‘Duyên’ với miền Tây của Giám đốc Abavina

Phạm Sơn - 10:10, 27/01/2023

TheLEADERNhững duyên lành thú vị và đầy bất ngờ là điều giúp cho chị Nguyễn Thị Kim Thoa, người con mảnh đất Phú Yên, tìm đến và quyết định gắn bó lâu dài với Đồng bằng sông Cửu Long.

‘Duyên’ với miền Tây của Giám đốc Abavina
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Abavina

Lần đầu đặt chân tới Hậu Giang vào năm 2009, chị Nguyễn Thị Kim Thoa có lẽ chẳng ngờ được rằng bản thân mình lại lựa chọn gắn bó với vùng sông nước Cửu Long lâu dài đến như vậy.

Bén duyên với Đồng bằng sông Cửu Long qua các dự án cộng đồng tại tổ chức phi chính phủ, đến cuối năm 2017, chị Thoa chính thức thành lập Công ty Sản xuất thương mại Abavina, hỗ trợ bà con nông dân thoát nghèo, làm giàu từ chính những điều kiện tự nhiên sẵn có.

Chia sẻ hình ảnh với những nụ cười tươi tắn trên fanpage của Abavina, tuy nhiên, chị Thoa cho biết, hành trình xây dựng cộng đồng nông nghiệp thuận thiên không phải chỉ có những trái ngọt, mà đằng sau đó là biết bao mồ hôi, công sức và cả những giọt nước mắt.

Hành trình ấy, đi được đến ngày hôm nay, bên cạnh khối óc và đôi tay, có lẽ chị Thoa còn được “tiếp sức” bởi những cái “duyên” đến rất tình cờ nhưng đầy ý nghĩa, được chị kể lại qua câu chuyện đầu năm với TheLEADER.

Điều gì đã đưa chị đến với miền Tây?

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa: Năm 2009, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng lúc đó lại không muốn đi dạy học mà muốn tìm kiêm một công việc để được trải nghiệm và hỗ trợ với cộng đồng.

Vì vậy, tôi vào làm việc cho một tổ chức phi chính phủ và lần đầu đặt chân tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long để làm dự án phát triển sinh kế, bắt đầu ở tỉnh Hậu Giang.

Tôi còn nhớ hôm đó, ngồi sau bác xe ôm để di chuyển từ nhà nghỉ tới điểm họp dự án, dọc đường thấy rất nhiều cây trái chín trĩu cành mà chẳng có ai thu hoạch. Nếu như ở miền Trung quê tôi, người ta đã thu hoạch, hay là bị… hái trộm hết sạch rồi.

Rồi khi gặp gỡ, phỏng vấn bà con, tôi hiểu ra câu chuyện đằng sau hình ảnh đó. Bà con ai cũng nói rằng muốn xin vay vốn, xin tài trợ nhưng hỏi vay vốn để làm gì thì chẳng ai nói được. Người miền Tây trông chờ sự giúp đỡ, dù cho nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Tôi hiểu ra, nếu miền Trung nghèo vì thiên tai, vì đồng chua nước mặn, đất đai bạc màu thì miền Tây có lẽ nghèo vì chưa có tư duy làm kinh tế.

Có phải đó cũng là lý do khiến chị quyết định gắn bó với mảnh đất Chín Rồng?

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa: Ở Phú Yên quê tôi, dù còn nhiều khó khăn nhưng qua quan sát gia đình, họ hàng hay hàng xóm, tôi thấy họ có tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình tương đối tốt. Còn ở miền Tây, khi đã nhìn ra câu chuyện đó, tôi càng muốn được đồng hành để hỗ trợ bà con khai thác hết nội lực, giúp bà con thoát nghèo, làm giàu một cách bền vững, thay vì trông chờ sự hỗ trợ. Bởi tôi biết rằng, nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng dù rất tâm huyết nhưng khi chưa đi “trúng” vào gốc rễ cái nghèo thì khi dự án kết thúc, hầu như chẳng có điều gì đọng lại.

Trong ấn tượng của tôi, miền Tây cũng dễ sống, bởi người dân nơi đây dễ thương lắm! Họ phóng khoáng, chân tình và thật thà. Họ có những đức tính khiến tôi phải ngưỡng mộ.

