Đưa 700.000 nhà bán hàng lên mây

Việt Hưng - 13:54, 05/05/2023

TheLEADERThành lập từ tháng 5/2019, SmartPay có hơn 700.000 nhà bán hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán) và cộng đồng hơn 40 triệu người dùng trong cả nước, thông qua sự hỗ trợ của Amazon Web Services.

Từ sau đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Số lần giao dịch qua phương thức QR code tăng đến 182,5%, còn số lần giao dịch qua POS tăng 53,57%.

Nhu cầu tăng cao cùng công nghệ phát triển đã tạo động lực đẩy mạnh chuyển đổi số tại các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lại có phần chậm chân hơn trong xu hướng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như khó khăn trong việc triển khai, không đủ kinh phí đầu tư, hay ít nhận được sự quan tâm từ các tổ chức tài chính và dịch vụ thanh toán.

Có một thực tế, tuy tiểu thương chiếm tỷ trọng lớn về số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ các tổ chức tài chính, họ dần bị bỏ lại phía sau khi xã hội đang phát triển và công nghệ hóa từng ngày.

“Nhà bán hàng nhỏ lẻ từng bị phớt lờ vì họ gặp nhiều hạn chế về công nghệ và kinh doanh chủ yếu bằng tiền mặt. Chúng tôi muốn giúp họ chuyển từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt. Khi SmartPay bắt đầu tập trung vào các tiểu thương, nhiều tổ chức tài chính khác cũng đang dần nhận thấy tiềm năng của phân khúc này”, bà Nguyễn Thị Trọng Phú - CEO SmartPay nhận định.

Tính đến cuối năm 2022, SmartPay đạt 3 triệu USD giao dịch, chỉ chiếm 3% tổng thu nhập của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Điều này cho thấy dư địa thị trường còn rất nhiều, chưa kể hành vi người dùng đang dần chuyển qua không tiền mặt là cơ hội doanh nghiệp thấy được.

Đưa 700.000 nhà bán hàng lên mây
Bà Nguyễn Thị Trọng Phú - CEO SmartPay

Khác biệt với những fintech trên thị trường, SmartPay được thành lập vì nhà bán hàng, đem đến những giải pháp đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau như FMCG, F&B, Chăm sóc sức khỏe và Làm đẹp, Dược, Điện gia dụng,…. giúp họ chuyển đổi mạnh mẽ và trang bị cho họ một nền tảng chấp nhận thanh toán toàn diện mở ra khả năng chấp nhận mọi hình thức thanh toán như thẻ tín dụng, ghi nợ, hay quét mã QR bằng bất kỳ ví điện tử hay ứng dụng ngân hàng nào.

"Tiền mặt không phải là đối thủ duy nhất của SmartPay. Một nỗi đau của các tiểu thương mà chúng tôi nhận thấy đó là họ không có được một công cụ đủ tốt cho thanh toán, hay vận hành. Trong một lần xuống chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, một cô bán trái cây nói với tôi không thể nhớ nổi doanh thu tháng rồi bao nhiêu, lượng khách hàng thế nào. Như vậy, khi cần vay vốn, ngân hàng hay tổ chức tài chính không dám cho vay, vì không có tính minh bạch để cho họ tiếp cận thị trường", bà Phú kể lại.

Như vậy, ngoài thanh toán không tiền mặt, một mục tiêu khác của SmartPay đó là đưa ra công cụ thanh toán giúp các tiểu thương kinh doanh minh bạch hơn, đồng thời tiếp cận được các sản phẩm về tài chính tiên tiến.

Đó là lý do hệ sinh thái SmartPay còn có SmartPOS với nhiều ưu điểm khác biệt với các thiết bị máy POS khác trên thị trường. SmartPOS được phát triển nhằm hỗ trợ nhà bán hàng trọn bộ giải pháp thanh toán, tín dụng và các dịch vụ quản lý doanh nghiệp, tất cả đều được tích hợp trong một thiết bị nhỏ gọn, bảo mật cao với chi phí vận hành tiết kiệm.

Khi tích hợp thêm phần mềm quản lý bán hàng OPOS, SmartPOS sẽ giúp nhà bán hàng có thể dễ dàng tiếp nhận và xử lý đơn hàng, cập nhật danh sách sản phẩm, giá bán, khuyến mãi,…; quản lý nhân viên, khách hàng; quản lý thu chi, sản phẩm, và đặc biệt có thể xuất hóa đơn trực tiếp cho tất cả các giao dịch một cách nhanh chóng và dễ dàng, đáp ứng yêu cầu của nhà nước về xuất hóa đơn.

Đưa 700.000 nhà bán hàng lên mây 1
SmartPay hướng đến mục tiêu dẫn đầu thị trường Việt Nam với thiết bị SmartPOS

Với SmartPOS, SmartPay hướng đến mục tiêu dẫn đầu thị trường Việt Nam, nơi đang thiếu hụt nguồn cung khoảng 1 triệu thiết bị POS. Theo Ngân hàng Nhà nước, để Việt Nam hướng đến xã hội không tiền mặt, thị trường thương mại truyền thống cần ít nhất 1,2 triệu thiết bị thanh toán, bao gồm các cổng thanh toán vật lý tại điểm bán kết hợp với việc các nhà bán hàng sử dụng điện thoại thông minh làm công cụ thanh toán. Cả 2 giải pháp này đều có trong lộ trình phát triển của SmartPay.

Hiện tại, SmartPay có hơn 700.000 nhà bán hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán) và cộng đồng hơn 40 triệu người dùng trong cả nước. Trong đó, công nghệ được xem là chìa khóa giúp công ty phát triển nhanh chóng ngay từ thời điểm thành lập - tháng 5/20219.

“Năm 2019, trung bình mỗi giây SmartPay xử lí khoảng 5 giao dịch. Nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau, mỗi giây chúng tôi cần xử lí số lượng giao dịch lớn gấp 10 lần. Xa hơn nữa, khối lượng giao dịch thông qua SmartPay có thể sẽ tiếp tục tăng lên nhiều lần. Đây thực sự là một thách thức với chúng tôi”, nữ CEO nói.

Bài toán đặt ra với startup non trẻ không chỉ là một hệ thống có khả năng mở rộng linh hoạt, mà còn là yếu tố vận hành ổn định, luôn đảm bảo sẵn sàng, và hơn hết là đề cao tính bảo mật do hoạt động trong lĩnh vực thanh toán.

Sau khi làm việc với nhiều đối tác, SmartPay đã chọn đồng hành cùng hệ thống Amazon Web Services (AWS). Những phản hồi từ đối tác cho thấy, hệ thống của SmartPay mất chưa tới 2 giây để phản hồi cho mỗi tác vụ. Đội ngũ quản lý cơ sở hạ tầng CNTT của SmartPay cũng chưa tới 10 người và không có kế hoạch mở rộng, dù phục vụ tới hàng chục triệu khách hàng.