Giá trị của nước

Phạm Sơn - 15:54, 22/03/2021

TheLEADERNgày Nước thế giới 2021 lấy chủ đề là Giá trị của nước, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, thái độ và ý thức của toàn thế giới về vai trò của nguồn tài nguyên thiết yếu bậc nhất cho sự phát triển của nhân loại.

Giá trị của nước
Nước gắn bó mật thiết với quá trình phát triển của nhân loại. Ảnh: UN Water.

“Một mặt, nước có giá trị vô hạn vì thiết yếu cho sự sống. Mặt khác, nước cũng chẳng có giá trị khi đang bị lãng phí mỗi ngày”, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO bình luận về giá trị của nước.

Không chỉ dừng lại ở duy trì sự sống, nước còn là môi trường sinh sống của nhiều loài sinh vật, cung cấp dịch vụ vệ sinh, phục vụ canh tác nông nghiệp, nguồn cung cấp năng lượng và nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, xã hội, môi trường. Nói cách khác, nước gắn bó mật thiết với quá trình phát triển của nhân loại.

Tuy nhiên, thực trạng đáng báo động về gây ô nhiễm nguồn nước cũng như lãng phí nước sạch đang trở thành một trong những vấn nạn đáng báo động trên toàn thế giới. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt có thể sử dụng đang ngày càng bị thu hẹp, ngày càng khó có thể đáp ứng cho nhu cầu của con người khi dân số đang tăng cao.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình trạng không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sạch. Trong đại dịch Covid-19, 1,8 tỷ người cũng nằm trong diện nguy cơ cao bị lây nhiễm khi làm việc hoặc phụ thuộc vào cơ sở y tế không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cơ bản.

Tình trạng khủng hoảng tài nguyên nước đang lan rộng, đe dọa tới cả những quốc gia vốn có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi về nguồn nước, trong đó có Việt Nam. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và môi trường, Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, với lượng mưa dồi dào, mạng lưới sông ngòi dày đặc, tổng lượng nước bình quân mỗi người đạt khoảng hơn 9.400 mét khối mỗi năm, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô ở Việt Nam đang trở nên báo động, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất năng lượng và canh tác nông nghiệp. Cùng với đó, nhiều nguồn nước cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, trở thành nguồn phát sinh bệnh tật.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo, nếu không giải quyết được ô nhiễm nước, Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng nước trong 10 năm tới và chi khoảng 4% GDP chỉ để mua nước sạch sử dụng vào năm 2035.

Thực trạng về nước trên toàn thế giới đặt ra một tình huống báo động cho các quốc gia trong việc quản lý, điều tiết và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, đặc biệt là giải quyết tình trạng lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước. Đây cũng chính là lý do Giá trị của nước được chọn làm chủ đề cho Ngày Nước thế giới 22/3/2021.

Ngày Nước thế giới năm 2021 đưa ra 5 quan điểm đặc biệt quan trọng trong việc đối xử có trách nhiệm với tài nguyên nước.

Một là, nước là tài nguyên thiết yếu để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, duy trì sinh kế, bảo vệ các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế bền vững. Hai là, nước là tài nguyên quý giá, cần được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Ba là, bảo vệ tài nguyên nước chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Bốn là, hãy sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước để chia sẻ cơ hội tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người. Năm là, nước là tài nguyên thiết yếu nhưng hữu hạn, hãy sử dụng nước một cách “tuần hoàn” vì một tương lai bền vững.

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2021, Bộ Tài nguyên và môi trường đã hợp tác với nhiều Bộ, ban, ngành, tổ chức nhiều hoạt động trên phạm vi toàn quốc để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nguồn tài nguyên quý giá.

Cùng với đó, hướng tới mục tiêu số 6 về phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 là đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người, một số giải pháp trong quản lý tài nguyên nước cũng được triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Cục Quản lý tài nguyên nước, các hoạt động trong thời gian tới bao gồm hoàn thiện văn bản pháp luật, chính sách về tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước nhằm đảm bảo khai thác hợp lý, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ban, ngành cũng như ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước.

Cùng với đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm những rủi ro trong tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia cũng cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập các ủy ban lưu vực sông, bên cạnh tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát hoạt động khai thác và sử dụng nước.

Song song với việc bảo vệ trực tiếp nguồn nước, các hoạt động bảo vệ môi trường và ngăn ngừa biến đổi khí hậu khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế ô nhiễm và duy trì nguồn nước. 

Về điều này, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) kêu gọi thúc đẩy triển khai ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh để hạn chế xả thải ra nguồn nước và tái sử dụng nước thải, giúp hạn chế tối đa ô nhiễm cũng như sử dụng nước một cách tiết kiệm.