Một lý do nữa là tôi lấy chồng ở miền Tây. Vậy là, cứ như một cái duyên được định sẵn, tôi gắn bó với nơi này suốt từ năm 2009 tới giờ. Tính ra hơn 10 năm rồi cũng chỉ quanh quẩn ở vùng này thôi chứ chẳng đi đâu xa.

Cộng đồng nông nghiệp thuận thiên của chị ra đời như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa: Năm 2015, khi học xong cao học ngành phát triển nông thôn, tôi có nảy ra ý định sẽ áp dụng những gì mình học được, ngay trên chính… mảnh vườn của nhà chồng.

Hồi đó, gia đình chồng tôi có một mảnh đất trồng cây nhãn rộng khoảng 3 nghìn mét vuông nhưng thâm canh lâu năm nên không còn hiệu quả nữa. Vậy là tôi “thuyết trình dự án”, thuyết phục ba mẹ chồng cho sử dụng mảnh vườn đó để thực hành kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, thực hành tri thức nông nghiệp bản địa mà tôi tìm hiểu được. Trình bày đủ cả trồng cây gì, thân cây, lá cây khai thác sẽ làm gì, đầu ra thế nào, cuối cùng cũng được cho thử nghiệm 1 năm.

Tôi bắt tay vào trồng cây chùm ngây, lấy lá để sản xuất trà thảo mộc. Đây là loài cây tương đối lạ bởi khi đó ở miền Tây chẳng có ai trồng, nhìn lại giống một loài cây mọc dại.

Đến khi trồng chùm ngây, bà con xung quanh ai cũng quan tâm vì “con nhỏ này trồng cây chẳng thấy bón phân hóa học gì mà cây lại phát triển”, lại thấy mẹ chồng tôi gom lá, chế biến, bán được tiền. Bà con bắt đầu hỏi han rằng “có bán được không”? “Cô muốn trồng thì con có giúp cô được không”?

Cùng thời điểm đó, tôi hỗ trợ mạng lưới phụ nữ ở Hậu Giang để sản xuất và kinh doanh nước trái cây lên men. Mô hình này cũng đem lại hiệu quả, cũng được nhiều người quan tâm và ngỏ ý muốn được tham gia.

‘Duyên’ với miền Tây của Giám đốc Abavina
Ủ phân hữu cơ tại Abavina

Khi đó tôi chưa trả lời, bởi vẫn còn vướng công việc ở tổ chức phi chính phủ. Sau này, đến năm 2017, tôi quyết định nghỉ hẳn tổ chức phi chính phủ, chuyên tâm với sự nghiệp làm nông nghiệp cộng đồng.

Thế là bắt đầu lên chương trình khảo sát, đánh giá, đào tạo, rồi triển khai dự án trồng ớt hữu cơ để xuất khẩu sang Nhật, với 10 nông hộ đồng hành.

Cái tên “thuận thiên” mang ý nghĩa gì, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa: Bắt đầu từ nhóm nông nghiệp trồng ớt xuất sang Nhật, khi đó chúng tôi nghĩ phải tìm một cái tên để đặt cho nhóm. Tại vì hồi còn làm tổ chức phi chính phủ, các nhóm dự án đều có tên riêng hết, nào là nhóm Hy vọng, nhóm Đoàn kết…

Suy đi tính lại, mọi người thấy là trồng ớt xuất sang Nhật khó quá, phải đáp ứng đến hơn 240 tiêu chí của nước họ. Nỗ lực thôi chưa đủ, phải được “trời thương” nữa, thế là lấy luôn cái tên “thuận thiên” để được trời thương. Cái tên đó có từ trước khi Nghị quyết thuận thiên (Nghị quyết 120-NQ/CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu) được ban hành nữa. Đến năm 2018 thì có fanpage trên Facebook, lấy tên là là Abavina – Cộng đồng nông nghiệp thuận thiên.

Mọi người thấy là trồng ớt xuất sang Nhật khó quá, phải đáp ứng đến hơn 240 tiêu chí của nước họ. Nỗ lực thôi chưa đủ, phải được “trời thương” nữa, thế là lấy luôn cái tên “thuận thiên” để được trời thương...

