phải thực sự là đặc sản mang tính đặc thù, tượng trưng cho tinh thần và văn hóa riêng của mỗi địa phương.
Đồng quan điểm, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông và sự kiện Cánh Cam, đánh giá, du lịch nông thôn đang phát triển mạnh nhưng thiếu bền vững do chưa đi đúng hướng, cạnh tranh không lành mạnh và quá nhiều sản phẩm tương đồng.
Thậm chí, nhiều nơi còn tư duy “làm du lịch nông nghiệp nông thôn để cứu nông nghiệp” chứ chưa thật sự đầu tư phát triển nghiêm túc loại hình kinh tế này.
Theo Bà Ly, từ chương trình OCOP có thể phát triển thêm chương trình “mỗi tỉnh một sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc trưng” hoặc thậm chí là “mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”.
Đó là nền tảng để xây dựng những sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn có tính sáng tạo cao, truyền tải được câu chuyện, thông điệp truyền thông riêng biệt, qua đó hấp dẫn du khách trải nghiệm.
Còn theo ý kiến của ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT Travel, du lịch nông nghiệp nông thôn, nếu muốn thoát khỏi thế khó bởi sản phẩm quá giống nhau ở mỗi địa phương, cần áp dụng tư duy mới, thoát khỏi sự bó buộc của cách làm truyền thống.
Cụ thể, ông Bình cho biết, du lịch nông nghiệp không có nghĩa là bắt du khách sống cuộc sống giống hệt như đời sống nông thôn mà phải mang không gian nông thôn hài hòa với những tiện ích, tiện nghi cho du khách.
Với lối suy nghĩ đó, CBT Travel đã mời những đầu bếp ở khách sạn 5 sao về địa phương để nghiên cứu sử dụng đặc sản địa phương làm nguyên liệu, tạo ra những món ăn vừa đậm đà bản sắc, vừa hợp khẩu vị nhiều người, qua đó thu hút và giữ chân được du khách.
Từ cách làm này, ông Bình, người dân địa phương cũng có thêm cơ hội vừa phát triển sinh kế, vừa bao tồn văn hóa, nâng cao ý thức khôi phục và gìn giữ ban sắc dân tộc. Từ đó, lại ngày càng có nhiều điểm đặc biệt giúp kéo du khách đến với du lịch nông thôn.
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Công ty Long Thuận, cũng giới thiệu một mô hình giúp sản phẩm du lịch nông nghiệp của công ty trở nên hấp dẫn du khách, đó là thiết kế cầu thép cao ở trên ngọn dừa, hình thành hệ thống đường đi trên cao để khách dạo quanh khu vườn.
“Làm cái gì phải độc, lạ và có tính bền vững thì mới thu hút được khách du lịch”, ông Khanh nhấn mạnh.
Ghi nhận đóng góp từ phía cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, một trong những yếu tố cần thiết khi phát triển sản phẩm OCOP là phải phát huy được thế mạnh địa phương, từ đó nâng cao giá trị.
Thực tế cho thấy, đã xuất hiện nhiều loại đặc sản mang tính địa phương mà không nơi nào có được, tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Thứ trưởng lấy ví dụ như bia hơi Hà Nội, đặc trưng có những bọt khí li ti bám ở thành cốc.
“Tôi có trò chuyện với chủ cơ sở, họ nói chỉ cần dừng bán một ngày là cả Hà Nội xôn xao vì cốc bia hơi quá là đặc trưng của Hà Nội. Từ câu chuyện này, có thể hiểu được tầm quan trọng của sản phẩm thế mạnh địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.