Gạo Việt ngày càng ‘vững chân’ ở châu Âu

Hoàng Đông - 16:52, 16/07/2023

TheLEADERKhông phải là thị trường xuất khẩu gạo lớn tính theo sản lượng nhưng EU là thị trường có giá trị gia tăng cao do tiêu thụ chủ yếu các dòng gạo thơm, gạo dinh dưỡng chất lượng cao của Việt Nam.

Giữa tháng 2, lô hàng đầu tiên là 15 tấn gạo hữu cơ của Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã chính thức lên đường xuất sang châu Âu, với giá khoảng 1,8 nghìn USD/tấn. Được biết, sau khi được thị trường chấp nhận, QTOrganic sẽ tiếp tục xuất khẩu với sản lượng khoảng 30 – 50 tấn gạo hữu cơ sang EU mỗi tháng.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại dương xanh, đơn vị sở hữu thương hiệu Lotus Rice, có 15 năm kinh nghiệm xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, từ con số vài chục tấn, nay đã đạt vài nghìn tấn mỗi năm. Năm 2023, xuất khẩu gạo vào EU tiếp tục đạt được nhiều thuận lợi, đại diện công ty cho biết đang “không đủ gạo chất lượng cao để bán”.

Một đơn vị khác đang rất thành công tại thị trường EU là Tập đoàn Lộc Trời, với thương hiệu gạo Cơm Việt Nam Rice được đưa vào hệ thống các siêu thị tại châu Âu, giá bán lẻ khoảng 2 nghìn USD/tấn. Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời cho biết đã nhận được những đơn hàng lớn từ thị trường khó tính này, lên đến trên dưới 400 nghìn tấn gạo.

Gạo Việt ngày càng ‘vững chân’ ở châu Âu
Gạo Việt Nam trên kệ hàng siêu thị châu Âu. Ảnh: Lộc Trời

Trong khi đó, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đơn vị sở hữu thương hiệu Gạo Trung An, đã mở văn phòng đại diện tại Đức từ năm 2021, cho biết đang mở rộng chế biến để xuất khẩu sang châu Âu những sản phẩm như mì, bún, phở… với mức giá có thể lên đến 2,5 – 3 nghìn USD/tấn.

Thực tế, những năm gần đây, xuất khẩu gạo sang EU chứng kiến sự tăng trưởng đột biến, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt hơn 24%. Nhờ có hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), gạo Việt vào châu Âu càng “rộng cửa”, năm 2022 đạt hơn 94 nghìn tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt qua hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo hàng năm theo EVFTA.

Với tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, năm 2023 tiếp tục hứa hẹn sự bùng nổ mạnh mẽ về sản lượng gạo xuất khẩu sang EU, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao, một số đối thủ của Việt Nam lại đang phải hạn chế sản lượng xuất khẩu. Dự kiến, nếu những đơn hàng “khủng” của doanh nghiệp được thực hiện đúng kế hoạch, sản lượng gạo xuất sang EU sẽ tăng trưởng 3 con số.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, gần 40% kim ngạch gạo xuất sang EU là gạo thơm, chiếm tỷ trọng cao nhất. Tiếp theo đó là gạo trắng, gạo Nhật, gạo lứt, gạo vi chất… Như vậy, tuy chỉ chiếm khoảng gần 2,5% tổng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng EU lại là thị trường đầy tiềm năng cho dòng gạo chất lượng cao.

Năm 2022, giá gạo Việt Nam xuất sang EU trung bình đạt gần 700USD/tấn, cao hơn 40% so với mức giá bình quân xuất khẩu chung là chưa đến 500USD/tấn. Có thời điểm vào đầu năm 2022, khi giá gạo xuất khẩu giảm tương đối sâu, xuống mức chưa đến 470USD, giá gạo xuất sang EU lại tăng mạnh lên mức 755USD/tấn.

Như vậy, xuất khẩu gạo sang EU tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023 được đánh giá là cơ hội tốt để phát triển các dòng sản phẩm gạo chất lượng cao.

Để tận dụng thời cơ này, thách thức lớn cần phải vượt qua chính là câu chuyện “không đủ gạo để bán” của Công ty Đại dương xanh. Trong một buổi họp với Bộ Công thương vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Đại dương xanh, cho biết, không chỉ EU mà nhiều thị trường khó tính đều đang có nhu cầu cao đối với sản phẩm gạo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, sản lượng các dòng gạo này ở Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng tương đối thấp, không thể đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, EU có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, từ 3 – 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ sản lượng gạo cho thị trường này. Trong khi đó, sản lượng gạo Việt Nam mỗi năm đều đạt hơn 20 triệu tấn, xuất khẩu từ 6 – 7 triệu tấn.

Hiện tại, ngành lúa gạo đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp theo hướng giảm sản lượng nhưng tăng chất lượng, tăng cường chủng loại gạo thơm, gạo dinh dưỡng cao, sản xuất, canh tác tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và xã hội.

Cụ thể, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm sản lượng xuất khẩu lúa gạo xuống còn khoảng 4 triệu tấn, với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ gạo trắng có phẩm cấp thấp và trung bình chỉ chiếm không quá 10%, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 15%, còn lại là gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản… Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%.

Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng tích cực được triển khai, đặt mục tiêu hoàn thành đến năm 2030. Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đưa ra phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp vùng theo hướng giảm tỷ trọng lúa gạo, tập trung trồng lúa ở vùng sinh thái ngọt, qua đó tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng hạt gạo, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội từ canh tác lúa gạo gây ra.