Đó là điều vô tình thôi, mà cũng là cái duyên nữa, rất là “cảm hứng”. Hoạt động của Abavina cũng tương đối là “thuận thiên”, tức là thuận theo tự nhiên, theo những điều kiện riêng của vùng để sản xuất nông nghiệp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Bởi lẽ, những người đồng hành với chúng tôi đều “ít”. Ít vốn, ít đất, ít kinh nghiệm thị trường. Cho nên phải tìm ra giải pháp tiết kiệm chi phí thì họ mới đồng hành được.

Cũng tương đối “thuận thiên” nên là dự án của Abavina được các cô, các bác nông dân rất ủng hộ, nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao. Cũng là cái duyên nữa, trước đó mình có làm vài dự án như sản xuất cám viên hữu cơ, sản xuất cháo dinh dưỡng nhưng phần vì làm đơn độc, phần vì chưa dành toàn lực nên đều không thể đi được đến tận cùng.

Theo chị, điều gì khiến bà con cũng như đội ngũ chuyên gia tin tưởng chị và Abavina đến như vậy?

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa: Thú thực là tôi không phải vận động gì nhiều, chủ yếu là bà con nhìn thấy hiệu quả của những việc mình đã làm, rồi mở rộng thêm chút, bán được thêm chút, cứ từ từ như vậy. Giờ cộng đồng Abavina vẫn còn nhỏ lắm, mới chỉ có 28 nông hộ với 22 héc ta canh tác.

Ngoài việc chủ động truyền thông, chia sẻ thông tin liên tục, Abavina còn có một mạng lưới tình nguyện viên nông nghiệp cộng đồng. Đó chẳng phải ai khác mà chính là những người nông dân có tiếng nói, nhận được sự tin tưởng của bà con. Là những người mà khi vui, khi buồn, khi muốn tâm sự, muốn hỏi han, xin ý kiến, bà con đều tìm đến.

‘Duyên’ với miền Tây của Giám đốc Abavina 2

Bà con có khi chẳng tin tưởng tôi, chẳng tin tưởng những cán bộ chính quyền hay các chuyên gia, nhà khoa học nhưng họ sẽ đặt trọn niềm tin vào những người ở ngay gần họ, gắn bó với họ. Đó chính là những “nhà lãnh đạo không chức danh”, tuy không chức danh nhưng có đủ uy tín để mọi người nghe theo.

Đây chính là tư duy cốt lõi để phát triển cộng đồng của chúng tôi, là “dùng người của cộng đồng để giải quyết các vấn đề của cộng đồng”. Đây là kinh nghiệm tôi đúc rút ra được sau quá trình công tác ở tổ chức phi chính phủ. Có nhiều dự án cộng đồng, dự án kết thúc là mọi thứ lại như cũ, bởi chưa “cài cắm” được những tư duy mới vào cho cộng đồng ấy.

Vấn đề là phải làm sao để những người được tin tưởng ấy dám đứng lên đảm nhiệm trọng trách. Dù cho được cộng đồng tin tưởng nhưng nhiều khi họ “nhát” lắm, đứng nói trước đám đông là mặt đỏ bừng lên. Tôi phải thương lượng với họ, đào tạo họ kỹ năng thuyết trình, kỹ năng nói trước đám đông, để họ có đủ năng lực trở thành những người đại diện cho cộng đồng.

Thế nhưng nói thôi có lẽ chưa đủ, phải có hiệu quả thì bà con mới tin theo mình chứ?

Nguyễn Thị Kim Thoa: Điểm đặc biệt của Abavina là giúp cho bà con có được lợi nhuận ngay từ đầu. Đây là điều hết sức quan trọng, vì bà con khi tham gia vào với chúng tôi còn rất là khó khăn, nhiều khi sau vụ thu hoạch, tiền lãi thu được chẳng đủ để trả nợ tín dụng, trả nợ tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu. Họ lấy đâu ra tiền mà phiêu lưu, thử nghiệm với mình?

Để giảm thiểu rủi ro, Abavina ngồi lại với bà con, cùng đánh giá những gì có sẵn để tận dụng cho canh tác, vì thế nên mỗi nông hộ lại có một mô hình riêng. Chúng tôi hướng dẫn bà con ủ phân bón hữu cơ bằng chính những gì có trong vườn, qua đó giảm thiểu chi phí đầu vào. Lượng phân dư thừa có thể bán cho người khác ngay trong cộng đồng, hay thậm chí bán được cả cho một số nhà vườn ở Đà Lạt.

Một lợi ích khác là khi làm việc với bà con, chúng tôi cùng ngồi lại để tính toán chi phí, xem phải mua với giá bao nhiêu để bà con có lãi. Có khi giá còn gấp 2 – 3 lần giá thông thường.

Để làm được điều này, Abavina một mặt tổ chức truyền thông, mặt khác thương thảo với khách hàng để cho khách hàng hiểu được giá cao như vậy là phù hợp với chất lượng nông sản, không chỉ ngon mà còn sạch, đảm bảo chất lượng. Nông sản của Abavina được đem đi xuất khẩu hay bán cho những nhà hàng chay, nhà hàng thực dưỡng, những nơi đều rất coi trọng yếu tố an toàn và bổ dưỡng trong nông sản.

Ngoài ra, Abavina hướng dẫn bà con canh tác xen canh, đa tầng đa tán. Nhờ thế, bà con lúc nào cũng có nông sản để bán, một tuần có khi Abavina thu mua được đến 3 lần. Không "kiếm một cục” như thông thường nhưng bà con lúc nào cũng có tiền trong túi, để chi tiêu thường ngày hay để đi đám, đi khám chữa bệnh. Mặt khác, thu mua liên tục như vậy cũng bớt đi rủi ro về thị trường cho bà con.

Trong năm mới và trong tương lai tới, Abavina có dự tính gì?

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa: Tôi đặt mục tiêu, bên cạnh phát triển cộng đồng nông nghiệp thuận thiên, còn mong muốn xây dựng Abavina trở thành một “hub học tập” về nông nghiệp hữu cơ.

Thời gian vừa qua, Abavina có tổ chức cho nhiều đoàn, nhóm tới thăm mô hình nông nghiệp thuận thiên và trò chuyện trực tiếp với người nông dân. Từ những người nông dân với nhiều mặc cảm, vướng vào quan niệm “người ở vườn – người ở phố”, bà con giờ đây rất là mạnh dạn trong việc trò chuyện, chia sẻ về những gì mình đang làm với khách tới thăm, bao gồm từ các học sinh, sinh viên cho tới các chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền và tổ chức quốc tế.

Bà con có nhiều trải nghiệm hay lắm. Nhà khoa học dù có nghiên cứu sâu đến đâu nhưng cũng hiếm có cơ hội được thử nghiệm. Thành ra, khi trò chuyện với nông dân, nhà khoa học cũng vỡ ra nhiều điều. Hôm nọ có một vị chuyên gia nông nghiệp, đến gặp một bác nông dân trong cộng đồng của chúng tôi mà nói hoài, nói mãi, nói cả ngày chưa dứt được câu chuyện.

‘Duyên’ với miền Tây của Giám đốc Abavina 3
Khách tham quan Abavina

Đối với các bạn học sinh, sinh viên ngành nông nghiệp, ghé thăm và thực hành ở Abavina giúp các bạn ấy có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn, hiểu thêm được nhiều khi thực tế nó khác với những gì các bạn ấy được học trên ghế nhà trường. Các bạn ấy sẽ biết được rằng với ngành nghề mình đang học, với dự tính của mình thì nên làm thế nào, nên bắt đầu từ đâu.

Với các nhóm tham quan và trải nghiệm, nếu có kinh phí thì họ trả cho mình để mình có tiền tổ chức các hoạt động cộng đồng. Còn các bạn trẻ, điều kiện tài chính chưa cao, có thể lựa chọn bỏ công sức để làm việc ngay trên cánh đồng, Abavina hỗ trợ tiền ăn ở, xăng xe đi lại.

Bên cạnh mục tiêu trở thành hub học tập, Abavina cũng sẽ tập trung phát triển thêm một số nhóm sản phẩm. Điều này chúng tôi sẽ bật mí trong thời gian tới.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị! Chúc chị và cộng đồng nông nghiệp thuận thiên Abavina có một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn và thành công!